UBND tỉnh đã có Quyết định 1757/QĐ - UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu hướng đến hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững; ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc…
Trong nhiều giải pháp được đưa ra, kế hoạch đã nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển kênh tiêu thụ nông sản có liên kết chuỗi hướng đến hạn chế và dần xóa bỏ hiện tượng “được mùa mất giá”, chủ động thị trường và giá bán nông sản…
Dù vậy, thời gian qua việc liên kết chuỗi trong thực tế hầu như kém bền vững, khó thực hiện, nhất là từ phía người nông dân. Cùng với đó, việc phát triển các kênh phân phối, nhất là các kênh thương mại điện tử cũng còn nhiều hạn chế… Để hiểu rõ hơn về việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch mà tỉnh đã đề ra, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương.
Tính kế lâu dài
* Liên kết chuỗi trong tiêu thụ nông sản không phải là vấn đề mới vì đã diễn ra từ nhiều năm trước, tuy nhiên thành công không nhiều do nông dân thường “phá kèo” khi nông sản được giá. Xin ông cho biết, giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tình trạng trên như thế nào?
- Ông Đặng Bá Dự: Tình trạng “phá kèo” trong các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, “được mùa, mất giá” vẫn là nỗi lo đối với người sản xuất, chế biến. Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5.7.2018 của Chính phủ “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4129/QĐ-UBND ngày 18.12.2019 “Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020”.
Đối với địa bàn Quảng Nam, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp phần lớn nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường còn hạn chế, thiếu vốn để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Mặt khác, nông dân sản xuất manh mún, nguồn vốn vay hạn chế, đất đai diện tích nhỏ hẹp là những yếu tố khó khăn cản trở quá trình liên kết.
Để hạn chế tình trạng nông dân “phá kèo” trong liên kết, ngoài khắc phục những hạn chế tác động kể trên cần tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để nông dân hiểu rõ. Các hợp đồng có ràng buộc pháp lý rõ ràng, cần hài hòa được lợi ích của tất cả bên liên quan để nông dân cũng như doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm có thể tự nguyện thực hiện các hợp đồng đã ký.
* Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngành Công Thương dự kiến triển khai những nhiệm vụ cụ thể gì để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025?
- Ông Đặng Bá Dự: Ngoài đề xuất UBND tỉnh, Bộ Công Thương hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm; đẩy nhanh việc ứng dụng có hiệu quả thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích các hoạt động dịch vụ trực tuyến hỗ trợ giao dịch; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu; duy trì thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi…
Sở Công Thương cũng đề xuất Bộ Công Thương nhiệm vụ và kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025. Bao gồm: xây dựng mô hình thí điểm điểm bán hàng nông sản, điểm bán hàng nông sản theo chuỗi, chuỗi cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; truy xuất nguồn gốc nông sản; xây dựng điểm bán hàng tiêu thụ nông sản tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương thông tin và dự báo thị trường nông sản tới các DN, HTX trong kênh liên kết nhằm cung cấp các thông tin cung cầu nông sản, thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, tình hình tiêu thụ và xuất nhập khẩu hàng nông sản.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh như tổ chức cho doanh nghiệp thường xuyên tham gia Hội nghị Kết nối hàng Việt - OCOP; tổ chức Hội nghị trưng bày kết nối sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2020 với hơn 120 chủ thể OCOP tham dự liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ có những điều chỉnh để giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm OCOP, cơ sở làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu theo hướng hiệu quả hơn như sàn thương mại điện tử Quảng Nam để thúc đẩy tiêu thụ và giới thiệu đến người tiêu dùng được biết.
Thay đổi cách thức tiêu thụ
* Ông vừa nói đến sàn thương mại điện tử Quảng Nam, vậy thương mại điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng thế nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thu nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cũng như những năm tiếp theo, thưa ông?
- Ông Đặng Bá Dự: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, phát triển thương mại điện tử là một nhu cầu cần thiết và cấp bách để kinh tế - xã hội Quảng Nam hội nhập và phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Vì vậy, ngày 4.9.2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2454/QĐ-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó nhận thấy, thương mại điện tử đã đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội, đồng thời tạo điều kiện để mọi người dân sớm tiếp cận nền kinh tế số hóa.
Đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và tiếp thị. Thông qua internet, thương mại điện tử còn giúp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ về thông tin sản phẩm, thuận lợi cho việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp.
Đối với xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức kinh doanh, giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, thương mại điện tử còn tạo điều kiện cho việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các thành phần tham gia quá trình thương mại.
* Cần làm gì để phát triển thương mại điện tử Quảng Nam một cách bài bản?
- Ông Đặng Bá Dự: Để phát triển thương mại điện tử hiệu quả, trước mắt phải nâng cấp sàn thương mại điện tử Quảng Nam, hiện chúng tôi đang tiến hành. Từ đó kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp, hộ sản xuất, các sản phẩm OCOP Quảng Nam, cơ sở làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh, kể cả kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nước ngoài.
Đây cũng sẽ là phương tiện truyền thông hiệu quả đưa thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, hộ sản xuất các sản phẩm OCOP Quảng Nam, cơ sở làng nghề, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng. Đồng thời giúp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và kết nối thông tin giữa người bán với người mua, nhất là quảng bá thông tin doanh nghiệp của tỉnh; thiết lập hệ thống cung cấp và phổ biến thông tin thương mại, công nghiệp, thông tin các hiệp hội, các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư địa phương, các website xúc tiến thương mại liên quan. Hướng đến một giải pháp kinh doanh văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện... góp phần đưa thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các thành viên tới người tiêu dùng.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!