Tính quốc tế trong văn học chữ Hán đất Quảng

TS. NGUYỄN HOÀNG THÂN 08/01/2017 11:27

Văn học chữ Hán đất Quảng (VHCHĐQ) vốn được thành hình từ nửa thiên niên kỷ nay, nhưng người ta chưa nhìn thấy diện mạo của nó, càng chưa hiểu rõ về nó. Hơn thế nữa, tính chất/yếu tố quốc tế của VHCHĐQ vừa là một nội dung của dòng văn học này vừa là đối tượng quan trọng về mặt sử liệu trong nước và quốc tế.

Một dòng chảy

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng tự vấn: “Quảng Nam có văn học, văn chương từ bao giờ! Câu hỏi đó rất khó trả lời”. Có lẽ sáng tác văn học đầu tiên về Quảng Nam - Đà Nẵng (QNĐN) là vần thơ Hải Vân hải môn lữ thứ (1471) của vua Lê Thánh Tông. Nếu theo quan niệm “văn-sử-triết bất phân” hay “văn” là “chữ”, thì nhiều tác phẩm phản ánh về vùng đất này còn sớm hơn nữa.

VHCHĐQ với hàng loạt tác giả, chia làm hai loại: thơ và văn. Về thơ có các loại thơ Đường luật, ca trù, minh. Về văn, cũng có nhiều loại như ký, tấu, sớ, bi, minh, hành, thuật, chúc thư, ai điếu…

Tính quốc tế trong VHCHĐQ được hiểu là những tác phẩm bằng chữ Hán của: Tác giả nước ngoài viết về đất Quảng, với Chu Thuấn Thủy, Thích Đại Sán…; Tác giả là người Quảng sáng tác ở nước ngoài, như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thuật, Phan Châu Trinh…; Tác giả người Quảng sáng tác trong nước về chủ đề nước ngoài/thế giới.

Vua Lê Thánh Tông đã miêu tả: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”, chính là nói đến thuyền buôn của các quốc gia thuộc vùng biển Malacca đến neo đậu ở cửa biển Đà Nẵng (Đồng Long). Đồng thời cũng có nhiều người nước ngoài đến đây vì những mục đích khác nhau. Thích Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang nước ta vào năm 1695, để lại Hải ngoại kỷ sự; Chu Thuấn Thủy không chịu thần phục nhà Thanh nên bỏ trốn sang Việt Nam, để lại An Nam cung dịch kỷ sự (1657). Hay  Ngũ Hành Sơn lục ghi chép thiền sư Trung Quốc đến đất Quảng hoằng dương Phật pháp.

Phạm Phú Thứ đi sứ Tây về dâng 2 tập Tây hành nhật ký và Tây phù thi thảo, cùng tập Đông hành thi lục khi công cán Quảng Đông. Nguyễn Thuật có Vãng Tân nhật ký. Những trước tác này là nguồn sử liệu quan trọng không chỉ đối với trong nước mà còn đối với nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây… và lâu nay đã có rất nhiều tài liệu dẫn dụng.

Đất Quảng xưa qua cái nhìn của người nước ngoài

Trước khi có sự tiếp xúc từ bên ngoài, cảnh vật, phong tục địa phương trong con mắt của người bản địa chỉ đơn nhất. Khi có sự nhìn nhận của người bên ngoài, thì hình ảnh đất Quảng mới trở nên đa dạng, góp phần so sánh đồng - dị. Những cảnh sinh hoạt bình thường đi vào thơ Thích Đại Sán - khi ông đi ngang vùng đất (quận) Ngũ Hành Sơn bây giờ: “Nhao nhao nạp lúa mới/ Lo vãi giống mùa sau/ Thu tiết còn hơi nắng/ Áo manh nằm võng tao/ Bóng chiều dọi gò cát/ Thiếu phụ ngồi bổ cau” (Viện Đại học Huế dịch). Hoạt động nhộn nhịp của nghề quế tại Hội An: “Tháng tám mùi quế thơm ngát cả hàng buôn/ Nhiều người cắt, sửa rất rộn ràng” (Nguyễn Bội Liên dịch). Hay việc phụ nữ tham gia buôn bán: “Chợ hàng buôn bán đều đàn bà con gái, không phân biệt nam ngoại nữ nội chi hết”. Chu Thuấn Thủy đã ghi lại đôi nét về cộng đồng người Hoa và người Nhật ở Hội An, tình hình học thuật, thư mục những sách chữ Hán ở Đàng Trong lúc bấy giờ. Còn Tần Quán của Trung Quốc bày tỏ: “Trước đó chưa gặp qua người Việt Nam, bây giờ mới biết Việt Nam thực là quốc gia “văn nhã chi bang”, cử đến Trung Quốc đều là những sứ thần có tài năng, thông hiểu”, khi nhận xét Nguyễn Thuật.

 Hình ảnh thế giới “ngỡ ngàng”

Các nhà nho đất Quảng khi đi sứ đều có những trước tác thể hiện cảm thức trước sự mới lạ. Tây hành nhật ký ghi chép chi tiết việc đi sứ sang Pháp, các triều thần nhà Nguyễn sau khi đọc đều cảm thấy ngỡ ngàng, choáng ngợp trước văn minh của phương Tây. Cùng chung văn hóa phương Đông, chung bối cảnh lịch sử, song quang cảnh lễ hội Vu Lan hay chợ đêm ở Quảng Đông vẫn hóa lạ với Phạm Phú Thứ.

Một sự “ngỡ ngàng” của Nguyễn Thuật đối với “nhân - nghĩa - dũng - tín” của “Thiên triều” khi ứng xử với Việt Nam: “Việc của nước tôi và nước Pháp vốn do Trung triều gửi công văn muốn điều đình giúp, lại còn triệu mấy người chúng tôi tới Thiên Tân xét hỏi, rồi thì giảng giải cũng không thành, lại còn do dự sợ sệt, không chịu đem binh thuyền cứu trợ, để cho người Pháp nhân lúc nước tôi có việc, ép chúng tôi hòa. Nước tôi lần này biến cố dồn dập, cái thế không thể không theo, còn Trung triều thì không bảo vệ được nước phên giậu, không biết có lời nào giải thích với thiên hạ chăng? Sự tình đã đến nước này, còn nói gì được nữa!” (Phan Ngọc Huyền dịch).

Khi ở Pháp (1913 - 1915), Phan Châu Trinh đã dịch Giai nhơn kỳ ngộ (Kajin no kigu) của Shiba Shiro (Sài Tứ Lang) ra thơ lục bát Giai nhơn kỳ ngộ diễn ca và viết Giai nhân kỳ ngộ cảm đề. Ông đã nhìn thấy nhiều dân tộc, nhiều quốc gia cũng đang đi tìm độc lập cho mình, ngoài tình tiết yêu đương trai gái thông thường.

Nhận thức thế giới

Các nhân sĩ đất Quảng đương thời đều thấy được sức mạnh và nền văn minh của các nước phương Tây, thấy được sự khai thác bóc lột, áp đặt của phương Tây lên phương Đông và Việt Nam. Phan Châu Trinh là một trong những người có nhiều tác phẩm liên quan: Đầu Pháp chính phủ thư, Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, Ký Khải Định hoàng đế thư, Đông Dương chính trị luận, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam. Bối cảnh lịch sử thế giới cận đại rất đặc biệt, liên quan trực tiếp vận mệnh quốc gia, nên nhà vua cũng hết sức quan tâm, chất vấn và được các tác giả đất Quảng kính đáp bằng thơ văn chữ Hán.

Ngoài ra, đa số tác phẩm chữ Hán sáng tác sau 1858 đều nói đến chiến tranh chống thực dân Pháp. Họ coi Pháp là kẻ thù xâm lược của dân tộc, của quốc gia. Chiến tranh chia cắt đất nước, để lại nhiều đau khổ cho biết bao phận người, bao cảm hoài cho những thần dân ái quốc, bao suy tư trăn trở của quân thần triều Nguyễn. Một số tác phẩm lại đề cập tình hình thế giới thông qua các quốc gia khác như Anh, Phổ, Mỹ…, thậm chí muốn dựa vào các quốc gia này để đánh đuổi Pháp. Từ đó họ nhận thức phải tự cường dân tộc và lần lượt gửi tấu sớ lên vua.

Cần mở rộng nghiên cứu

VHCHĐQ được nước ngoài quan tâm nghiên cứu không chỉ với tính chất thuộc về văn học nước ngoài mà còn là nguồn tư liệu để họ nghiên cứu về quốc gia họ trong quá khứ. Hy vọng sau khi Tổng tập thơ văn Hán - Nôm Quảng Nam - Đà Nẵng hoàn thành, mọi người sẽ có thêm nguồn tư liệu để hiểu hơn về dòng chảy VHCHĐQ cũng như biết rõ hơn về vùng đất quê hương từ một góc nhìn khác - góc nhìn văn chương.

TS. NGUYỄN HOÀNG THÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tính quốc tế trong văn học chữ Hán đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO