Đầu tư Khu xử lý chất thải rắn tại xã Cẩm Hà (Hội An), Nam Quảng Nam (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) và đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) là cách tránh ùn ứ rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải trên địa bàn tỉnh.
Áp lực xử lý rác thải
Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành) do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư có diện tích 22,56ha với 2 hộc chôn lấp rác đang phục vụ xử lý rác cho 7 địa phương Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức, Tam Kỳ và Hội An. Người dân xã Tam Xuân 2 đã không ít lần ngăn chặn xe chở rác vào khu xử lý rác vì hệ lụy ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao chất lượng xử lý rác thải, UBND tỉnh đã phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án “Cải tạo, nâng cấp các hạng mục về môi trường của khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2” do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (gọi tắt BQL dự án) làm chủ đầu tư vào các năm 2016, 2017, 2019. Theo Luật Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT đã đề nghị BQL dự án tỉnh lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường nhưng đến nay chưa thực hiện.
Năm 2022, BQL dự án cũng đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án “Đầu tư hệ thống thu gom nước mặt khu xử lý rác thải Tam Xuân 2” với tổng mức đầu tư hơn 14,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2024.
Theo đó, dự án sẽ xây mới hệ thống mương thoát nước với chiều dài khoảng 855m, xây mới hồ sự cố với dung tích khoảng 64.000m3 có đê bao quanh; các hạng mục phụ trợ để vận hành hồ sự cố… nhằm đảm bảo không làm quá tải hệ thống xử lý nước thải, giảm thiểu lượng nước mặt hòa lẫn nước rác thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay chưa triển khai.
Đến ngày 15/8, Sở KH-ĐT mới trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh thống nhất phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 với số tiền 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng xây dựng cơ bản ngân sách tỉnh để có cơ sở triển khai các bước của dự án.
Khu xử lý rác thải Tam Nghĩa (Núi Thành) do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư có diện tích gần 6,8ha với 2 hộc chôn lấp rác phục vụ cho xử lý rác thải huyện Núi Thành. Theo quan sát, rác thải chất cao ở khu xử lý này, tình trạng quá tải diễn ra. Người dân cũng đã ngăn chặn xe chở rác vào khu xử lý rác do ô nhiễm môi trường.
Ở TP.Hội An, nhà máy xử lý rác thải làm phân compost tại xã Cẩm Hà do Công ty CP Công trình công cộng Hội An quản lý, kế hoạch xử lý 55 tấn rác/ngày đêm nhưng chỉ xử lý được 20 tấn/ngày đêm, lượng rác thải còn lại được chuyển đến khu xử lý rác thải xã Tam Xuân 2.
Đường dài có khả thi?
Để giải quyết chuyện rác thải, chính quyền Hội An đã “trải thảm” mời Công ty CP Đầu tư xây dựng 579 đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở xã Cẩm Hà, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Lương Giáp - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 579 cho biết, đến nay đã thực hiện 95% giá trị khối lượng thi công nhà xưởng nhưng chưa có thiết bị, công nghệ xử lý rác. Theo kế hoạch, quá trình chạy thử, tinh chỉnh, hoàn thiện vào cuối tháng 11/2023 để vận hành vào cuối năm nay nhưng dự kiến chậm tiến độ.
Ngày 23/8, sau khi đi khảo sát dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Công ty CP Đầu tư xây dựng 579 khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng để đầu tư thiết bị, công nghệ xử lý rác và các công trình liên quan, nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động.
Ở huyện Đại Lộc, khu chứa, xử lý rác thải xã Đại Hiệp phục vụ xử lý rác thải cho 3 địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn đã đóng cửa, nhưng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức sau thời gian dài thử nghiệm.
Tại buổi làm việc mới đây, ông Phùng Văn Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường Huy Hoàng ECO - chủ đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn Bắc Quảng Nam cho biết, đang hoàn thiện quy trình của dự án để trình ngành chức năng cấp giấy phép môi trường, đưa dự án vào hoạt động chính thức.
Cái khó của doanh nghiệp là chưa thể tiến hành xây dựng đường để tiện lợi trong vận chuyển chất thải rắn, cần UBND tỉnh hỗ trợ về thủ tục, pháp lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, các Sở GTVT, TN-MT, Xây dựng, KH-ĐT và UBND huyện Đại Lộc đã vào cuộc sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các khó khăn để đưa nhà máy vào hoạt động.
“Chính quyền Quảng Nam hoan nghênh công nghệ liên hợp ủ, đốt và thu hồi các thành phẩm có ích trong chất thải rắn để tái chế phân bón, tái sử dụng các sản phẩm thứ cấp của công ty. Doanh nghiệp cần đảm bảo công suất xử lý rác 300 tấn/ngày đêm để đảm bảo xử lý chất thải rắn cho Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn” - ông Bửu nhấn mạnh.
Khu xử lý rác thải xã Tam Xuân 2 và Tam Nghĩa đã không đủ chứa lại gây ô nhiễm môi trường, tính đường nào cho rác? Theo tìm hiểu, dự án Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam do BQL dự án tỉnh làm chủ đầu tư tại xã Tam Nghĩa đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư ngày 18/3/2022 và đến nay đã được các đánh giá tác động môi trường, thẩm định khả thi dự án… nhưng do thời gian và nguồn vốn đầu tư bố trí chưa phù hợp nên UBND tỉnh trình, được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 12/7/2023.
Ông Bửu nói: “Các dự án cải tạo, nâng cấp cho Khu xử lý rác thải xã Tam Xuân 2 phải nhanh chóng thực hiện. BQL dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam để hoàn thành, đi vào hoạt động và thay thế cho Khu xử lý rác thải Tam Nghĩa và Tam Xuân 2 về lâu dài”.