Tình đồng chí ở xứ sở hoa anh đào

LÊ VĂN CHƯƠNG 04/02/2019 02:20

(QNO) - Tokyo, Nhật Bản tháng 4.1973, có một nhóm thanh niên Việt Nam gồm 5 người được 1 người Nhật Bản dẫn ra khu chợ mua sắm quần áo, cặp làm việc, đồng hồ, tư trang cá nhân. Đó là nhóm các nhà khoa học ở miền Bắc Việt Nam sang Nhật Bản nghiên cứu khoa học. Đoàn đi với danh nghĩa là Hội Hữu nghị Nhật - Việt, nhưng sau lưng là sự nâng đỡ bí mật của Đảng Cộng sản Nhật Bản để học tập rồi trở về phục vụ đất nước.

Chân dung ông Phúc (ngồi giữa) chụp vào thời điểm học tập tại Nhật Bản.
Ông Hà Văn Phúc (ngồi giữa) chụp vào thời điểm học tập tại Nhật Bản (ảnh tư liệu).

Sứ mệnh kiến thức

PGS-TS. Hà Văn Phúc hiện nay sống tại Hà Nội, từng vào Quảng Nam để hỗ trợ nông dân phát triển nghề dầu tằm. Ông là chuyên gia hàng đầu về dâu tằm tơ tại Việt Nam và đã để lại nhiều công trình khoa học. Ông cho rằng, sau này được học ở Bungari, nhưng nội dung được thực tập tại Nhật Bản vẫn trở thành kiến thức gốc để phát triển mở rộng.

PGS-TS. Hà Văn Phúc mở tủ lấy ra chiếc áo măng tô màu tím. Chiếc áo này được ông trân trọng và gìn giữ như một kỷ vật trong suốt gần 45 năm. Đây là chiếc áo khoác dày, chất liệu may rất tốt nên vẫn giữ được màu sắc và không bị sờn. Khi sang Nhật Bản nghiên cứu khoa học vào năm 1973, đoàn công tác gồm 3 nhà khoa học của Việt Nam và 2 phiên dịch đã được 1 đồng chí trong Đảng Cộng sản Nhật Bản dẫn ra cửa hàng ở thủ đô Tokyo và mua cho mỗi người một chiếc áo, một đồng hồ Citizen và đồ đạc cá nhân để sử dụng trong thời gian 10 tháng học tập tại Nhật Bản.

Ông Phúc nhớ lại, vào đầu tháng 4.1973, khi ông đang cắm cúi giữa cánh đồng dâu Mai Lĩnh ở Hà Nội để lai tạo, chọn giống dâu mới thì ông Trương Quốc Thái là Cục trưởng Dâu tằm chạy ra báo tin “cậu vừa có giấy triệu tập chuẩn bị sang Nhật du học”. Cậu thanh niên 30 tuổi ngây người ra vì mừng. Vì cậu từng tham gia nhập ngũ nhưng bị trả về vì lý do là con trai một, bố là liệt sĩ. Đối với cậu, nếu không được cầm súng ra trận thì đây là cơ hội vàng để ra nước ngoài học tập những kiến thức khoa học để trở về phục vụ đất nước.

Đoàn cán bộ khoa học đi Nhật Bản gồm ông Phạm Văn Ro - cán bộ Viện Cây lương thực và thực phẩm, được giao nhiệm vụ sang thực tập về cây lúa; ông Huỳnh Tòng thực tập về chăn nuôi và ông Thạnh ở Ty Lâm nghiệp Hà Tây cùng ông Phúc thực tập về dâu tằm. Đoàn được bố trí đến gặp 1 cán bộ ở Bộ Nông nghiệp từng học ở Nhật Bản để trao truyền kinh nghiệm, trong đó có GS. Lương Định Của.

Tâm lý của các thành viên trong đoàn không tránh khỏi lo lắng, vì Đại sứ quán Nhật Bản lúc đó chỉ có ở Sài Gòn, nên thủ tục xuất nhập cảnh đi lại phải thực hiện bằng cách vận dụng. Nhưng rồi mọi người đều được động viên “khi sang đó đã có các đồng chí của Đảng Cộng sản Nhật Bản lo liệu”.

Tình người khó quên

Chuyến tàu lửa liên vận rời sân ga Hàng Cỏ vào một đêm đầu tháng 4, qua biên giới và dừng ở Tô Châu, Trung Quốc, sau đó đi tiếp tới Quảng Châu. Một cán bộ của Trung Quốc đã nhất định mời cho được cả đoàn đi ăn trưa, tìm chỗ nghỉ ngơi. Một bên tiếp đón bằng tấm lòng nhiệt tình, còn bên kia thì ái ngại vì với số tiền được cấp có hạn, nếu ăn nghỉ quá mức thì không còn tiền để trở về. Nhưng sau đó, người bạn Trung Quốc đã nói rằng, đây là lòng tốt của mình đối với các bạn Việt Nam. Ông nói, Thủ tướng Chu Ân Lai đã nói Việt Nam là tiền tuyến, Trung Quốc là hậu phương.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Hà Văn Phúc với chiếc áo măng tô san, do các đồng chí Đảng Cộng Sản Nhật Bản mua tặng năm 1973.
PGS-TS. Hà Văn Phúc với chiếc áo măng tô san, do các đồng chí Đảng Cộng Sản Nhật Bản mua tặng năm 1973. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Thử thách tiếp theo khi đoàn đi qua tô giới của Anh là Hồng Kông. Khi đến cửa khẩu, cả đoàn đã sững sờ trước một xã hội hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam và Trung Quốc. Những con phố sầm uất ở Sheung Wan; một rừng bảng hiệu hộp đèn ở phố Tai Yuen, Elgin; phố Ebeerden trên đường Hoolywood nườm nượp xe ô tô đắt tiền. Để qua được cửa khẩu, tổ chức Tâm Tâm xã của Trung Quốc đã cử người lo liệu thủ tục. Khi đoàn đặt chân đến Hồng Kông thì người của Đảng Cộng sản Nhật Bản đã chờ sẵn cùng với tấm vé máy bay đưa đoàn rời Hồng Kông sang Nhật Bản ngay lập tức để phòng sự cố.

Đại diện Đảng Cộng sản Nhật Bản đã căn dặn thêm anh em trong đoàn là khi sang sân bay Tokyo thì không trả lời phỏng vấn báo chí. Đúng như dự đoán của phía Nhật Bản, khi máy bay hạ xuống sân bay Tokyo thì phóng viên các tờ báo Yomiuri Shimbun, Mainichi, Asahi Shimbun… đã ào đến đặt câu hỏi. Nhưng Đảng Cộng sản Nhật Bản đã có xe chờ sẵn và chở đoàn rời khỏi sân bay để đảm bảo an toàn. Nhưng rồi trên các tờ nhật báo này vẫn có hình ảnh đoàn nhà khoa học ở miền Bắc Việt Nam sang Nhật Bản học tập.

Một sinh viên là người ở miền Nam Việt Nam đọc báo biết tin và đã tìm đến khách sạn xin gặp cho bằng được các nhà khoa học. Mọi người thoáng chút lo âu, nhưng rồi vẫn đồng ý. Chàng sinh viên này đã gật đầu thán phục, khi được gặp và nghe các thanh niên ở miền Bắc Việt Nam nói về cuộc sống, công bằng xã hội, sự chăm lo của Chính phủ với người dân.

10 tháng ở Nhật Bản

Đoàn công tác được bố trí ở tại khách sạn 50 tầng giữa thủ đô Tokyo. Mọi chi phí ăn uống hàn ngày của đoàn đều được Đảng Cộng sản Nhật Bản thanh toán. Ông Phúc nhớ lại: “Phía Nhật Bản họ quá tốt, lo cho đoàn từ quần áo, đến giày dép, sách vở. Nhân viên khách sạn này cứ ngạc nhiên vì không hiểu sao mà đoàn ở khách sạn tiện nghi, ăn uống đầy đủ món ăn tự chọn như giới giàu có”.

Đoàn được tách ra và đưa về các trung tâm nghiên cứu của Nhật Bản để học tập, ông Hà Văn Phúc được Đảng Cộng sản Nhật Bản thuê một ngôi nhà nhỏ ở cố đô Kyoto. Từ đây, mỗi buổi sáng ông đón tàu điện đi 100km từ Sở Chỉ đạo dâu tằm đến trung tâm nghiên cứu để làm việc. Sau 1 tháng nghiên cứu, ông Phúc nhận ra nội dung học chưa đi sâu vào nghiên cứu để khi trở về nước ứng dụng vào thực tiễn phục vụ cho nhân dân, nên ông đã bí mật xin gặp Đảng Cộng sản Nhật Bản để xin chuyển sang trung tâm khác.

Sau đó, ông Phúc được bố trí sang học tập tại Trạm Nghiên cứu chọn tạo giống dâu đa bội thể Tokyo. Trung tâm này đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học miền Bắc Việt Nam nghiên cứu về kỹ thuật xử lý hạt giống, các phương pháp lai tạo, nhận dạng các loại đột biến thông qua hình thái các giống dâu, hướng dẫn cách lấy mẫu làm tiêu bản tế bào.

Ông Isao Toio là sếp của trung tâm này đã khoe “tôi có thể biến hoa hồng thành nhiều màu sắc khác nhau nhờ chiếu xạ”. Ông Phúc bình thản cho hay “cái này chúng tôi đã làm lâu rồi, áp dụng trên cây dâu”. Isao Toio ngạc nhiên lắm. Ông Phúc cho biết “chúng tôi vào bệnh viện K và cho chiếu tia Rơnghen bức xạ từ 2.000 đến 10.000 để tạo đột biến”. Chiều đó Isao Toio dẫn ông Phúc đi chiêu đãi, gọi thân mật là “đồng nghiệp”.

LÊ VĂN CHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình đồng chí ở xứ sở hoa anh đào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO