Tình làng không nhạt phai

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 14/05/2016 10:27

1. Mười hai tuổi tôi đã mất quê. Mất một dòng sông, một gốc đa, một con đường đất, những con mương dẫn nước ra ruộng... Ở đó, có cả một tuổi thơ đã đi qua trong những buổi ngâm mình dưới bến nước trong xanh, bao lần leo trèo bắt chim, chơi trò u mọi hoặc phơi vàng mái đầu những hôm đi tát cá dưới suối, ngoài mương... Mất hết trơn hết trọi khi súng đạn tràn về. Con chó vàng nhà tôi nghe tiếng bom nổ cũng bỏ chủ đi biệt tích.

Tuổi thơ miền quê.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tuổi thơ miền quê.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ánh sáng đô thị chói chang hắt ra từ những bóng đèn điện nhiều màu. Con đường trải nhựa thẳng tắp, xe cộ và tiếng còi inh ỏi, vội vã như đang tranh giành nhau từng miếng sống. Những cánh cổng nhà hàng xóm luôn khép kín đầy nghi ngại. Dường như những ngọn gió thổi qua những ngôi nhà cao tầng cũng hẹp hòi và gay gắt hơn. Một chút ánh trăng, một tiếng gà gáy lại càng hiếm hoi bất chợt... Những giọng nói tứ xứ nghe không quen tai. Ta chìm ngập vào một nhịp điệu khác của cuộc sống. Và ta lớn lên, ta bị gò ép vào cái khuôn khổ mới hồi nào không hay biết. Ta thành một ta khác một cách tự nhiên.
Một nửa thế kỷ đã trôi qua và chôn vùi con người ta, là tôi, như thế đó. Cho đến một ngày soi gương, giật mình thấy mái tóc vừa thưa vừa bạc... Lại giật mình như đã đánh rơi một cái gì quý giá không gọi được tên. Nhưng bao lo toan cuộc sống chẳng buông tha. Lại mỗi ngày đúng giờ, thức dậy, tắm gội, đọc vội vài trang báo, ghé một hiệu ăn húp lua bữa điểm tâm cho kịp giờ đến sở làm trong bộ áo quần bó chặt cho ra vẻ nghiêm chỉnh. Những trách nhiệm, phận sự bó buộc bạn giữa những bức tường quét vôi vàng ủ dột; giữa những ghế bàn nặng nhọc vô cảm và những câu nói cười vang vang, đưa đẩy nhưng lấy lệ cho phải phép chung quanh...

Hết giờ, bạn ra về trên những lối phố nêm cứng trước sau. Bịt kín miệng mũi nhưng đâu tránh khỏi những cơn ho sặc sụa vì bụi và khói xăng nồng nặc... Lại lao vào những quán nhậu ồn ào lời chửi thề và tiếng va chạm của thủy tinh. Những cô gái chân dài váy ngắn nung núc thịt da, nồng nặc mùi son phấn rót bia và cười nói...

Chen vào những khoảng trống thời gian đó, bạn làm gì nữa? Những lời dạ dạ thưa thưa chẳng thật lòng. Những quà cáp, phong bao, để mong công việc trôi chảy hoặc lấy lòng cấp trên. Những kiện tụng, tranh giành nhau từng tấc đất từ một căn hộ lân cận; những đối phó, thủ thế với những kẻ nửa người nửa ngợm luôn rình mò, thọc gậy chỗ sở làm...

Niềm vui hiếm hoi và nhỏ bé mỗi ngày chìm lấp, mỏng manh. Rốt cuộc, bạn chẳng biết mình là ai nữa. Sự chân thành, mộc mạc, hồn nhiên không có chỗ đứng trong cuộc bon chen. Bạn bị căng cứng tâm lý. Bực dọc và gắt gỏng với ngay những người thân yêu...

Cho đến một ngày tiễn đưa mẹ tôi trở về yên nghỉ ở làng cũ... Tôi thường chạy xe về làng viếng mẹ và ngủ đêm ở đó những ngày cuối tuần.

2. Đầu tiên và bất ngờ với tôi là một ông cụ trồng hoa cúc bên đường liên thôn. Nhiều tháng trời, mỗi lần về quê viếng mộ mẹ, tôi đều ghé vào mua vài cây hoa. Ông hỏi thăm nhiều chuyện một cách chân thành rồi tự tay chọn những cây hoa đẹp nhất cho tôi, nhưng tuyệt nhiên không lấy một đồng. Tôi nài nỉ thế nào cũng không được. Có hôm ông vắng nhà, cô con gái ra lựa hoa cho tôi và vô ý nhận tiền, đã bị ông mắng cho một trận rồi bắt trả lại. Câu nói của ông, tuy giản dị, nhưng khó lòng tôi có thể quên: “Chú cũng mong con cái mình có hiếu với cha mẹ như vậy!”.

Ở làng quê tôi còn có nhiều bạn học cũ. Có người giờ làm ruộng, buôn bán, làm giáo viên, có người lớn tuổi hơn một chút đã nghỉ hưu. Những cụ già và những cán bộ đương chức. Những đứa em họ và vợ chồng một người bạn thân, từng bị thương tật trong chiến tranh đang làm thợ hớt tóc. Tôi về làng, lần nào cũng gặp hết thảy họ ở cái quán hớt tóc sơ sài của bạn. Tối lại ngồi bù khú chuyện cũ chuyện mới với cánh bạn cũ ở hiên nhà và ngả lưng nằm ngủ ngay trong gian phòng khách cạnh đó. Vì vậy chúng bạn gọi đùa chỗ ngủ của tôi là phòng “Hai trong một”, sau đổi là là “phòng 201” cho ra vẻ... khách sạn!

Nhưng những con người đó đối với tôi là một kho tàng các bài học về sự chân thành và giản dị trong cuộc sống. Cũng như hình ảnh cụ già thường tặng hoa cho tôi đi viếng mẹ vậy.

Người trong làng mời nhau đi giỗ chạp là thường tình và thật lòng. Người được mời bao giờ cũng đến sớm trước khi gia đình cử người đi chợ. Họ mang đến khổ thịt heo, vài lạng thịt bò hoặc con gà, con vịt. Có người là bà con gần thì đêm trước đã dậy nấu bánh mang sang. Rất cụ thể. Là để người mời khỏi mua sắm trùng lặp, tính toán trước để tránh lãng phí. Khi tiệc tan, khách thường được chủ nhà gửi theo chút thịt, bánh làm quà cho người già không đến được. Đó cũng là chút lộc, chút “hương hoa” san sẻ cùng nhau...

Đám bạn tôi cũng vậy. Tuy từng đi đó đây, nhưng cách xử sự cũng không khác. Nhiều anh được “rủ” đến... phòng 201 uống mấy chai bia, chẳng khi nào đi tay không. Thế nào cũng xách theo gói mồi, mấy gói thuốc hoặc có lúc cả két bia. Mà ngăn cản không được. Tôi quyết liệt yêu cầu không mang theo bất cứ thứ gì, có anh đã tìm cách... vắng mặt! Thiệt tình tôi phải xin lỗi mà không dám ép buộc nữa.

Vợ bạn tôi làm 4 sào lúa nhưng được chia ở 3 cánh đồng khác nhau theo từng hạng đất. Ông bạn thương tật làm nghề hớt tóc là chồng cô ấy, nói đùa: “Bà cứ lo mấy đám ruộng, còn các đám khác như giỗ, chạp, cưới hỏi hãy để mình tôi!” là nói thật. Một mình cô quần quật quanh năm với mấy sào ruộng và mảnh vườn nhỏ trồng rau. Cô từng đi thanh niên xung phong hồi chiến tranh và học bổ túc đến lớp 4. Vậy mà những ngày dân làng cùng nhau tôn tạo lại ngôi đình làng, cô cứ giục chồng ra đình mỗi sớm, “Có chuyện gì ở nhà ông để hết cho tui, chuyện làng là hơn hết!”, cô nói. Rồi thôn cô xây cổng chào, cô lại cùng chồng thúc chú em vừa tốt nghiệp kỹ sư xây dựng: “Em ráng vẽ kiểu cổng làng mình cho đẹp, ghi cái tên làng, tên xóm mình cho bự ra để ai tới cũng đọc được!”…

3. Ôi là tình làng! Cứ mỗi chuyện được nhắc tới làm ta rưng rưng, xao xuyến!

Và chỉ một thời gian không lâu, tôi quyết định về làng, mua đất xây ngôi nhà nhỏ, để mai mốt con cháu mình cũng có chỗ quay về, hít thở được chút gì về một quê nhà của những người đi trước. Và quan trọng hơn là, ở làng, bạn sẽ không vô danh như ở phố!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình làng không nhạt phai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO