Bình minh ở Cù Lao Chàm thật đẹp và nên thơ. Ai đã một lần đến với nơi đây sẽ nhớ mãi phong cảnh của một làng đảo yên bình với những ngôi nhà, những con đường và làn gió mặn mòi từ biển cả hào phóng thổi về...
1. Trong cụm các hòn đảo ở Cù lao Chàm thì Hòn Lao lớn nhất, có Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương là những nơi mà người dân sinh sống từ bao đời nay. Và những câu chuyện tình người ở đây đọng trong tâm trí người dân là hình ảnh những anh bộ đội Cụ Hồ. Gắn bó cùng dân, các anh không chỉ thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu mà còn chăm lo cuộc sống người dân. Các anh không nề hà giúp dân bất cứ việc gì, đặc biệt với địa bàn cách trở đất liền, khi người dân bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro đột xuất… Hơn 5 năm lại đây, Trạm Y tế quân dân y kết hợp ở xã đảo Tân Hiệp ra đời, người dân được các “thầy thuốc bộ đội” chăm sóc tận tình lúc ốm đau. Bà Trần Thị Hạng, một người dân xã đảo Tân Hiệp tâm sự, có mấy chú bộ đội chừ dân đỡ lo nhiều rồi. Khi bà con đau nặng không kịp đưa đến trạm xá, ới một tiếng là mấy chú túi xách đến tận nhà ngay. Trong cuộc sống thường ngày, đối với những trường hợp người dân rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các anh bộ đội ở đảo không chỉ vận động quyên góp tiền bạc, mà còn bỏ công sức đứng ra lo liệu những công việc của dân như những người con trong một gia đình. Như trường hợp chị Hà Thị Ngọc Lệ, mới 29 tuổi, chẳng may chồng qua đời vì bệnh tật hiểm nghèo để lại cho chị một nách hai con nhỏ, nhà cửa lại bị gió bão tốc bay không nơi nương tựa, các anh đã góp tiền, góp công xây lại căn nhà mới cho chị. “Các anh bộ đội ở đây thật sự là những ân nhân của mẹ con tôi nói riêng, cả dân làng nói chung” - chị Lệ tâm sự.
Yên bình một góc chùa Ngọc Truyền tại đảo Cù Lao Chàm. |
2. Đêm ở đảo thật bình yên, tiếng giảng bài, học bài của lũ trẻ ở đâu đó cứ vang lên chen lẫn tiếng sóng đại dương từng đợt vỗ bờ. Những lớp học miễn phí, giúp các em ôn luyện, nắm vững thêm kiến thức vẫn đều đặn được tổ chức vào các dịp hè, khi các giáo viên từ đảo trở về đất liền. Điều này không chỉ nối tiếp hành trình nhân văn đưa con chữ đến con em xã đảo Tân Hiệp mà những người thầy giáo là những chiến sĩ biên phòng, bộ đội Tiểu đoàn 70, không biết tự bao giờ đã trở thành người anh, người chị trìu mến của những em nhỏ còn chịu nhiều thiệt thòi nơi vùng biển đảo cù lao. Và trong những câu chuyện về những người lính đảo, người dân Cù Lao Chàm không quên nhắc trong niềm tiếc thương về Thiếu tá Phan Xuân Phương, bởi anh là ân nhân của nhiều gia đình ở đảo. Anh Phương đã qua đời cách đây mấy tháng. Chuyện xảy ra cũng đã lâu nhưng chị Nguyễn Thị Loan vẫn nhớ mãi không quên. Vào một đêm mưa tầm tã, biển động dữ dội, gió mạnh giật đến cấp 7 - 8, chị Loan chuyển dạ cần phải chuyển viện gấp. Nhận được tin báo, mặc cho sóng to gió lớn, có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình nhưng thiếu tá Phương vẫn quyết tâm đưa bệnh nhân vào bờ. Trong lúc đang điều khiển tàu giữa mênh mông sóng nước, bất ngờ cháu bé con chị Loan ra đời, và thế là anh phải kiêm luôn nhiệm vụ của một “bà đỡ” . Đứa bé chào đời trên chiếc tàu gỗ trong bàn tay êm ấm của anh Phương. giờ đã 21 tuổi. Đứa bé ấy là cháu Trần Thị Hiền chăm học, chăm làm, biết vâng lời ba mẹ và xem Thiếu tá Phương là người cha thứ hai của mình.
Giây phút hiếm hoi của Thiếu tá Võ Văn Đích với vợ và con nhỏ tại nhà riêng. Ảnh: V.V.T |
3. Ngày mới mở ra trên đảo Cù Lao Chàm bằng những câu chuyện được viết tiếp từ lòng nhân ái, yêu thương của những con người ở đảo. Tôi thật sự bất ngờ về người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70, đóng quân ở Cù Lao Chàm: Thiếu tá Võ Văn Đích. Anh là người chỉ huy năng nổ, luôn có mặt trong các hoạt động giúp dân được nhiều người yêu quý, có một câu chuyện tình thật đẹp, để hòn đảo nơi anh công tác thêm gắn bó yêu thương. Anh quê tận Hải Dương đã có thời gian gần 20 năm gắn bó với Cù Lao Chàm và chọn đảo làm nơi xây tổ ấm. Con gái lớn của vợ chồng anh năm nay lớp 10 phải vào Hội An để học, con trai nhỏ lớp 2, người vợ cùng quê Hải Dương tình nguyện theo chồng. Trong những ngày đầu với bao khó khăn, thử thách nhưng họ đã vượt qua. Tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt tại gia đình bé nhỏ của anh Đích, chúng tôi càng hiểu hơn niềm hạnh phúc mà vợ chồng anh đang có được hiện nay. Được sự giới thiệu của thiếu tá Đích chúng tôi đến thăm vợ chồng Trung úy Nguyễn Xuân Trung cũng có nhà cách đấy không xa. Anh Trung quê ở huyện Bắc Trà My đã gắn bó 10 năm với đảo, kết duyên cùng cô giáo mầm non Lê Thị Bích Liên. Giờ đây vợ chồng anh chị đã có một con trai đang học lớp 4 và một cháu nhỏ chuẩn bị chào đời để tiếp tục trở thành công dân của đảo. Hai vợ chồng hai công việc khác nhau nhưng họ đang phấn đấu, góp phần tô đẹp cho mảnh đất giữa muôn trùng sóng nước đại dương. Là Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Hiệp nhưng chị Liên vẫn thường xuyên đứng lớp để được dạy dỗ các em thơ.
4. Theo Trung tá Nguyễn Thanh Tường, Trưởng ban tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, có hơn 50% cán bộ chiến sĩ đã chọn Cù Lao Chàm làm quê hương thứ hai của mình, chung tay góp sức xây dựng tổ ấm và xây dựng đảo ngày càng trù phú hơn. Trò chuyện với tôi ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp - Cù Lao Chàm, tự hào: “Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trong cả nước người dân đã biết “nói không với túi ni lông”. Du lịch nghỉ dưỡng, khám phá đang có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt nơi đây thật sự yên bình bởi có những người lính biết thức cho dân ngủ. Và hơn thế nữa, họ đã cùng người dân ở đảo viết nên những câu chuyện cảm động như tiếng sóng âm ba mãi lắng lại trong lòng từng con ốc biển, từng dãy san hô ngày một đóng kết dày hơn, vững chãi hơn giữa lòng biển cả”. Và tôi hiểu, tình người ở Cù Lao Chàm càng trở nên thiêng liêng hơn vì nơi đây đã là một phần máu thịt của Tổ quốc...
VÕ VĂN TRƯỜNG