Hôm nay (1.3), Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT được Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 31.12.2015 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Theo đó, trong khu vực đông dân cư, các phương tiện được phép chạy tối đa 60km/h trên đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Đối với đường 2 chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các phương tiện được phép chạy tối đa 50km/h. Nếu so với thời điểm chưa có hiệu lực, các phương tiện cơ giới đường bộ sẽ lưu hành tốc độ tối đa cao hơn 10km/h trong khu vực đông dân cư. Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT cũng quy định, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới chạy trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư được chia theo hai loại đường. Đường không có dải phân cách giữa (đường 2 chiều), đường một chiều có 1 làn xe giữ nguyên tốc độ tối đa như hiện nay; đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có 2 làn xe trở lên được tăng tốc độ tối đa 10km/giờ. Nêu chính kiến về quy định mới này, một số doanh nghiệp cho rằng việc điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép là cần thiết. Chuyện tăng tốc độ chỉ áp dụng đối với loại đường phù hợp. Hơn nữa, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông, kỹ năng lái xe, kỹ thuật an toàn phương tiện… “Đặc biệt, nó có lợi cho doanh nghiệp khi chi phí về nhiên liệu sẽ giảm, góp phần tăng doanh thu” - một lái xe buýt chia sẻ.
Việc áp dụng thông tư kể trên có nhiều mặt tích cực, dĩ nhiên cũng sẽ kéo theo không ít nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. Bởi tinh thần tự giác của một bộ phận người điều khiển phương tiện trong việc tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông còn hạn chế. Ngay cả người đi bộ mỗi lần qua đường, họ sẵn sàng “phi” lên dải phân cách đặt trên quốc lộ 1 vì muốn rút ngắn khoảng cách về nhà, có lúc chỉ để uống cà phê... Ở một số thị trấn, thị tứ qua khu vực đông dân cư có làm đường đôi khang trang và cảm giác thấy an toàn, vậy nhưng người dân vẫn nơm nớp lo sợ. Nhiều phương tiện ô tô thường xuyên chạy với tốc độ cao, vượt hẳn quy định tốc độ mới, nhất là thời điểm sáng sớm. Một tài xế từng chạy xe tải cho doanh nghiệp tại địa bàn huyện trung du có lần tâm sự: “Ông chủ nhận giá cước thấp, do đó cần phải “đôn” thùng xe và khuyến khích tăng tốc độ mới có lời”. Có thể khẳng định, tâm lý đối phó tự lúc nào đã ăn sâu vào tâm thức của chủ phương tiện và cánh tài xế. Chính vì vậy, thông tư trên có phát huy hiệu quả như mong muốn hay không còn phụ thuộc vào vai trò giám sát của ngành chức năng. Đặc biệt, khâu đảm bảo an toàn giao thông phải được tăng cường, bằng việc sử dụng công nghệ hiện đại vào công tác tuần tra, kiểm soát.
SÁU CÒI