Những năm qua, cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồng bào các dân tộc anh em ở hai huyện Nam Giang, Tây Giang đã tích cực tham gia bảo vệ hơn 142km đường biên giới và 60 cột mốc biên cương. Nơi đây, tình đoàn kết quân dân luôn được thắt chặt.
Quân - dân cùng giữ chủ quyền
Đã thành thông lệ, hàng tuần người dân thôn Pà Ooi, xã La Êê, huyện Nam Giang đều cử từ 5 đến 7 thanh niên nam nữ tham gia cùng với lực lượng biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Qua đó góp phần kịp thời hỗ trợ lực lượng biên phòng phát hiện, đẩy đuổi những đối tượng lạ mặt xâm canh xâm cư trái phép và ngăn chặn không để xảy ra tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép tại khu vực biên giới.
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam tuần tra bảo vệ cột mốc biên cương. Ảnh: Hồng Anh |
Huyện Nam Giang có 32 cột mốc với chiều dài đường biên giới hơn 95km. Trong 5 năm qua, hàng nghìn lượt đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở 6 xã biên giới của huyện đã tích cực tham gia gùi hàng, lương thực, thực phẩm, giúp biên phòng hoàn thành công tác tôn tạo tăng dày cột mốc. Và những người dân nơi đây đã thật sự là cột mốc sống để bảo vệ vững chắc tuyến biên cương. Ông Zơrâm Pơi - người dân thôn Pà Ooi cho biết: “Biên phòng đã giúp đỡ nhân dân rất nhiều. Khi mưa lũ, biên phòng làm cầu cho dân đi đảm bảo an toàn. Nhân dân cũng hết lòng thường xuyên tham gia cùng với bộ đội biên phòng tuần tra truy quét làm trong sạch địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, thời gian qua địa phương luôn đề cao trách nhiệm của mình cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuần tra bảo vệ cột mốc, bảo vệ biên giới; cũng như tăng cường tốt mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa nhân dân chính quyền huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông nước bạn Lào với nhân dân các xã biên giới của huyện Nam Giang.
Năm năm qua, lực lượng biên phòng trên tuyến biên giới Quảng Nam còn thường xuyên giúp người dân san ủi mặt bằng, làm nhà, lập vườn... hình thành các mô hình kinh tế trang trại, xóa đói giảm nghèo. Ngược lại, mỗi dịp lễ tết, đồng bào các dân tộc anh em cũng thường xuyên mang củi, gạo, bánh sừng trâu... tặng chiến sĩ biên phòng, động viên tinh thần các chiến sĩ yên tâm cầm chắc tay súng, giữ vững sự bình yên trên tuyến biên cương. Chính những hoạt động đầy nghĩa tình đó đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa đồng bào các dân tộc với lực lượng biên phòng. “Đồn biên phòng Ga Ry trong thời gian qua đã tích cực bám địa bàn và tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả, qua đó cải thiện cơ bản về đời sống của bà con nhân dân” - Trung tá Phan Văn Thí, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang) nói.
Từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, đồng bào các dân tộc anh em ở các huyện miền núi Quảng Nam đoàn kết một lòng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn các nét đẹp văn hóa. Đồng thời chú trọng đến công tác bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, góp phần cùng với lực lượng biên phòng, giữ vững sự bình yên trên tuyến biên cương phía tây Quảng Nam. Truyền thống đó, sẽ tiếp tục được đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở hai huyện Nam Giang, Tây Giang cùng với Bộ đội Biên phòng Quảng Nam ngày đêm vun đắp. (HỒNG ANH)
Sẵn sàng cắm bản
Từ một ngôi làng không điện - đường - trường - trạm, đến nay cụm dân cư Pêtapoóc xã Đắc Pring, huyện Nam Giang đã khoác lên mình diện mạo mới. Đời sống của 9 hộ dân với 39 nhân khẩu nơi đây đã dần được cải thiện. Tất cả là nhờ các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring về đây cắm bản giúp dân xây dựng cuộc sống.
Trung úy Coor Trung hướng dẫn nhân dân làng Pêtapoóc làm lúa nước. Ảnh: Hồng Anh |
Quãng đường từ Đồn Biên phòng Đắc Pring vào cụm dân cư Pêtapoóc chỉ gần 20km nhưng chúng tôi phải mất đến 4 giờ đồng hồ vượt ngầm và dốc đá trơn trượt mới đến nới. Cách đây 3 năm, Pêtapoóc chỉ có những túp lều tạm bợ bằng tre, nứa. Giờ đây ngôi làng giữa rừng xanh này đã khoác trên mình một diện mạo hoàn toàn khác. Những ngôi nhà gỗ vững chãi được đôi tay của các chiến sĩ biên phòng về cắm bản cùng trai làng dựng lên. Ngôi nhà lớn giữa cụm dân cư được dùng mở lớp học xóa mù chữ. Học ở đây vui lắm, đủ mọi lứa tuổi từ cụ già đến trẻ nhỏ đều bi bô tập đọc theo các thầy giáo mang quân hàm xanh. Trước đây dân làng hầu như đều không biết chữ. “Trong thời gian đội công tác về đây cắm bản, ngôi làng này bước sang trang mới. Người làng đã có đồng ruộng và biết làm lúa nước; nhà cửa kiên cố, không phải lo chỗ ăn ngủ. Nhất là về xóa mù chữ, hiện nay bà con trong làng đã biết đọc, biết viết cơ bản... Bản thân tôi sẽ cố gắng phát huy những gì mình đã làm được cho bà con và hướng dẫn thêm cách phát triển về kinh tế; giúp bà con có định hướng về cây trồng con vật nuôi” - Trung úy Coor Trung, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đắc Pring chia sẻ. Như gia đình anh Moong Văn Phúc có 2 sào ruộng và giờ đây đã yên tâm hơn với phương thức canh tác lúa nước của mình. Bởi lẽ anh thường xuyên được tổ biên phòng cắm bản tận tình hướng dẫn cách diệt trừ sâu bọ, làm cỏ, bón phân để khi thu hoạch đạt năng suất cao.
Thiếu tá Đào Duy Hòa - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắc Pring cho biết thêm: “Người dân Pêtapoóc từ đời sống thiếu thốn, không có nước sinh hoạt, không có chăm sóc y tế đã được Đồn Biên phòng Đắc Pring báo cáo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương, đồng thời kêu gọi các nguồn hỗ trợ. Đến nay đã xây dựng được 7 ngôi nhà cho người dân, làm hệ thống nước sinh hoạt và lắp 3 tua bin điện. Ngoài ra, trang bị cho mỗi hộ bộ đầu thu sóng truyền hình và ti vi. Người dân Pêtapoóc cũng đang bắt tay thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đặc biệt, chúng tôi cũng vừa kêu gọi tài trợ được cho dân làng 2 máy cày. Sắp tới chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con sớm tiếp cận với cơ giới hóa trong nông nghiệp, lúc đó bà con sẽ đỡ vất vả hơn, năng suất cây trồng cao hơn”.
Bây giờ cứ đều đặn mỗi tuần 3 đêm, người dân Pêtapoóc lại tập trung vào ngôi nhà giữa làng để học tìm con chữ cùng các thầy giáo biên phòng. Những chiếc ti vi, đầu thu vận hành nhờ các tua bin điện thủy luân do bộ đội biên phòng cùng các mạnh thường quân đóng góp sẽ là cơ hội để bà con dân bản Pêtapoóc tiếp cận được với những kiến thức và sự tiến bộ của xã hội, hòa nhập cộng đồng, xây dựng bộ mặt bản làng ngày một phát triển. (H.ANH)
Mở đường no ấm
Trong ký ức nhiều người, khu vực biên giới Quảng Nam trước đây là vùng đất cằn khô, buồn tẻ, với những con người quanh năm nghèo khó, những bản làng nhà cửa thưa thớt, leo lét ánh đèn và những con đường mòn dựng đứng theo vách núi mà mỗi chuyến đi giống như một lần vượt “cổng trời”. Thế nhưng những hình ảnh ấy giờ đây đang trôi dần vào quá khứ. Thay vào đó là một vùng biên giới đang từng ngày thay da đổi thịt.
Bộ đội biên phòng giúp dân làm đường giao thông. Ảnh: H.H |
Người dân ở xã biên giới A Nông, huyện Tây Giang, ai cũng quý mến Đại úy Alăng Púi - cán bộ Đồn Biên phòng A Nông. Bởi cuộc sống của đồng bào nơi đây đang từng ngày thoát khỏi đói nghèo nhờ có sự đóng góp không nhỏ của Đại úy Púi. Anh ngày đêm bám bản, ngược xuôi theo đồng bào đến tận các nương rẫy để vận động chuyển đổi từ lúa rẫy sang trồng cây cao su, phát triển kinh tế hộ theo chủ trương xây dựng nông thôn mới. Để công tác vận động thành công, ngôi nhà của vợ chồng anh bên suối là địa điểm lui tới quen thuộc của bà con. Ở đây họ có thể học được cách nuôi con nhím, nuôi gia cầm và cách đào ao thả cá để tạo nguồn thu nâng cao chất lượng cuộc sống. “Khi công ty cao su đầu tư ở đây, người dân vẫn chưa tin tưởng, họ sợ mất đất, không có đất để trồng sắn, làm rẫy. Để tạo niềm tin, mình làm trước, sau đó nhân dân tới thăm hỏi và thấy cây cao su phát triển, dễ làm, thế là làm theo. Bây giờ người dân A Nông trồng cây cao su rất nhiều” - Đại úy Alăng Púi nói.
Là một trong 50 xã điểm của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, 4 năm qua, xã A Nông đã được trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, từ một xã với 99,11% dân số là đồng bào Cơ Tu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53% (năm 2009), qua 4 năm xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến cuối năm 2014 chỉ còn 5,55%, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,3 triệu đồng/năm. Cuộc sống khá lên, đồng bào phấn khởi nên nghe theo lời cán bộ biên phòng và chính quyền địa phương cam kết không phá rừng, đốt rẫy.
Chúng tôi có dịp đến thăm trang trại với những luống rau đang độ xanh tươi mát mắt của vợ chồng bà Zơ Rát và ông Bling Cưnh ở thôn Agíil, xã A Xan, huyện Tây Giang. Đây là một kết quả khác của mô hình lấy ngắn nuôi dài mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan vận động bà con thực hiện nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Trang trại này hiện có hàng trăm cây dó bầu đang trong thời kỳ phát triển và nhiều trâu, bò, gia cầm, hằng năm cho gia đình nguồn thu hơn 40 triệu đồng.
Khi tận mắt chứng kiến cánh đồng lúa nước rộng 2ha do đoàn viên - thanh niên Đồn Biên phòng A Nông khai hoang “tặng” bà con chúng tôi không khỏi trầm trồ, cảm phục trước tấm lòng của những người lính trẻ. Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, “cầm tay chỉ việc”, đoàn viên - thanh niên Đồn Biên phòng A Nông hướng dẫn bà con cách thức, quy trình, kỹ thuật canh tác khoa học, làm hệ thống dẫn nước vào ruộng, biến cả một vùng đất đồi núi rộng lớn thành những thửa ruộng bậc thang vuông vắn. “Bộ đội biên phòng giúp cày bừa, xuống giống, bón phân, tạo mọi điều kiện giúp dân. Lúa đang phát triển tốt. Năm ni có bộ đội sát cánh nên sẽ trúng mùa, bội thu thôi” - ông Alăng C’Lưa, người dân thôn Acấp, xã A Nông nói. Trung tá Nguyễn Đăng Tuấn - Chính trị viên Đồn Biên Phòng A Nông cho biết: “Chúng tôi phải lựa chọn những mô hình cụ thể, phù hợp với bà con để tuyên truyền vận động, kết hợp trực tiếp tham gia làm cùng với bà con… Khi có hiệu quả thì bà con nghe, làm theo”.
Biết áp dụng triệt để các phương thác canh tác mới, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng nên những gia đình có mức sống khá giả và những nhân tố điển hình như ông Zơrâm Niêm và bà Zơ Rát xuất hiện ngày càng nhiều. Ông Alăng Bao - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã A Nông nhìn nhận, thành công hôm nay, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương còn có vai trò của già làng, trưởng bản và cán bộ bộ đội biên phòng.
Từ những thành công ban đầu, người dân thêm phấn khởi bắt đầu ủng hộ chính quyền địa phương, nhiệt tình tham gia các dự án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Những con đường nối liền hai miền xuôi, ngược dần hình thành, những cụm dân cư trên dọc biên giới thi nhau mọc lên, tạo thuận lợi cho việc đầu tư các công trình dân sinh, bớt sự dàn trải. Trẻ em được học trong những ngôi trường khang trang với chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao. Hệ thống kênh mương tưới tiêu ngày đêm róc rách chảy vào các thửa ruộng bậc thang và về tận các thôn, bản. Phong trào nông dân sản xuất giỏi được khuyến khích nhân rộng khắp nơi làm bộ mặt nông thôn mới trên khắp các vùng biên của Quảng Nam đang từng ngày chuyển mình thay đổi. Đây cũng là kết quả về tinh thần vượt khó, quyết tâm thoát nghèo của người dân vùng cao và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ trương với cách vận dụng sáng tạo của các cấp ủy đảng chính quyền địa phương cùng lực lượng bộ đội biên phòng đóng chân trên địa bàn.
Sự vào cuộc giúp sức của bộ đội biên phòng đang góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Và khi người dân được hưởng lợi trực tiếp từ những chương trình này, công tác vận động triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng cao biên giới của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng Quảng Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công. (HỒNG HẠNH)
Nghĩa tình không giới hạn
Tại nơi núi rừng biên cương giáp với nước bạn Lào anh em, cán bộ - chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê (Nam Giang) vừa vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc; vừa hết lòng hỗ trợ, cứu giúp dân bản trong những lúc ốm đau ngặt nghèo.
Cuộc điện thoại giữa khuya
Tối mùng 4 Tết Ất Mùi, đang thiu thiu ngủ, bác sĩ (BS) Lê Ngọc Hóa - Trưởng trạm Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng La Êê choàng tỉnh khi nghe chuông điện thoại reo. Đồng hồ lúc này chỉ 23 giờ 30 phút. Nhấc máy, BS Hóa chỉ nghe tiếng la khóc của người dân. Anh nhanh chóng trấn an và hỏi rõ ngọn ngành sự việc. Qua đó được biết, lúc này tại thôn Côn Zốt, xã Chơ Chun (Nam Giang) có một sản phụ chuyển dạ đã hơn 10 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa thể sinh, đang đau bụng dữ dội, rất nguy kịch. Bằng kiến thức và kinh nghiệm công tác của mình, BS Hóa nhận định đây là một trong những ca sinh phức tạp, nếu không nhanh chóng hướng dẫn người dân cách xử lý và đến giúp đỡ ngay thì sẽ rất phức tạp, có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ con sản phụ.
Bác sĩ Lê Ngọc Hóa chăm sóc em bé mới sinh. Ảnh: ĐÌNH XUÂN |
Nhưng để đến hỗ trợ được ngay thì bằng cách nào đây, trong khi ngoài trời tối đen như mực, sương mù bao phủ, cái rét lạnh thấu da người, địa hình lại quá phức tạp. Đoạn đường đến thôn Côn Zốt cũng gần 30km, ban ngày đi còn khó nói gì đến ban đêm. Nhưng với trách nhiệm, tình yêu thương và y đức của người người chiến sĩ quân y mang quân hàm xanh đối với đồng bào biên giới, BS Hóa báo cáo nhanh với Ban Chỉ huy đồn và ngay sau đó cùng đồng chí Zơrâm Nghép - cán bộ vận động quần chúng của đồn tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Sau 10 phút chuẩn bị, hành trình vượt rừng bắt đầu.
Vượt rừng trong đêm
Là những người đã có nhiều năm công tác nơi địa bàn biên giới và đều là “tay lái lụa”, nhưng lần này quả là một nhiệm vụ quá khó khăn và nguy hiểm. Hai chiến sĩ biên phòng động viên nhau, khẩn trương nhưng phải thận trọng, bằng mọi cách phải đến để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong những lúc như thế này. Khẩn trương vì nếu đến không kịp lỡ có vấn đề gì thì sẽ ân hận, thận trọng vì đường xa, địa hình quá trắc trở và phức tạp, toàn đường đất, sau những trận mưa trước tết đã để lại nhiều đoạn sình lầy, trơn trượt, nếu không cẩn thận có thể xảy ra tai nạn...
Hai chiếc xe máy cứ thế xuyên màn đêm núi rừng biên cương, vượt qua không biết bao nhiêu con dốc. Cũng những đoạn đường này, bình thường người chạy xe chưa vững còn không dám đi, đằng này đi trong đêm khuya lại càng khó khăn gấp bội, quãng đường như dài hơn, thăm thẳm hoang vu hơn. Sau gần 2 giờ đồng hồ băng rừng, vượt dốc, ánh sáng le lói từ những gia đình của thôn Côn Zốt, xã Chơ Chun cũng đã dần hiện ra trước mắt. BS Hóa và đồng chí Zơrâm Nghép đến nơi đã là 1 giờ 30 phút sáng.
Làm “bà mụ”
Lúc này người dân trong thôn tập trung rất đông tại nhà chị Ríah Thị Ánh, ai cũng lo lắng, bồn chồn; còn sản phụ đang ôm bụng kêu la thảm thiết. Không chần chừ, BS Hóa và cán bộ Nghép nhanh chóng mời mọi người tản ra, rồi giúp sản phụ bình tĩnh, lấy lại tinh thần. Bằng kinh nghiệm và sự nhiệt huyết của mình, BS Hóa đã giúp sản phụ vượt khó. Chỉ sau 10 phút, ca sinh hoàn thành và thành công ngoài mong đợi.Một bé trai kháu khỉnh chào đời trong niềm vui khôn xiết của gia đình và dân bản. Những giọt nước mắt hạnh phúc của chị Ríah Thị Ánh lăn dài trên má.
Không giấu nổi niềm vui và xúc động, ông Ríah Achót - bố chị Ánh nói trong nước mắt: “Bộ đội biên phòng đã không quản ngại đêm khuya, đường xa đến giúp cho con mình qua khỏi cơn nguy kịch. Bố không biết lấy gì để trả ơn cho hết, bố chúc các con luôn mạnh khỏe! Ở lại đây vui với dân bản đêm nay nhé”. BS Hóa cười nói: “Không có gì đâu bố ạ, đây là công việc và là nhiệm vụ của chúng con mà. Bố và bà con mình đừng ngại, có chuyện gì cứ gọi, bộ đội biên phòng nơi biên giới cũng như con em dân bản mình”.
Nhiệm vụ hoàn thành, BS Hóa và đồng đội có một đêm thức trắng. Những giọt mồ hôi và sương đêm còn ướt đẫm người, nhưng các anh đã mang đến cho bản làng, cho gia đình một niềm hy vọng, niềm tin yêu đối với những anh Bộ đội Cụ Hồ nơi núi rừng biên cương. (Đ.XUÂN - T.TÙNG)