Mấy năm qua đã có nhiều đại gia vào tù ra tội.
Mới nhất là Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC phải xộ khám để hầu tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Trước đó, “làng mõ” trên mạng xã hội bớt đi kẻ cuồn cuộn khua chiêng Nguyễn Phương Hằng, khi bà tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam này bị truy tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Cách đây không lâu, nhập hàng ngũ các chủ doanh nghiệp vô tù còn có một người quê Quảng Nam, là Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, gây nên cuộc chấn động nhân tâm trong thời điểm đại dịch Covid bùng phát mạnh…
Tội trạng các chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật hẳn sẽ được điều tra làm rõ và tòa kêu án. Nhưng tòa án lương tâm dường như phán xử xong khi hình ảnh của họ làm hoen ố văn hóa doanh nhân và tinh thần kinh thương mà ông cha ta đã tạo dựng bao đời.
Những bài học lịch sử từ lớp doanh nhân tiền bối là không thiếu.
Hãy bắt đầu từ cụ Tiểu La - Nguyễn Thành (1863 - 1911), một chí sĩ giàu lòng yêu nước thương nòi, đã khởi xướng Duy Tân Hội ở Quảng Nam. Không chỉ từng đánh giặc, cụ Tiểu La còn góp sức canh tân khi làm doanh thương để cung cấp kinh tài cho hoạt động vì đại nghĩa.
Tiểu La đã cùng các đồng chí vận động tổ chức hội học, hội nông, hội công, hội thương... để chu cấp tài chính cho Phong trào Đông du. Riêng hội thương đã có tới 72 chi nhánh khắp các tỉnh thành, và ông cũng thành lập Quảng Nam hợp xã ở Đà Nẵng, tự góp cả cổ phần kinh doanh để lấy tiền gởi cho cụ Phan Bội Châu lo liệu việc lớn.
Ở tầm vóc giàu có, nhiều doanh nhân bây giờ chưa thể so với Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932), một ông “vua tàu thủy”. Sinh thời, ông được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi).
Giàu có vậy nhưng Bạch Thái Bưởi không bao giờ đánh mất lương tri, lương tâm và tinh thần vì quốc gia, dân tộc. Khát vọng làm giàu của ông thể hiện một tinh thần tự tôn dân tộc, đặc biệt là khi ông mua lại các con tàu của đối thủ nước ngoài, rồi đặt những cái tên đầy ý nghĩa như Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi…
Ông cũng lên tiếng bênh vực cho quyền lợi dân chúng Việt Nam trong một Hội nghị kinh tế lý tài do thực dân Pháp tổ chức. Dù bị René Robin, Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó đe dọa: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”; ông không sợ mà còn đáp trả: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”.
Kinh doanh dĩ nhiên là muốn làm giàu, nhưng không phải tìm kiếm đồng tiền bằng mọi giá, không làm ăn bất chính, chà đạp lên đạo đức làm người. Đó là tấm gương sáng của Bạch Thái Bưởi, và bài học ông để lại có ý nghĩa cho muôn đời sau là luôn giữ tín đức trong thương phẩm, thương hội, thương học.
Là doanh nhân phải tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, giao thiệp khéo, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa. Vậy mà giờ đây một số doanh nhân đương đại thì tìm cách phá hại đất nước để làm giàu, suy đồi văn hóa và đạo đức.
Lấy tấm gương của chí sĩ Nguyễn Thành hay “anh hùng kinh tế” Bạch Thái Bưởi để soi rọi, chúng ta sẽ thấy nhiều khiếm khuyết ở không ít doanh nhân hậu thế ngày nay. Cũng có thể đều xuất thân từ nghèo khó đi lên, học nghề kinh doanh, rồi trở nên giàu có, nhưng người thành đạt đời xưa biết tự răn mình, giữ mình, mình vì mọi người, vì quốc gia, dân tộc.
Chỉ khi nào tinh thần kinh thương và văn hóa doanh nhân lấy mục tiêu hài hòa ích nước lợi nhà làm trọng, mới mong có được đội ngũ doanh nhân dẫn đường cho quốc gia phồn vinh về kinh tế, an sinh về xã hội.