Ngày càng nhiều tay máy trẻ, không chuyên xuất hiện với một vài tác phẩm có dấu ấn riêng và đạt giải thưởng ở các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Khi toàn cầu hóa và công nghệ phát triển, nghệ thuật nhiếp ảnh đã không còn đóng khung ở phạm vi địa phương hay ở những liên hoan thường niên...
Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam tham dự giỗ tổ nghề nhiếp ảnh tại Huế. Ảnh: L.T.KHANG |
Sân chơi rộng mở
Nhiếp ảnh hiện nay đã trở thành sân chơi rộng mở cho rất nhiều đối tượng, độ tuổi. Các thiết bị công nghệ hiện đại thậm chí có thể thay cho máy ảnh với rất nhiều ứng dụng chỉnh sửa, dễ dàng tạo nên một bức ảnh “xem được”. Thế nhưng, vẫn trên câu chuyện của thực tế, ngày càng nhiều người chọn cách đưa hiện thực đời sống nguyên vẹn vào trong tác phẩm của mình, từ góc máy, ánh sáng, bố cục, con người. Tất cả như chính những gì cuộc sống diễn ra, và đi vào nhiếp ảnh. Humans of Saigon hay Humans of Hoian (dự án chụp ảnh cộng đồng) đang hoạt động với tinh thần của những nhóm người trẻ đam mê nhiếp ảnh và muốn chuyển tải những câu chuyện nhân văn bằng các phương tiện xã hội. Mỗi khung hình là một bức tranh về đời sống với tinh thần tôn trọng hiện thực.
Cũng như vậy, chọn cách lưu giữ những giá trị di sản văn hóa từ trang phục, phong tục tập quán đến chân dung của người Việt Nam, nhiếp ảnh gia Rehahn - đã khơi dậy những xúc cảm từ phía người xem. Hơn 200 bức ảnh đặc sắc nhất trong hành trình khám phá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam; những câu chuyện thú vị cùng những hiện vật, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nhiếp ảnh gia người Pháp này ghi lại và trưng bày tại bảo tàng “Di sản vô giá” của anh. Ở góc độ một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Rehahn đã làm được điều quý giá hơn cả danh vị này, bởi không chỉ lưu giữ bằng hình ảnh, những vốn quý của văn hóa Việt Nam phần nào đã được giữ lại bằng những hiện vật. Chưa kể, những bức ảnh về con người, văn hóa, phong cảnh Việt Nam thông qua góc máy của Rehahn đã theo du khách các nước về với xứ sở họ, bằng những tấm postcard hay khung hình lưu niệm từ bảo tàng này.
Chuyện nhiếp ảnh Quảng Nam
Năm 2018, NSNA Trần Tấn Vịnh đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh Heritage Hành trình di sản và giải của nhà tài trợ Leica. NSNA Mai Thành Chương đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ảnh khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lần thứ 23. Tại cuộc thi marathon ảnh ở liên hoan này, đoàn Quảng Nam đoạt 7 giải/11 giải. Ngoài ra, trong năm, NSNA Dương Phú Tâm được trao Bằng danh dự cuộc thi ảnh quốc tế Photography 2018 Montenegro và có 3 ảnh được chọn trưng bày. Các NSNA Đặng Kế Cường, Đặng Kế Đức, Lê Vấn, Lê Trọng Khang, Mai Thành Chương, Huỳnh Hà... có ảnh được chọn tham dự các cuộc triển lãm trong nước.NS |
Ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh lâu nay đã có nhiều câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh ra đời, tạo thêm không gian để những người mê chụp ảnh có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng sáng tạo. Nếu Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam có 27 hội viên thì tại các địa phương đã có đến gần 10 CLB nhiếp ảnh, từ Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn đến Đại Lộc, Núi Thành..., và cả CLB Nhiếp ảnh Quảng Nam trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các CLB này vẫn là vấn đề đối với nhiều địa phương. “Nhiếp ảnh Điện Bàn hiện có khoảng 15 thành viên, chủ yếu ở độ tuổi 40 - 50. Trước đây chúng tôi sinh hoạt tại trung tâm văn hóa thị xã, hàng năm đều tổ chức được cuộc triển lãm. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, do không huy động được kinh phí cũng như không gian tổ chức nên vẫn chưa có triển lãm ảnh nào” - NSNA Huỳnh Châu, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Điện Bàn chia sẻ. Chỉ có vài CLB có khả năng tổ chức sự kiện nhiếp ảnh từ chuyện sáng tác đến triển lãm, còn lại hầu hết ở cấp này, các thành viên phần lớn hoạt động tự do. NSNA Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam nói, hiện nay trong tỉnh có rất nhiều tay máy trẻ tài năng, tuy nhiên lại không thể khuyến khích, kêu gọi họ cùng tham gia vào các CLB hay chi hội nhiếp ảnh của tỉnh...
Dù còn gặp khó khăn trong khâu tập hợp, hoạt động, song nhiều năm trở lại đây nhiếp ảnh Quảng Nam vẫn liên tục tạo dấu ấn bằng những giải thưởng trong và ngoài nước. Những cái tên như Dương Phú Tâm, Mai Thành Chương, Đặng Kế Cường, Lê Vấn, Huỳnh Hà, Lê Trọng Khang,... đã ghi dấu với giới nhiếp ảnh cả nước. NSNA Đặng Kế Đông chia sẻ, anh em chơi ảnh ở Quảng Nam luôn tìm kiếm các cơ hội để cọ xát và học hỏi từ các sân chơi khu vực, quốc tế. Chính việc tham gia gần như ở mọi cuộc triển lãm, liên hoan, hội thi... khiến cho Nhiếp ảnh Quảng Nam phát triển mạnh và được đánh giá là một trong các tỉnh thành có phong trào nhiếp ảnh sôi động của cả nước. “Vừa rồi Chi hội Nhiếp ảnh nhận được Bằng khen của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho những thành tích hoạt động trong năm 2018. Ngoài việc tạo điều kiện để hội viên tham dự hầu như các cuộc thi trong và ngoài nước, những chuyến đi thực tế sáng tác từ Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum... đến các địa phương vùng cao trong tỉnh vẫn được anh em hưởng ứng nhiệt tình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với các hoạt động chuyên môn khác như hưởng ứng tham gia cuộc thi về cây sâm Việt Nam, tham gia triển lãm ảnh làng nghề gốm Thanh Hà - Hội An, phối hợp với TP.Hội An tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật Sắc màu quê hương...” - NSNA Đặng Kế Đông nói.
LÊ QUÂN