Tinh hoa văn nghệ xứ Quảng

BẢO ANH 30/06/2019 17:35

Ngay sau khi bộ 4 công trình biên khảo, sưu tầm của mình gồm “Lịch sử kịch hát bài chòi”, “Men rượu Hồng Đào”, “Tuồng hát bộ Quảng Nam” và “Với bài hát và ca kịch quê hương” được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT (đợt 4, năm 2012), nơi đầu tiên nhạc sĩ Trương Đình Quang gọi điện báo tin là bà con anh em ở quê nhà Hội An và Hội VHNT Quảng Nam. Lúc bấy giờ, ông đã 82 tuổi, nhưng giọng cứ sang sảng mà lại tha thiết lạ kỳ.

Cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (Giải thưởng Hồ Chí Minh) tại lễ mừng thọ 100 tuổi của ông. Ảnh: B.ANH
Cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (Giải thưởng Hồ Chí Minh) tại lễ mừng thọ 100 tuổi của ông. Ảnh: B.ANH

Ông bảo, báo tin này không phải để “khoe” mà là để  tỏ lòng, rằng ông chịu ơn mảnh đất sinh thành, nuôi ông thành người... nhiều lắm. Điều làm ông xúc động đến nghẹn ngào là cả 4 công trình trên đều là kết quả của quá trình kiếm tìm, chọn lọc thấm đẫm tình yêu thương và đầy tâm huyết của ông dành cho quê hương, nơi ghi dấu những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của mảnh đất “chưa mưa đà thấm”...

Cũng vậy, ngay khi các tác phẩm điêu khắc “Bà mẹ Quảng Nam” (đúc đồng), “Thạch Sanh” (đá) và tượng đài “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được” được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, nhà điêu khắc Phạm Hồng - người con của quê lụa Hà Tây, sống và làm việc ở Đà Nẵng, đã tức tốc về Thăng Bình để “thăm” lại tác phẩm của mình. Lúc bấy giờ, Tượng đài Hà Lam - Chợ Được khá “cũ kỹ” do chưa được nâng cấp, nhưng nhà điêu khắc Phạm Hồng cho biết, khi ngắm nhìn lại “đứa con” của mình, trong ông dậy lên những cảm xúc mới mẻ, tự hào, xúc động không khác gì lần đầu làm phác thảo công trình và thêm một lần nữa, ông lại thầm cám ơn mảnh đất Quảng Nam kiên trung đã hun đúc, thôi thúc, thổi bùng lên trong ông cảm xúc sáng tạo...

Dù không phải là tác giả nhưng khi nghe tin các tác phẩm, công trình VHNT “của Quảng Nam, ở Quảng Nam” được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước danh giá, nhiều người đã không ngần ngại bày tỏ, thể hiện sự bùng vỡ của cảm xúc. Như khi nghe tin nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong (Trần Tiến) được trao Giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm “Mặt biển, mặt trận”, “Rét tháng giêng” và “Nhật ký Chu Cẩm Phong”, một loạt hoạt động tôn vinh đã được TP.Hội An, Hội VHNT tỉnh và người thân, đồng đội của nhà văn thực hiện, như tổ chức hội thảo, tọa đàm, xuất bản, giới thiệu tác giả - tác phẩm...

Khi nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý - người “nằm lại với đất lành Duy Xuyên”, được trao Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm “Chỗ đứng”, “Hoa rừng”, người thân và đồng đội của chị đã tìm về Duy Thành tổ chức dâng hương tưởng niệm và “báo tin” cho chị biết. Với nhà thơ Trinh Đường, người được tặng Giải thưởng Nhà nước với 2 tác phẩm “Hạt giống” và “Giao mùa”, ngoài việc “rước” bằng công nhận giải thưởng về tạ trước phần mộ của ông ở quê nhà, nhân kỷ niệm 100 năm sinh và 16 năm ngày mất của ông, hội đồng tộc Trương và Hội VHNT tỉnh còn tổ chức một chương trình tưởng niệm ông tại quê nhà Đại Thắng.

Với một số văn nghệ sĩ khác, những nghĩa cử tương tự cũng đã được thực hiện bằng những cách khác nhau. Nhà thơ Thu Bồn, sau Giải thưởng Nhà nước (trao cho “Tuyển tập Trường ca” và tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc”) và tiếp đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tiểu thuyết “Chớp trắng”, “Vùng pháo sáng” và tập truyện ngắn “Dưới tro”, ngành văn hóa của tỉnh đã phối hợp với gia tộc Hà Đức tổ chức một chương trình văn nghệ tưởng niệm tại quê nhà của ông. Với 2 nhạc sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là Thuận Yến (với các tác phẩm “Vầng trăng Ba Đình”, “Người về thăm quê”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã trở thành chiến sĩ”, “Chia tay hoàng hôn”) và Phan Huỳnh Điểu (với các ca khúc “Đoàn vệ quốc quân”, “Tình trong lá thiếp”, “Những ánh sao đêm”, “Bóng cây kơnia”, “Thuyền và biển”), hoạt động tôn vinh được tổ chức ở nhiều nơi, từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Quảng Nam. Riêng với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, sau đó được “nhắc lại” bằng một số hoạt động nghệ thuật khá đậm nét nhân dịp ông tròn 100 tuổi (năm 2014).

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn chia sẻ, sau khi công trình “Tượng đài chiến thắng Quế Sơn” của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, cùng với việc tăng cường công tác bảo vệ công trình, huyện đã tìm kiếm, bổ sung các kiến giải về giá trị nghệ thuật vào nội dung thuyết minh phục vụ khách tham quan và hoạt động giáo dục truyền thống của địa phương. Ông Thắng cho biết: “34 năm sau khi được xây dựng, từ một tượng đài ghi dấu chiến công và tri ân những người đã ngã xuống, giờ đây Tượng đài chiến thắng Quế Sơn còn được nhìn nhận với tư cách là một công trình nghệ thuật, được tôn vinh ở tầm quốc gia. Chúng tôi hết sức vui mừng, trân trọng và tự hào...”.

Sau 5 đợt xét, đến nay số tác giả, tác phẩm, công trình VHNT “của Quảng Nam, từ Quảng Nam” hoặc có liên quan đến Quảng Nam được vinh danh qua Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đã lên đến hàng chục trường hợp. Điều này một lần nữa cho thấy vùng đất này vừa là nơi sinh thành, nuôi dưỡng các nghệ sĩ, văn nhân tài hoa mà còn là vùng đất giàu tiềm năng cho cảm hứng sáng tạo... Ngoài những cái tên được kể ở trên, Quảng Nam còn được nhắc nhớ với nhiều tên tuổi khác đã được vinh danh qua hai giải thưởng danh giá ấy. Ví như nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ, nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm), nhà văn Võ Quảng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Lưu Trùng Dương, nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhà viết kịch Hồ Hải Học, nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình VHNT Mai Quốc Liên, nhà văn Vũ Hạnh... Niềm tự hào ấy còn được nối dài thêm bởi có không ít tác phẩm về Quảng Nam, được sáng tác ở Quảng Nam, cho Quảng Nam... của nhiều văn nghệ sĩ khác trên mọi miền Tổ quốc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tinh hoa văn nghệ xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO