Quy hoạch là một trong những vấn đề mang tính sống còn với đô thị. Có những đề xuất vì tương lai bền vững, có những trăn trở về bất cập ở hiện tại. Qua hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP.Đà Nẵng”, các chuyên gia, nhà khoa học đều mong mỏi xây dựng một Đà Nẵng hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc đô thị riêng biệt.
Ngoài không gian sông và biển, giá trị không gian xanh của Đà Nẵng hiện khá hạn chế. Ảnh: Q.TUẤN |
Cần không một sân bay vùng?
Theo thống kê, năm 2017 lượng hành khách qua sân bay Đà Nẵng đã đạt 11,5 triệu lượt và ước đạt 12 đến 13 triệu lượt trong năm 2018. Điều này đặt ra áp lực lớn cho sân bay Đà Nẵng trong tương lai gần bởi lượng khách đường hàng không đến Đà Nẵng tăng trưởng nhanh theo từng năm. Theo TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: “Sân bay Đà Nẵng hiện là một trong những sân bay gần với trung tâm đô thị nhất tại Việt Nam, gần hơn cả sân bay Tân Sơn Nhất của TP.Hồ Chí Minh”. TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định thêm, nếu xây dựng một sân bay mới để thay thế sân bay Đà Nẵng thì không nên cách trung tâm đô thị quá 50km vì điều này có thể trở thành lực cản với các tập đoàn lớn muốn đặt văn phòng tại Đà Nẵng.
Khác với quan điểm trên, nhiều chuyên gia xem Chu Lai mới là địa điểm lý tưởng trở thành cảng hàng không mới phục vụ cho TP.Đà Nẵng. Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đưa ra quan điểm: “Hiện nay, việc xây dựng một sân bay mới trên địa bàn TP.Đà Nẵng là rất khó và sân bay Chu Lai là một phương án khả thi nếu phải tìm một sân bay mới cho thành phố trong tương lai”. Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ví dụ, từ sân bay Narita đến thủ đô Tokyo (Nhật Bản) phải mất đến 2 giờ đồng hồ trong khi thời gian di chuyển giữa Chu Lai và Đà Nẵng hiện nay rút xuống còn khoảng 1 tiếng nên có nhiều thuận lợi… Đồng quan điểm, KTS. Hoàng Sừ - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Nếu chuyển sân bay phục vụ Đà Nẵng về Chu Lai thì cần xác định Chu Lai là sân bay vùng. Điều này cũng hợp lý bởi nó trở thành động lực phát triển cho cả Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi một khi đã có tuyến cao tốc Quảng Nam – Đà Nẵng và có thể là đường sắt cao tốc trong tương lai”.
Nhắc đến sân bay Chu Lai, trong chương trình “Gặp gỡ Hoa Kỳ” hồi đầu năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh đã nhắc đến giấc mơ của tỉnh trong tương lai sẽ kết hợp với các nhà đầu tư để đưa Chu Lai với quỹ đất rộng và vị trí đắc địa trở thành trung tâm logistics hàng không tầm cỡ của Việt Nam và châu lục. Tại nhiều hội thảo trước đây, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được cho là còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa thể phát triển tương xứng bởi thiếu sự liên kết chặt chẽ để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Các chuyên gia từng đánh giá, trong vùng tỉnh, thành nào cũng có cảng nước sâu, sân bay, lợi thế du lịch… nhưng đến nay vẫn mạnh ai nấy làm nhiều lúc khiến các tỉnh, thành đều khó bứt phá.
Liên kết các đô thị
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sở hữu nhiều đô thị có bản sắc riêng. Chuỗi đô thị động lực chính gồm: Huế - Đà Nẵng – Chu Lai Kỳ Hà – Dung Quất (Vạn Tường) – Quy Nhơn trong đó Đà Nẵng cần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa để trở thành một đô thị hạt nhân đúng nghĩa. Một trục tam giác khác trong vùng vốn được đánh giá rất cao để phát triển thương mại, du lịch – dịch vụ là Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An cũng cần kết nối mạnh mẽ hơn để tương hỗ nhau trong đó có vấn đề quy hoạch để có một “vùng đô thị” năng động, có sức hút lớn. Nhận định giao thông vùng có thể là lát cắt tách đô thị làm đôi, nhiều chuyên gia cho rằng Đà Nẵng và các đô thị lân cận cần tìm giải pháp đẩy tối đa các hạ tầng giao thông liên kết vùng về phía tây để tận dụng quỹ đất ở phía đông thành phố dành cho phát triển đô thị.
Bên cạnh quá trình phát triển ấn tượng, Đà Nẵng cũng đã bộc lộ những tồn tại về quy hoạch, cụ thể là “không gian xanh”. TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Trừ không gian biển và sông, giá trị không gian xanh của Đà Nẵng khá hạn chế. Thông thường, để xử lý việc thiếu quỹ đất, nhiều nơi sẽ tận dụng các không gian xanh còn lại để khai thác nhưng Đà Nẵng cần tránh tối đa việc này”. Theo nhận định của KTS. Bùi Huy Trí - Sở Xây dựng Đà Nẵng: “Cả hai loại hình trung tâm công cộng, trung tâm dịch vụ đô thị ở Đà Nẵng còn khá ít ỏi và mờ nhạt”. Đây có thể xem là bài học để các thành phố non trẻ khác trong khu vực mà điển hình là các đô thị tại Quảng Nam như Tam Kỳ hay Điện Bàn cần rút kinh nghiệm trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của mình.
QUỐC TUẤN