Tính chuyện chăn nuôi tập trung

NGUYỄN VĂN SỰ 25/03/2017 11:05

Đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được xem là giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.

Quá nhiều hạn chế

Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ chiếm tỷ lệ cao nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư rất đáng báo động. Nhiều năm nay, phần lớn người dân thả nổi khâu vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng, đặc biệt là bỏ lửng việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Vì thế, tại nhiều nơi hay tái bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2015 - 2016 toàn tỉnh có 4.517 con chim cút phải tiêu hủy bắt buộc vì nhiễm dịch cúm gia cầm và 161 con trâu, bò, heo bị bệnh lở mồm long móng tấn công.

Phát triển chăn nuôi bò với số lượng nhiều theo phương thức thâm canh được xem là hướng chủ lực.Ảnh: VĂN SỰ
Phát triển chăn nuôi bò với số lượng nhiều theo phương thức thâm canh được xem là hướng chủ lực.Ảnh: VĂN SỰ

Nguồn giống là khâu trọng yếu trong phát triển chăn nuôi nhưng những năm qua số lượng cơ sở cung cấp con giống gia súc, gia cầm có quy mô lớn và đảm bảo chất lượng trên địa bàn tỉnh còn quá ít, không đáp ứng nhu cầu. Đối với giống bò, thời gian qua không có cơ sở nào sản xuất, cung ứng sản phẩm đạt chất lượng. Còn đối với giống heo và gia cầm thì toàn tỉnh chỉ vỏn vẹn 4 - 5 cơ sở đủ độ tin cậy. Hiện toàn tỉnh có 74 cơ sở ấp trứng gia cầm, 13 cơ sở sản xuất tinh heo lỏng, 54 cơ sở cung ứng con giống gia cầm nhưng phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động không thường xuyên. Do số lượng không đủ cung cấp, chất lượng giống còn hạn chế nên người chăn nuôi phải đi mua từ các tỉnh khác. Đáng nói hơn, công tác quản lý nhà nước về con giống gia súc, gia cầm còn rất lỏng lẻo. Thực trạng sử dụng con giống không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng vật nuôi thương phẩm làm giống tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, mức độ rủi ro cao và năng suất thấp… Những nguyên nhân trên khiến khối lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Theo thống kê, năm 2016 giá trị sản xuất của lĩnh vực này chỉ đạt 2.060 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,1% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.  

Tạo cú hích

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, đến giữa tháng 3.2017 toàn tỉnh có 69.000 con trâu, 192.000 con bò, 480.000 con heo và hơn 5,8 triệu con gia cầm. Ngoài 60 cơ sở chăn nuôi gia công có sự liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp thì những năm qua Quảng Nam đã hình thành được 130 trang trại, 1.391 gia trại nuôi heo hướng nạc, bò lai và các loại gia cầm. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì số trang trại, gia trại và những cơ sở chăn nuôi gia công này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hiện nay, chăn nuôi trong nông hộ vẫn chiếm đến 75 - 80% tổng đàn...

Ngày 5.1.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 58/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn từ nay đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030 nhằm tạo cú hích mạnh cho chăn nuôi phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, tăng sức cạnh tranh, tạo thương hiệu chuỗi sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo đề án, những năm tới toàn tỉnh sẽ hình thành 38 khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn 14 huyện, thị xã (trừ Núi Thành, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An) với tổng diện tích 1.329,5ha. Trong đó, có 21 khu chăn nuôi bò (996ha), 10 khu chăn nuôi heo (230ha), 7 khu chăn nuôi gà (103,5ha). Ngoài ra, các địa phương cũng quy hoạch riêng 237 khu chăn nuôi tập trung quy mô nhỏ hơn với tổng diện tích 2.536ha.

Ông Nguyễn Thành Nam cho hay, giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng, xây dựng trước cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước đến chân hàng rào một số khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn để thu hút đầu tư, gồm Na Sơn (Thăng Phước, Hiệp Đức), Bãi Trạch (Đại Sơn, Đại Lộc), Gò Tranh (Quế Thuận, Quế Sơn), Biên Phòng - Gò Gai (Tam Lộc, Phú Ninh). Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống vật nuôi, nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Theo chiến lược đặt ra, thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng phát triển đàn bò theo hướng bò thịt chất lượng cao, nâng tỷ lệ bò lai lên hơn 65% vào năm 2025. Ưu tiên phát triển chăn nuôi bò theo phương thức hàng hóa ở các huyện trung du và miền núi, giảm mạnh hình thức nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ chăn nuôi bò tập trung đạt khoảng 25% trong tổng đàn bò. Về đàn heo, tiếp tục phát triển mạnh theo hướng nạc hóa, áp dụng các công thức lai giữa những giống có chất lượng như Landrace, Yorshire, Pietrain, Duroc... Trong khi đó, đối với đàn gà từ nay đến năm 2025 sẽ đẩy mạnh phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng theo hình thức tập trung tại những nơi có lợi thế. Chú trọng phát triển chăn nuôi gà thịt, gà trứng thương phẩm, chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp trên cơ sở các vùng chăn nuôi tập trung đã quy hoạch.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tính chuyện chăn nuôi tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO