"Tình già" ở làng rau Trà Quế

XUÂN KHÁNH 12/03/2015 08:59

Ở làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) ai cũng ca ngợi cuộc sống hạnh phúc của ông Lê Sẻ (91 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lợi (84 tuổi).

Vợ chồng ông bà  Lê Sẻ - Nguyễn Thị Lợi. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Vợ chồng ông bà Lê Sẻ - Nguyễn Thị Lợi. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Nên duyên từ khói lửa

Trong chiến tranh khói lửa, ông Sẻ, bà Lợi là những người kiên tâm bám đất, tiếp sức cho cách mạng. Ông trồng rau, vận chuyển lương thực; còn bà tham gia Hội phụ nữ xã. Một lần mang lương thực cho bộ đội ở xã Cẩm Hà, ông Sẻ gặp bà Lợi. Rồi nhờ mai mối, hai người nên nghĩa vợ chồng, đâu hồi năm 1949 - theo trí nhớ già nua của ông bà. Năm 1953, ông Sẻ bị Pháp bắt, cùng với hai mươi mấy thanh niên trong vùng. Chúng đưa tất cả về nhốt ở Vĩnh Điện, đánh đập, tra khảo. Ông bị địch đánh gãy mất mấy cái răng, những ngón tay bị nhục hình đến cong quẹo, giờ vẫn còn co quắp.

Khoảng 3 tháng sau, ông Sẻ cùng hơn 150 người khác bị đưa sang Savannakhet (Lào) lao động khổ sai, làm cầu, làm đường... Mười tháng sau, dưới áp lực đấu tranh của tù binh, cộng với chuyển biến của cuộc chiến đang bất lợi, Pháp buộc phải thả tự do cho ông và những người khác. Ông Sẻ trở về quê nhà, mới hay vợ ông đang bị địch bắt. Thì ra, sau khi ông Sẻ bị bắt vài tháng, bà Lợi cũng địch bắt. Chúng lấy lý do bà tham gia cách mạng, tham gia hội phụ nữ. “Mi làm tiểu đội trưởng phải không? Một tên hỏi tôi như thế và cầm dao dọa nếu không khai sẽ cắt tai. Mà trước nớ, chúng lùa vài trăm người đến dưới mấy gốc cây to, đi qua đi lại một hồi rồi bắt chỉ có 3 người, trong đó có tôi” - bà Lợi nhớ lại.

“Chiến tranh, làm sao không cực con. Nhưng phải cố gắng vượt qua chứ. Người dân ai cũng như thế, đất nước mình mới có ngày hôm nay. Nhiều khi nghĩ lại, thấy hồi đó sống chết mong manh quá. Nhớ có lần trên đường công tác, không may gặp bọn địch đi tuần. Tổ chúng tôi bèn ngụp xuống ao để tránh. Ba người bạn của tôi hơi không dài, ngoi lên, bị địch bắn chết” - ông Sẻ kể. Nhưng rồi ông bảo, đi qua chiến tranh, may mắn sống sót thì phải sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống vì đất nước. Rồi ông bà trùng phùng, cùng quê hương bước qua khói lửa chiến tranh.

Rau cháo nương nhau

Ông bảo, bây giờ đã đỡ rồi, chứ hồi xưa khó khăn lắm. Tính từ trồng rau, làm lúa nuôi bộ đội, nuôi mình đến nay cũng hơn 70 năm rồi chứ ít gì. Ngần ấy thời gian, nhất là những năm đầu sau giải phóng, khó khăn chung, vợ chồng ông phải dè sẻn, rau cháo nương nhau qua khó khăn. Từ những vạt rau, vợ chồng ông chăm lo cho nuôi 5 đứa con khôn lớn. Cả 5 người con bây giờ cũng đều gắn bó với nghề trồng rau.

Ngày ấy, việc chăm sóc rau chủ yếu do ông Sẻ đảm nhận, còn bà Lợi cắt rau nhà, rồi thu mua thêm rau của hàng xóm mang đi bán. “Ban đầu bán ở Hội An, sau thấy không ăn thua nên mang ra tận Đà Nẵng. Hàng ngày, cứ chiều lại là ông Sẻ ở nhà cắt rau, còn tôi đi mua thêm rau của người ta. Sáng sớm hôm sau tôi bắt xe bò chở rau ra bến xe, rồi theo xe hàng ra Đà Nẵng bỏ sỉ, chiều về lại đi mua rau” - bà Lợi kể.

Rồi làng rau Trà Quế làm du lịch, tuổi đã cao, thay vì nghỉ ngơi, ông bà vẫn tiếp tục với nghề, vì như lời ông Sẻ, nghề trồng rau đã ăn sâu vào máu thịt ông bà, không bỏ được. Vả lại, tuy già nhưng vẫn còn sức khỏe, không lao động thấy ngứa ngáy chân tay. “Nghề này đã nuôi mình và gia đình. Còn sức, mình phải giữ nghề, phải làm để con cháu, lớp sau này thấy mà biết trân trọng cây rau đã gắn bó với cả làng như thế nào”- ông Sẻ tâm sự. Ông còn bảo, đâu chỉ có gia đình ông, mà hầu như cả làng Trà Quế này đều sống dựa vào cây rau.

Vợ chồng ông Sẻ - bà Lợi không chỉ nổi tiếng vì có thâm niên trồng rau lâu nhất ở Trà Quế hiện nay, mà hơn nữa, họ còn được xem là biểu tượng cho tình yêu bền lâu, cho đời sống thuận vợ thuận chồng. Dù tuổi cao, nhưng mỗi ngày ở Trà Quế, ai cũng bắt gặp hình ảnh vợ chồng ông trên ruộng rau. Ông Sẻ bây giờ chỉ gánh được nửa thùng nước nhỏ, nhưng chắc ông không hề thấy nặng nhọc, bởi bên cạnh ông lúc nào cũng có người vợ già cùng nhau tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu… cho rau.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Tình già" ở làng rau Trà Quế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO