Năm 1960, sau Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam, được sự chỉ đạo và phân công của Tỉnh ủy hai địa phương, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã tổ chức kết nghĩa. Việc kết nghĩa giữa hai huyện là sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa, có giá trị tinh thần, vật chất to lớn động viên, cổ vũ đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện đoàn kết, cùng đóng góp sức người, sức của để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
1. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, thực hiện khẩu hiệu “Miền Nam gọi - Miền Bắc trả lời, Quảng Nam cần - Thanh Hóa có”, trong tình cảm Bắc - Nam cao cả và thiêng liêng, đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa nói chung và huyện Tĩnh Gia nói riêng thường xuyên theo dõi, cổ vũ, động viên tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tổ chức chiến đấu lập nên chiến công vang dội của quân và dân tỉnh Quảng Nam cũng như huyện Đại Lộc. Có biết bao thanh niên Tĩnh Gia xếp bút nghiên lên đường diệt Mỹ, diệt ngụy, cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, giải phóng quê hương Đại Lộc. Đặc biệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ người Tĩnh Gia đã trực tiếp tham gia mặt trận Thượng Đức mùa Thu năm 1974 và những năm tháng chiến đấu gian lao, anh dũng trên quê hương tỉnh Quảng Nam, cũng như huyện Đại Lộc. Những người con của xứ Thanh nói chung, Tĩnh Gia nói riêng cũng luôn được đảng bộ, nhân dân Đại Lộc hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ như những người con ruột thịt của mình.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại Lộc là địa bàn chiến đấu ác liệt giữa ta và địch. Đáp lại tình cảm cao cả của đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, huyện Tĩnh Gia; đảng bộ, quân và dân huyện Đại Lộc với tinh thần “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ, sướng sau”, đã chiến đấu ngoan cường bằng “hai chân, ba mũi giáp công”. Đại Lộc đã lập nhiều chiến công xuất sắc, cùng với quân và dân tỉnh Quảng Nam làm nên truyền thống tám chữ vàng: “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, góp phần cùng quân và dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thu non sông về một mối.
2. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đặc biệt là trong gần 35 năm đổi mới, đảng bộ và nhân dân hai huyện Tĩnh Gia - Đại Lộc, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh. Cả hai địa phương đã phấn đấu vượt khó, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ sự chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Ở Tĩnh Gia, trong những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, vận dụng mọi nguồn lực, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế mới, năng động của xứ Thanh. Chỉ tính riêng trong năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện đạt 8,21% (không tính nguồn vốn FDI đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn). Công tác giải phóng mặt bằng, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, được tập trung chỉ đạo thực hiện. Toàn huyện đã được công nhận đạt đô thị loại 4 và là cơ sở hướng tới Tĩnh Gia được công nhận là thị xã Nghi Sơn trong năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Tại huyện Đại Lộc, với lợi thế có quốc lộ 14B đi qua và gần TP.Đà Nẵng, trong những năm qua đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2019, kinh tế - xã hội của huyện Đại Lộc đạt được nhiều kết quả nổi bật, tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước đạt 11.846 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng giá trị ước đạt 7.377 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 5.102 tỷ đồng, tăng 14,13% so với năm 2018. Thu phát sinh kinh tế trên địa bàn ước đạt gần 275 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, toàn huyện đã có 11/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa và GD-ĐT có những chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững.
3. Trong những năm qua, dù ở cách xa hàng trăm cây số, nhưng bằng tình cảm kết nghĩa, hai huyện Tĩnh Gia - Đại Lộc thường xuyên cử đoàn đại biểu đi thăm, động viên nhân các lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của hai huyện. Đồng thời cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, hậu quả thiên tai, lũ lụt, chia ngọt, sẻ bùi, động viên nhau cùng hướng tới tương lai tốt đẹp.
Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, đảng bộ và nhân dân hai huyện Tĩnh Gia - Đại Lộc nguyện ra sức gìn giữ, phát huy, bồi đắp tình kết nghĩa bằng những hành động và việc làm thiết thực hơn để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung: phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời góp phần vun đắp mối quan hệ tình nghĩa thủy chung, bền vững trường tồn giữa hai huyện Tĩnh Gia - Đại Lộc, như núi Ngọc Sơn, như dòng Vu Gia.