Tính chuyện nước tưới cho vùng cực hạn

TƯ RUỘNG 03/07/2018 09:21

Chủ nhật vừa rồi, trên đường lên trung tâm hành chính huyện Quế Sơn, Tư Ruộng tình cờ gặp vợ chồng anh Sáu An Xuân ở xã Phú Thọ đang trên đường đi lột vỏ keo thuê để kiếm thêm thu nhập. Anh cho biết gia đình có 5 sào đất lúa trên xứ đồng Rộc Mèo. Hàng chục năm nay, do hệ thống hồ chứa, trạm bơm điện, kênh mương chưa được quan tâm đầu tư xây dựng nên nguồn nước tưới phục vụ sản xuất hết sức khó khăn. Vụ đông xuân nhờ thường xuất hiện những đợt mưa nên gia đình anh tranh thủ gieo sạ hết số diện tích vừa nêu. Tuy nhiên, vì nước tưới hoàn toàn dựa vào… trời khiến cây lúa đẻ nhánh kém, phát triển chậm nên cao tay lắm mỗi sào đạt năng suất 220kg khô. Còn vụ hè thu, từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 8 dương lịch, nắng hạn hoành hành trên diện rộng nên không biết tìm đâu ra nước để đổ ải gieo sạ. “Thời gian qua tôi đã nhiều lần chuyển 5 sào đất lúa sang trồng sắn, bắp lai, đậu phụng, mè… nhưng phần lớn là ôm lấy thất bại. Bởi nếu nắng nóng quá khốc liệt thì các loại cây trồng cạn đều chết khô. Trong khi đó, do các chân ruộng của tui đều nằm ở khu vực trũng thấp nên nếu trời mưa lớn kéo dài thì xảy ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng, dẫn đến những loại hoa màu bị hư thối và chết hàng loạt. Mất trắng không ít mùa nên mấy vụ hè thu gần đây tui quyết định không thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nữa” – anh Sáu chia sẻ.

Ông Bùi Khắc Sơn – Phó ban Nông nghiệp xã Phú Thọ cho biết, do nắng hạn gay gắt nên hàng năm bắt đầu từ cuối tháng 4 dương lịch là hầu hết ao hồ, sông suối trên địa bàn đều cạn kiệt. Trong khi đó, vì kết cấu hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư thi công đồng bộ nên vụ hè thu nào nước tưới cho cây trồng cũng là vấn đề hết sức nan giải. Ông Sơn nói: “Hiện nay, toàn xã có tổng cộng 275ha đất lúa. Thế nhưng, vụ hè thu 2018 này nông dân chỉ đưa vào sản xuất 129ha, còn lại 146ha chủ yếu nằm ở An Xuân và 2 thôn khác là Phước Chánh, Tân Đông Tây không thể gieo sạ được vì quá bức bí nguồn nước tưới”. Theo ông Nguyễn Trường Sang – Chủ tịch UBND xã Phú Thọ, muốn giải bài toán khó về nước tưới cho cây lúa cũng như các loại hoa màu khác của địa phương thì phương án tối ưu là thi công hệ thống kênh chính và kênh nhánh để đưa nước từ trạm bơm điện Phước Chỉ thuộc xã Bình Quý (Thăng Bình) về. Tuy nhiên, do vốn đầu tư nằm ngoài khả năng của ngân sách xã nên lâu nay ý tưởng khả thi ấy cũng chỉ dừng lại ở… ý tưởng.

Trao đổi với Tư tôi vào cuối tuần qua, ông Võ Văn Điềm – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh cho hay, do được xây dựng cách đây 36 năm nên thời gian qua trạm bơm điện Phước Chỉ và các hạng mục đầu mối của công trình này bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, với khoản kinh phí 25 tỷ đồng do dự án WB7 hỗ trợ (Bộ NN&PTNT quản lý), từ năm 2016 đến nay Quảng Nam đã tiến hành xây mới trạm bơm Phước Chỉ, bê tông hóa 10km kênh chính và tới thời điểm này đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, muốn đảm bảo cung ứng nguồn nước tưới cho ít nhất 400ha đất nông nghiệp của 2 xã Bình Quý (Thăng Bình) và Phú Thọ (Quế Sơn) trong mỗi vụ canh tác thì nhất thiết phải tiếp tục thi công hệ thống kênh nhánh để đưa nước về các cánh đồng. Từ yêu cầu bức thiết của thực tế sản xuất, UBND tỉnh vừa chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kiên cố hóa hệ thống kênh nhánh trạm bơm điện Phước Chỉ. Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, ngân sách tỉnh sẽ chi hơn 21 tỷ đồng bê tông hóa các tuyến kênh nhánh của xã Phú Thọ với tổng chiều dài 15km và nâng cấp, làm mới một số công trình trên kênh như cầu máng, cống tưới… “Theo kế hoạch, cuối năm nay chúng tôi sẽ triển khai thực hiện dự án này, khi hoàn thành sẽ chủ động phục vụ nước tưới ổn định cho hơn 200ha đất nông nghiệp của xã Phú Thọ” – ông Điềm nói thêm.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tính chuyện nước tưới cho vùng cực hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO