Góc suy ngẫm

Tính cách Quảng, thử nhìn vài nét phản diện

NGUYỄN ĐIỆN NAM 12/05/2024 06:26

Chuyên đề về phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Quảng Nam đã và sẽ được Tỉnh ủy khởi xướng trở lại nhằm khơi dậy khát vọng phát triển quê hương. Dĩ nhiên, những “tính cách Quảng” tích cực được chú ý, tuy vậy thử nhìn đôi nét phản diện xem sao...

Chẳng hạn về tính “hay cãi”. Tính cách này như các sử quan triều Nguyễn từng ghi nhận là do “thổ lực không hậu” hoặc “phong khí” vùng đất sinh ra.

Minh chứng là trong Đại Nam nhất thống chí (triều vua Duy Tân) nhận xét rằng “sĩ phu có khí tiết cứng cỏi bạo nói, nhưng vì thổ lực không hậu mà thế nước chảy gấp nên tính người hay nóng nảy, ít trầm tính, duy có người nào có học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc”.

Nhận xét nêu trên chỉ ra cả ưu và nhược của tính “hay cãi”. Mặt ưu thì biểu hiện khí tiết “quyết “cãi lại” một xã hội cũ, một cách sống cũ, đi tìm một xã hội mới, một cuộc sống mới, một cách làm người Việt kiểu khác, mới” (Tìm hiểu con người xứ Quảng – Nguyên Ngọc).

Mặt nhược thì như “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân từng nêu: “Cãi đúng hay sai, điều ấy không thể biết được vì nó đã thuộc về dĩ vãng. Nhưng chỉ cần nghe tiếng “hay cãi” là không cấp lãnh đạo nào “nghe” dễ chịu. Đó là những người bình thường, nhưng lại thích đẩy sự bàn luận đến triệt để, chứ không kể những nhân vật có bệnh cãi bằng giọng trịch thượng, khiêu khích, chống đối”.

Vậy “hay cãi” chỉ hay khi từ CÃI mà đi đến CẢI, tức làm biến cải, thay đổi cái cũ, cái lạc hậu, để tìm cái mới, cái sáng tạo. Còn một khi cãi chỉ để cãi đâm ra dở người, gặp chuyện chi cũng cãi mà không cần phân biệt đúng sai, tức cãi chày cãi cối, thì chẳng nên.

Và khi tính hay cãi mà thái quá đến “hay kiện tụng” cũng phải xem lại. Thời nào cũng vậy, muốn kiện cho hay cho đúng cần hiểu luật pháp chứ không thể kiện cáo lung tung vừa gây rối xã hội, vừa tạo cơ hội cho những “thầy cãi” đục nước béo cò, tiền mất tật mang.

Cãi là trái với tính nước đôi “ba phải” nhưng thể hiện ra bằng lý lẽ, ngôn ngữ cũng cần chú ý, không thể vin vào tính “ăn cục nói hòn” mà dễ làm tổn thương hòa khí khi bốp chát gay gắt. Và cãi làm sao để giữ được thiện ý vì khao khát chân lý mới là điều cần phát huy.

Ngày nay, trong bối cảnh đời sống đang khó khăn trăm bề, người Quảng cần phải CÃI và CẢI, để cải thiện nhiều hơn, quyết liệt hơn về năng lực điều hành kinh tế - xã hội. Bởi nếu không cãi và cải được tư duy tập tính, tìm hướng đột phá mới thì hành trình phát triển sẽ chựng lại và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.

Một tính cách khác cũng cần suy ngẫm mà các nhà nghiên cứu chỉ ra là người Quảng vừa cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, vừa chặt chẽ, chắc chắn, “ghì giữ”, “bảo thủ” (dẫn theo Tìm hiểu con người xứ Quảng).

Tính bảo thủ trong trường hợp cố gắng ghì giữ, bảo tồn vốn liếng bản sắc tốt đẹp của văn hóa từ thuở cha ông đi mở cõi đến nay là điều tốt, đặc biệt nhờ đó mà các di sản quý báu được trao truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng bảo thủ đến mức đóng kín, không chịu tiếp thu cái hay, cái đẹp để cải biến mình sẽ dẫn đến trì trệ, lạc hậu.

Như vậy cần xiển dương “tính cách mở” vốn đã hình thành trên “vùng đất mở về phương Nam” mà Li Tina đã ghi nhận “những người khai hoang ít ràng buộc bởi những gò bó của một địa vị xã hội cao và những quy định trong cách ứng xử của xã hội cũ, nên được tự do phát huy sáng kiến... Người dân có khuynh hướng cởi mở tự nhiên hơn,... có lòng quảng đại của người di dân đối với người khác” (Xứ Đàng Trong).

Rõ ràng bàn về tính cách con người thường cần nhìn cả hai mặt ưu nhược. Mặt ưu điểm/tích cực thì phát huy, nhược điểm/cái dở nên bỏ đi, chứ không phải cái gì cũng phát huy kiểu “nói lấy được” hoặc buông xuôi “thôi trớt, rứa hỉ”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tính cách Quảng, thử nhìn vài nét phản diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO