Mẹ không để ý tôi đã đứng phía sau, bà uể oải xé một tờ lịch, lại lật giở cuốn lịch đến cuối tháng mười hai, chắc để xem tháng này bao nhiêu ngày. Ba mươi mốt ngày, mẹ mở chiếc ví cũ mèm đã tróc da ra đếm số tiền trong đó, lẩm bẩm “chắc phải mùng bốn mới có lương”.
Bà lại thở dài, tiếng thở nghe thườn thượt, não nề cả một ngày mùa đông. Trong nhà, thứ gì cũng gần hết, gạo, dầu, nước mắm, đến cả hộp sữa bột cho con bé Rơm cũng đã trông thấy đáy.
Năm giờ chiều, ba sắp trở về. Tôi đi vo gạo, đặt một nồi cơm, nhìn trong chiếc chảo đặt trên bếp, chỉ còn ít thịt rang mặn, không dám hỏi xem tối nay ăn gì. Mẹ dúi vào tay tôi tờ hai chục ngàn: “Con chạy ra nhà bà Sáu, mua vài bìa đậu hũ về chiên. À thôi, con trông em để mẹ đi cho”. Tôi biết, mẹ muốn đi vì cả khu chợ chồm hổm này không ai dám bán mắc cho bà.
Ba về, cười toét miệng: “Chà, nhà có món gì chiên mà thơm thế?”. Ông vui vẻ đá chiếc giày vải vừa tháo ra vào góc nhà, đi đôi tất bị nhuốm màu bùn đỏ oạch, vô tình in trên nền gạch những dấu chân. Ba nhéo má tôi một cái, lại bước vào phòng dòm con bé Rơm đang ngủ say rồi đi thẳng vào nhà tắm.
Ba làm việc ở nhà máy khai thác bô-xít. Ông luôn trở về nhà với chiếc ống quần kaki quăn tít lại, cuốn vào đó thứ màu bùn đỏ nặng nề. Mẹ chẳng bao giờ phàn nàn về những dấu chân. Bà chỉ lặng lẽ đi giặt giẻ lau, ủi một đường dọc theo vết chân ba đã đi, làm sạch nền nhà vốn được lau lúc chiều.
Mâm bát đã dọn sẵn trước khi ba bước ra từ nhà tắm. Thịt rang mặn, đậu hũ chiên, bầu luộc chấm chao. Ba sà xuống mâm: “Ơ kìa em, bầu phải chấm nước mắm chứ?”. Mẹ cười, một nụ cười có phần mệt mỏi nhưng ba không nhận ra: “Ờ ha, em quên mua”.
Ba ngồi ăn tì tì hai chén cơm rồi đứng lên, ra phòng khách bật tivi xem thời sự. Mẹ đút cháo cho con bé Rơm, lau chùi mặt mũi, thay áo quần cho nó. Đợi tôi ăn xong giữ con bé rồi mẹ mới bắt đầu bữa cơm của mình, ăn nốt những thức ăn còn lại trong đĩa.
Mẹ dọn dẹp chén bát, đi pha sữa cho em Rơm, dỗ nó ngủ xong lại rón rén trở dậy bắt đầu công việc kiếm tiền. Bà nhận hàng gia công cho xưởng may, cắt chỉ thừa hoặc dập nút áo. Trời càng về khuya càng lạnh, sự yên tĩnh bao trùm cả thị trấn nhỏ. Ba và con bé Rơm đã vùi trong chăn ấm ngủ rất say, tiếng ngáy khò khò đều đặn.
Ba vốn chỉ ngáy khi mệt, vậy là ba cũng có một ngày thật dài. Mẹ cố tình kéo chiếc máy dập nút rất khẽ khàng, nhưng tiếng lạch cạch vẫn khiến tôi nao lòng. Tôi học bài đã xong, nhưng vẫn muốn nấn ná ngồi nhìn mẹ. Cảm giác làm như vậy sẽ khiến bà bớt cô đơn trong một đêm lạnh giá.
Tôi đến bên mẹ, nũng nịu ôm vai, hít vào mái tóc dài thơm mùi bồ kết. Mẹ dừng tay, quay lại, dịu dàng hỏi: “Cún học bài xong rồi à? Ngủ đi con”. Tôi liếc chiếc guitar treo trên tường, cây đàn dường như đã bám bụi vì lâu lắm rồi mẹ không đụng đến. Tự dưng, tôi muốn mẹ đàn một bài.
Mẹ khẽ quấn chiếc khăn len lên cổ tôi, nắm tay tôi dắt ra ngoài hiên nhà ngồi. Bà so lại sáu dây đàn rồi đàn dạo một điệu fox rất quen: “Con chim ở đậu cành tre/ Con cá ở trọ trong khi nước nguồn…”.
Đêm mười lăm, trăng đã lên cao, nằm lọt thỏm giữa bầu trời. Gió cũng lặng để cho thứ ánh sáng dìu dịu rớt xuống hiên nhà. Trong ánh trăng, khóm hoa hồng Spirit of Freedom mẹ trồng cũng tỏa hương thơm ngát.
Giọng hát mẹ lúc xa vắng khi dặt dìu. Tôi tưởng tượng bà đang sống một cuộc đời khác. Gương mặt mẹ giãn ra, mái tóc bồng bềnh. Trông mẹ vẫn như một cô gái trẻ đầy tự do đang vui đùa và nâng lên hạ xuống những thứ hạnh phúc được bày biện trước mặt.
Một lần, tôi tình cờ được nhìn thấy những thứ mẹ để trong chiếc rương to cất dưới gầm giường. Trong đó có đầy sách văn học và xấp giấy được đánh số từng trang, chỉn chu đúng như tính cách mẹ tôi. Thấy tôi thắc mắc, mẹ cười đáp có phần ngượng ngùng, đó là bản thảo cũ, một tiểu thuyết mẹ viết dở.
Hồi trẻ mẹ cũng mơ mộng trở thành nhà văn. Nhưng lâu lắm rồi, mẹ không viết nữa. Có lẽ, với mẹ bây giờ, những trang giấy ấy là điều viển vông. Chỉ có vết sẹo dài do hai lần sinh mổ, đứa con nhỏ đeo bám bên sườn, một chiếc ví thường xuyên trống không… mới là thứ sờ thấy, hiện hữu trong cuộc đời bà.
Mẹ tôi cũng từng làm việc trong nhà xuất bản cho đến khi bố rủ về thị trấn lập nghiệp. Ở mảnh đất buồn tẻ này, mẹ không kiếm được việc gì giống như một biên tập viên. Bố xin được một công việc đúng chuyên ngành, được vào biên chế, lương ổn định quanh năm.
Chỉ có điều, giá cả chạy nhảy từng ngày, bỏ xa mức lương của một nhân viên kỹ thuật bình thường. Mẹ âm thầm giấu chút tự ái cố hữu của người có học để làm đủ thứ việc kiếm sống. Tôi nghĩ rằng, mẹ đã cất tập bản thảo ấy vào tận đáy rương và cả tận sâu trong tâm trí của mình.
Tôi vẫn nhớ lần cậu tôi - một tiến sĩ tu nghiệp ở nước Anh trở về. Vừa xuống sân bay, cậu đã vội vã vượt đường xa lên phố núi thăm gia đình tôi trước khi về nhà. Cậu ôm một thùng to còn nguyên đai nguyên kiện, bảo rằng đó là quà của mẹ.
Tôi hồi hộp khi nhìn mẹ mở món quà, cuối cùng hơi thất vọng vì trong đó chỉ có một cái cây đầy gai, trơ trụi lá. Rễ không bám một chút đất nào. Cậu hồ hởi giới thiệu, đây là cây hoa hồng rễ trần nguyên bản của nước Anh. Tên của nó là Spirit of Freedom - tinh thần của tự do. “Em nghĩ chị lãng mạn thế nhất định phải thích món quà này”.
Nhưng khi nói xong câu ấy, cậu chợt sượng lại, âm thầm liếc nhìn căn nhà đang chất đầy hộp giấy. Hôm ấy mẹ nhận gia công gấp hộp giấy để lấy chút tiền. Cậu không ở lại chơi lâu, dường như trong ánh mắt cậu chứa nỗi xót xa.
Cây hoa hồng cậu tặng được mẹ trồng xuống bên hiên nhà. Sau những ngày chăm chút tưới nước bón phân, những cành cây khẳng khiu đã bắt đầu nảy ra lá non đỏ tía. Rồi dần dà, đóa hoa đầu tiên bung nở, một bông hoa màu hồng phấn dịu dàng. Bụi hoa lớn nhanh, mẹ phải làm một cái giàn cho nó leo lên, rợp mát một góc hiên nhà.
Hôm tôi tròn mười sáu tuổi, mẹ dành cả ngày để chìu theo những mong muốn rất thiếu nữ của tôi. Hai mẹ con ngồi dưới hiên nhà, ngắm mấy bông hoa đang lay động trong gió. “Mẹ ơi, lớn lên con sẽ không lấy chồng”. Mẹ tôi mỉm cười, ngạc nhiên vì câu nói bất giác của tôi: “Tại sao?”, mẹ hỏi. “Con không muốn suốt ngày phải lo cho người khác như mẹ. Đến ước mơ của mình cũng không thực hiện được, thật là mất tự do”. Mẹ tôi sững người rồi đột nhiên rơi nước mắt. Dường như, bà bất lực vì đã không thể che giấu những cực nhọc chạy dài theo tháng năm. “Không phải như vậy đâu, con gái ạ”, mẹ bối rối, cố giải thích cho tôi, nhưng bà không nói được gì thêm ngoài việc lặp đi lặp lại câu nói ấy.
Đêm, khi mọi thứ lắng đọng, bà ôm tôi vào lòng: “Con ạ, mẹ không nghĩ mẹ phải hy sinh, khổ cực vì ba hay các con. Dù mẹ có giàu có, thảnh thơi, có thể làm mọi việc mình thích, đi mọi nơi mình muốn thì tâm trí mẹ sẽ vẫn luôn bị hút về phía các con. Đó không phải là mất tự do, mà là một điểm neo đậu rất hạnh phúc trong cuộc đời mẹ. Nếu con không kết hôn, con cũng vẫn sẽ bị hút về một điều gì đó, như công việc, đam mê hay một quan niệm sống. Người ta luôn cần thứ gì để giữ mình khỏi lênh đênh. Như bông hoa hồng nhà mình, tên của nó là tinh thần của tự do thì vẫn phải neo đậu, cắm rễ vào mặt đất mà”. Tôi im lặng nghe mẹ giải thích, không đáp lại, nhưng ôm chặt lấy bà để thể hiện sự đồng tình.
Hôm ấy, mẹ xé tờ lịch cuối cùng rồi cứ đứng trầm ngâm ngắm mãi cái cùi lịch lơ lửng gắn vào cây đinh, chắc là đang suy ngẫm điều gì. Cuối năm, mẹ không ngồi gấp túi giấy hay cắt chỉ thừa như mọi khi.
Bà khẽ khàng lôi xấp bản thảo từ trong đáy rương ra, ngắm nghía sờ nắn tựa hồ đang nâng niu một kỷ niệm xưa cũ. Mẹ bảo thực ra, hồi trẻ mẹ viết vì muốn theo đuổi ước mơ. Bây giờ, mẹ sẽ viết vì muốn neo đậu lại thời gian. Để tháng năm không trôi tuột theo nỗi lo cơm áo đời thường.
Khoảnh khắc lật giở từng trang giấy cũ, mẹ không để ý mình đang mỉm cười và đôi mắt như ánh lên niềm vui rực rỡ. Tôi nhận ra, bông hoa có tên “tinh thần của tự do” bây giờ mới thực sự bung nở trong lòng mẹ, vào một ngày mưa dài phủ khắp núi đồi.