Tình người ở Nam Trà My

ALĂNG NGƯỚC 18/11/2020 08:25

Những gian khó đã dần được “hóa giải” bởi tinh thần cố kết cộng đồng vùng cao. Sau những biến cố thiên tai, người ta nhắc đến Nam Trà My bằng câu chuyện tình người đầy ấm áp.

Dựng nhà tạm giúp người dân vùng sạt lở ở Nam Trà My sớm ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Ảnh: Đ.N
Dựng nhà tạm giúp người dân vùng sạt lở ở Nam Trà My sớm ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Ảnh: Đ.N

"Biệt đội khiêng, cõng"

Trà Leng sau một ngày xảy ra sự cố đau lòng, trên đường tiếp cận hiện trường, in sâu trong tâm khảm chúng tôi là hình ảnh những đội quân làm nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân may mắn sống sót rời khỏi khu vực nguy hiểm. Từng tốp người băng rừng, thay nhau khiêng, cõng người gặp nạn đi cấp cứu. Thời điểm đó, do đường vào hiện trường bị cách trở bởi hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ dọc theo đường liên xã khiến các phương tiện không thể lưu thông. Cách duy nhất để chuyển nạn nhân bị thương đi cấp cứu là dùng võng khiêng bộ qua quãng đường gần 10km.

Là một trong số thành viên tham gia “biệt đội khiêng, cõng”, anh Nguyễn Trần Văn Toàn (trú thôn 2, xã Trà Leng) không nhớ mình đã khiêng bao nhiêu lượt người gặp nạn đi cấp cứu. Bởi nhiệm vụ khẩn trương, chỉ sau cuộc sơ cứu của nhân viên y tế, nạn nhân được đưa lên võng để khiêng đi. Người khiêng, người cầm bình truyền nước, cứ thế họ vội vã băng rừng. Lẫn trong tiếng khóc, là những lời động viên liên tục để người bị thương gượng sức trên đường đi cấp cứu.

Anh Toàn cũng là người đã cứu sống được 3 bé gái khỏi đống đổ nát tại hiện trường vụ sạt lở ở nóc Ông Đề. Trong đó, có một bé gái, khi cứu anh chỉ nhìn thấy cánh tay chới với đang chìm dần xuống lớp bùn đặc quánh. Anh Toàn kể, do nhà gần điểm sạt lở nên anh sớm có mặt tại hiện trường. Sau đó, lao vào cứu người và theo nhóm thanh niên đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu.

“Từ thôn 2, thôn 3, hàng chục thanh niên cũng có mặt rất sớm để tham gia cứu hộ. Ai cũng cố gắng hết sức nhằm cứu người gặp nạn càng sớm càng tốt” - anh Toàn chia sẻ.

Những người bị nạn được “biệt đội khiêng, cõng” băng rừng đưa đi cấp cứu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những người bị nạn được “biệt đội khiêng, cõng” băng rừng đưa đi cấp cứu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng nói, khi xảy ra sạt lở ở nóc Ông Đề, hàng chục thanh niên và người dân địa phương đã kịp thời cùng chính quyền triển khai công tác cứu hộ ban đầu. Chính nhờ có lực lượng này phối hợp với dân quân, công an xã mà nhiều người đã được cứu sống. Tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn được phát huy tại chỗ giúp công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả được triển khai nhanh chóng và kịp thời.

Sống tựa vào nhau

Ông Hồ Văn Thới - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết, sau đợt núi lở xảy ra ở nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) khiến hàng chục người bị vùi lấp, trong đó 8 người chết và nhiều người khác bị thương, bà con phải nương tựa vào nhau để sống. Họ chia sẻ từ chỗ ở, cái ăn hàng ngày, cho đến những bộ áo quần cũ để mặc. Do tất cả hộ dân nằm trong diện sạt lở nghiêm trọng, để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, chính quyền địa phương đã triển khai di dời khẩn cấp hoặc bố trí ở xen ghép tại các nhà chắc chắn, an toàn.

“Tinh thần đoàn kết càng được phát huy mạnh mẽ trong thời điểm gian khó, đau thương của cộng đồng. Trong vụ sạt lở đất vừa rồi, cũng nhờ bà con hàng xóm kịp thời chạy qua đào bới, hỗ trợ đưa người bị nạn ra khỏi hiện trường nên đã cứu sống được 12/20 người bị vùi lấp. Nếu không, hậu quả sẽ còn lớn hơn nữa” - ông Thới chia sẻ.

May mắn sống sót trong vụ sạt lở đất xảy ra tại nóc Ông Sinh, bà Hồ Thị Hiền (56 tuổi) nói, toàn bộ tài sản, nhà cửa của gia đình đã bị vùi sâu dưới lớp đất đá. Để kịp thời động viên gia đình bà cũng như các hộ dân bị nạn, những ngày qua, bà con hàng xóm tìm đến giúp đỡ, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần. Họ góp từng cái áo, cân gạo, bó rau rừng… giúp các gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. “Ngôi nhà tạm gia đình tôi đang ở cũng được dựng trên phần đất của hàng xóm tặng. Nhiều nhà khác nữa, nhờ bà con cho tấm ván, tấm tôn nên mới dựng được ngôi nhà tạm để ở, tránh nắng mưa qua ngày” - bà Hiền tâm sự.

Gian khó vẫn còn dài phía trước, nhưng nhiều người tin rằng, bằng truyền thống đoàn kết cộng đồng, người Ca Dong, M’nông ở Nam Trà My sẽ vượt qua tất cả để đón lấy cuộc sống mới. Bởi sau sự cố thiên tai, câu chuyện tình người đọng lại như một động lực để họ vươn lên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình người ở Nam Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO