Tính cách tạo nên từ lòng nhân ái

PHAN HOÀNG 18/12/2023 08:15

Cách đây mấy hôm, tập thể Ban Giám hiệu, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.Tam Kỳ) cùng tiễn đưa một đồng nghiệp về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Một học sinh lớp 4 kể với phụ huynh: “Bọn con mặc đồng phục trắng, đứng dọc suốt đoạn vỉa hè dài hai bên đường trước trường để tiễn thầy. Xe tang dừng trước cổng trường để bọn con vẫy tay tạm biệt thầy. Đứa mô cũng khóc. Thương thầy lắm”.

Đó là bài học về tình người, lòng biết ơn và sự tử tế mà bọn trẻ con được tiếp nhận. Hành động ấy được nhà trường gợi mở và thực hành, ý nghĩa hơn nhiều chữ nghĩa trôi tuột mà chúng phải học thuộc lòng cho những bài kiểm tra. Một đám tang, rồi các con sẽ quên. Nhưng mầm thiện đã được gieo.

Hôm qua, trên trang cá nhân một người quen có câu chuyện được chia sẻ khá nhiều. Chuyện này, tôi được nghe thầy giáo kể hồi trong trường đại học, rồi quên bẵng.

Chuyện rằng, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người ta tìm thấy bức thư này trong một trại tập trung của Đức Quốc xã, chứa đựng lời nhắn gửi đến các thầy giáo.

“Thưa Thầy, con là một người sống sót trong trại tập trung. Đôi mắt của con đã nhìn thấy những điều không nên thấy: Buồng khí gas được xây dựng bởi các kỹ sư có trình độ chuyên môn. Trẻ em bị tiêm thuốc độc do bác sĩ có chuyên môn. Phụ nữ và trẻ em bị giết và đốt bởi sinh viên tốt nghiệp. Vì vậy con có những nghi ngờ về giáo dục.

Yêu cầu của con dành cho Thầy như sau: Dạy và học cách yêu thương người khác. Hãy nỗ lực để không bao giờ tạo ra những con quái vật được huấn luyện hoặc những kẻ biến thái nhân cách có kinh nghiệm. Đọc, viết và biết số học sẽ chỉ quan trọng nếu chúng ta khiến con cái chúng ta biết yêu mến người xung quanh của chúng” (dẫn theo bản Cang Huỳnh lược dịch từ Paris Match).

Ví dụ những câu chuyện, để thêm khẳng định, rằng dạy học trước hết là dạy lòng nhân ái. Và chúng ta cũng thừa nhận với nhau điều đó. Nhưng có vẻ, giáo trình, giáo án, cải cách, sấp ngửa chạy theo bao nhiêu áp lực khiến điều đó bị mờ đi, thậm chí bị lãng quên.

Trong thế giới phẳng, ngày càng nhiều bản tin đau lòng về tình thầy trò, cha con khiến chúng ta lo sợ vì sự xuống cấp về văn hóa, suy giảm về đạo đức con người.

Một đoạn, dấy lên những tranh cãi về khẩu hiệu treo ở trường học “Tiên học lễ, hậu học văn”. Một cách rất buồn cười và vô lý, khi nhiều người đòi bỏ câu này hoặc đổi trật tự từ của câu. Những gì tạo nên phẩm hạnh đạo đức của con người, thì không chỉ trẻ con được học, mà người lớn cũng phải thường xuyên học.

Rồi cũng một đoạn, chúng ta bàn làm thế nào để xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam. Hiện nay khái quát “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo” được xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Nhưng hình như, nhiều thứ vẫn còn loay hoay...

Trong phần nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 36 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Tỉnh ủy Quảng Nam (ban hành ngày 8/12/2023) có nội dung: tổ chức hội thảo khoa học nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới.

Tính cách Quảng Nam định hình từ “bệnh lý sự hay cãi” suốt mấy trăm năm qua. Như cách diễn giải của cụ Nguyễn Văn Xuân, rằng “Do nặng về suy tư muốn tìm ra lẽ phải cuối cùng (mà ít khi đạt được) người Quảng Nam hay bàn luận và thiên về bàn luận có khi đến xô xát, quyết liệt dầu phải dẫn đến mất mát quyền lợi... Và bởi người Quảng “ăn cục nói hòn” chân chất, chân thành, tử tế với tha nhân”.

Giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong “giai đoạn mới” hẳn cũng không thể nào thoát được hệ giá trị tính cách Quảng ấy. Mà học làm người, lấy giáo dục làm nền tảng, thì cổ hay kim đều phải khởi đi từ lòng nhân ái ấy vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tính cách tạo nên từ lòng nhân ái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO