Trong 10 năm đánh giặc, bị thương 6 lần, nhưng ông vẫn không chịu... lui về tuyến sau hay ra miền Bắc an dưỡng. Bởi, như lời ông bảo, vẫn còn đồng đội của mình đang lao lên phía trước...
Chúng tôi đang nói đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Y, hiện trú tại thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, Thăng Bình. Ông nói: “Cha tôi và 2 người anh của tôi đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Tôi không nghĩ mình có thể sống đến ngày hôm nay”.
Nhanh trí diệt giặc
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Y sinh năm 1948, tại thôn Lãnh An, xã Quế Long, huyện Quế Sơn. Cha ông là Lê Sư - đảng viên thời chống Pháp, hy sinh năm 1970. Hai người anh của ông là Lê Nguyên hy sinh năm 1970 và Lê Nhung hy sinh năm 1968. Mẹ ông là bà Hà Thị Quỳnh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ông Lê Y nói, những cảnh thường xuyên bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu, tố cộng của Mỹ Diệm khiến ông nung nấu ý chí, quyết chiến đấu vì độc lập dân tộc. Có lần vào năm 1959, giặc bắt cha ông, người anh cùng những người theo cách mạng trói lên xà nhà, tra tấn dã man, nhiều lần chết đi sống lại.
Năm 1965, noi gương cha và 2 người anh trai, ông hăng hái tham gia cách mạng, công tác tại địa phương (ngày ấy là xã Sơn Lãnh). Lúc bấy giờ các anh trai đã vào bộ đội, Lê Y mới tham gia du kích địa phương. Năm 1966, trong một đợt địch đi càn, khi xe tăng địch lên Dốc Mỡn, ông cùng đồng đội bắn diệt nhiều tên địch, chiếc M113 bị trúng đạn phải quay đầu chạy ngược.
Đầu năm 1967, quân Mỹ đổ bộ lên Cấm Dơi xây dựng căn cứ và tiến hành ném bom, càn phá ác liệt các vùng xung quanh để bảo vệ căn cứ. Lê Y cùng các đội du kích tổ chức vành đai diệt Mỹ xung quanh phía tây căn cứ Cấm Dơi. Ông Lê Y có sáng tạo là lấy pháo lép, bom hỏng của địch về cải tiến thành mìn, bố trí thành tuyến để đánh địch.
Ông Lê Y được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 26/7/2012. Ông đã được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; 5 Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 3 huy hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới.
Ngày 20/3/1967, trung đội Mỹ gồm 30 tên sục sạo vào khu vực Lãnh An, đóng chân ngủ đêm ở chân đồi. Dưới sự chỉ huy của đồng chí chính trị viên Nguyễn Dinh, Xã đội phó Lê Thị Phòng, các đội du kích chia thành 3 mũi áp sát địch. Lúc 1 giờ ngày 21/3, cả 3 đội du kích đồng loạt ném lựu đạn, tập kích tiêu diệt gọn trung đội Mỹ, thu 2 súng.
Ngày 10/4/1967, có trung đội Mỹ lên đứng khu vực Hòn Chài bị Lê Y cùng đồng đội bắn diệt 2 tên. Ngày 29/3/1968, đại đội Mỹ lên khu vực Dốc Mỡn, Lê Y men theo bờ suối tiêu diệt 2 tên. Khi địch nã đạn, Lê Y khôn khéo men theo suối rút về xóm. Liên tiếp từ năm 1967 đến 1969, Lê Y tiêu diệt nhiều tên địch nhờ tự chế tạo bom mìn từ vũ khí thu được.
Ông Lê Y hồi tưởng, buổi sáng 9/10/1970, ông cùng cán bộ chủ chốt của xã đang ở trong nhà của bà Lý Thị Dục thì bất ngờ bọn Mỹ ập đến. Không kịp ẩn tránh, Lê Y nhanh trí bắn diệt tên địch ở phía trước nhà, rồi hạ gục tên chặn hậu ở phía sau nhà, bắn gục một số tên để mở đường máu đưa 6 cán bộ thoát khỏi vòng vây của giặc.
Nhiều chiến tích
Năm nay đã 77 tuổi nhưng ông Lê Y vẫn nhớ rõ các trận đánh. Ông kể, bước sang năm 1971, địch liên tục càn quét vào khu vực xã Sơn Lãnh. Ông cùng các đồng chí gài nhiều quả mìn ở các khu vườn diệt 22 lính ngụy sư đoàn 3 khi lùng sục hầm bí mật. Tính chung trong năm 1971, Xã đội trưởng Lê Y cùng đồng đội đã tiêu diệt gần 100 tên địch.
Bước sang năm 1972, ông Lê Y cùng lực lượng vũ trang địa phương góp sức cùng bộ đội chủ lực Quân khu 5 làm nên chiến thắng Cấm Dơi vang dội. Ông Lê Y nói, chiến thắng Cấm Dơi đánh dấu trưởng thành của lực lượng vũ trang địa phương, phong trào cách mạng của nhân dân Quế Sơn bước lên tầm cao mới.
Năm 1973, Lê Y cùng đồng đội đã tiêu diệt hàng chục lính sư đoàn 3. Ông còn vận động nhân dân thu gom lựu đạn của địch để nộp cho du kích và tiếp tế gạo, thực phẩm giúp du kích và lực lượng vũ trang địa phương đánh giặc.
Ngày 21/7/1974, khi bộ đội chủ lực tấn công Hòn Chiên, Lê Y chỉ huy đơn vị du kích Sơn Lãnh đánh vào khu dồn Nhà Tằm diệt 14 tên nghĩa quân; bắt sống tên ấp trưởng và 53 tên nghĩa quân, phòng vệ dân sự; thu 24 súng; xóa bỏ khu dồn, đưa 280 người dân về vùng giải phóng.
Từ năm 1969 đến năm 1975, Lê Y trực tiếp chỉ huy đơn vị du kích chiến đấu; móc nối xây dựng cơ sở; vận động thanh niên về vùng giải phóng để tham gia du kích, đi bộ đội.
Tổng hợp thời gian 1965 - 1975, ông Lê Y tham gia 43 trận đánh phối hợp; độc lập chiến đấu tiêu diệt 356 tên địch; gọi đầu hàng 5 tên; thu 32 súng; đánh hỏng 14 xe tăng, xe bọc thép; bắn rơi 1 máy bay.
Kể lại những chiến tích, anh hùng Lê Y xúc động nhớ về đồng đội đã hy sinh trong những trận đánh. Ông nói: “Chiến tranh khốc liệt đã qua đi. Chỉ mong thế hệ trẻ bây giờ luôn gắng sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.