Bất chợt từ bên nhà hàng xóm vọng sang câu hát: “Đám cưới, đám cưới về trên đường quê/ Cô dâu đôi má hồng về nhà chồng/ Tung bay xác pháo rơi đầy đường/ Quê tôi trai gái vui trong lòng”. Giai điệu ngọt ngào ấy từng làm xao động lòng người, vẽ lên bức tranh quê đầy màu sắc.
Theo vòng quay của sự phát triển, hình ảnh cô dâu chú rể xúng xính trong bộ áo dài khăn đóng dần mất đi. Ngày xưa đám cưới đều tổ chức tại nhà, không phải thuê mướn gì, thể hiện sâu đậm tình làng nghĩa xóm.
Nghe hàng xóm sắp dựng vợ gả chồng cho con, thì cách đó đôi ba ngày những nhà kế cận đã cho con cái qua phụ giúp một tay. Con gái thì phụ mấy chuyện lặt vặt, mượn chén bát đũa, ly tách theo yêu cầu của gia chủ rồi xắn tay áo lên rửa ly tách.
Thú vị nhất vẫn là trang hoàng cổng cưới, những người khéo tay mới được chọn vào đội hình này. Cây chuối, cây tre, lá dừa được tận dụng tối đa. Tưởng sẽ lâu mới có thành quả nhưng mỗi người một tay thoáng chốc chiếc cổng cưới xinh đẹp hiện ra trong cái nhìn ngỡ ngàng của bọn trẻ chúng tôi.
Tấm bảng “Tân hôn” hoặc “Vu quy” thì được bện, ghép bằng lá dừa, bông dừa, trái cau hoặc hạt lúa, gạo, rất công phu. Tuy mộc mạc, đơn sơ “cây nhà lá vườn”, nhưng cổng đám cưới quê xưa mang đậm nét văn hóa dân gian, gần gũi và đầy ân tình.
Ngày cưới các bác các chú mổ heo là cực nhất vì phải dậy sớm để làm cho kịp. Khu vực chế biến món ăn lúc nào cũng đông vui tấp nập. Tiếng cười nói, tiếng dao thớt nghe thật rôm rả. Đây là dịp các mẹ, các chị quây quần bên nhau kể hết chuyện này đến chuyện kia không vui sao được.
Những bà lớn tuổi ngồi uống ly chè tươi vừa quan sát những cô thiếu nữ đang phụ dưới bếp. Con gái nhà người tập trung rất đông nên đây là dịp nhìn xem cô nào ưng cái bụng là chọn dâu. Ngày xưa nên duyên vợ chồng đôi khi chỉ đơn giản qua hỏi thăm mai mối nhưng vẫn sống hạnh phúc đến “đầu bạc răng long”.
Cả ngõ rộn vang với tiếng í ới gọi nhau. Đám cưới ở quê vui cả làng, là cái lễ, cái hội mang đậm sắc quê hương, giản dị mà đẹp lạ thường. Vì được cả xóm trợ giúp, dịp này chủ nhà chỉ tập trung lo cúng kính ông bà và tiếp khách. Đám cưới vui nhất là ngày nhóm họ vì nhiều người đến giúp và họ hàng về đông đủ.
Thú vị nhất vẫn là cảnh rước dâu. Ngẫm lại cái thời cách đây vài chục năm, chỉ có nhà nào được xếp vào hàng trung lưu trở lên mới có chiếc xe Cub cho chú rể đi đón dâu, còn đa số đều dùng xe đạp hoặc đi bộ. Có lẽ bây giờ, thế hệ trẻ sẽ khó hình dung được cảnh cô dâu mặc áo cưới lòe xòe phải đi bộ đến vài cây số về nhà chồng...
Ai cũng biết theo thời gian mọi thứ sẽ thay đổi cho phù hợp và chuyện tổ chức đám cưới như ở quê ngày xưa cũng nằm trong quỹ đạo chung ấy. Đám cưới giờ đây đã “thành thị hóa” nhưng những ký ức đẹp về đám cưới nhà quê bình dị khó phai mờ trong tâm trí của nhiều người lớn tuổi khi nhắc về ngày trọng đại của cuộc đời.