1. ...Thằng Ruộng bị lính dân vệ dưới đồn Trường Giảng vây bắt giữa chợ lúc chạng vạng, chỉ vì một lý do đơn giản: nó bỏ chạy khi bị lính gọi lại. Vài viên đạn đã làm nó bị thương. Nhưng nó chưa chết. Nó rúc vào một cái lều tối ẩn núp. Ruộng rên la vì vết thương chảy máu, đau nhức suốt đêm. Dân làng không ai dám ra cứu nó, vì sợ. Đến gần sáng, Ruộng mờ mắt. Khát khan cổ. Nó thấy nó bay lên từ lưng con trâu. Dưới làn khói mơ hồ, nó thấy con Ba Thơm vẫy tay theo, nức nở...
Như một vòm xoáy thăm thẳm hút sâu lên tầng không, Ruộng bị hút đi và tan loãng...
Ba Thơm không lấy chồng là câu chuyện dài về sau. Vì lý do gì chỉ có bà và Ruộng biết. May ra chỉ có những bụi cỏ lau và gốc cây bồ đề bên miếu Mục Đồng biết được ít nhiều. Không ai trong làng biết... Chỉ có một điều ai cũng biết: Sau cái chết của thằng Ruộng, Ba Thơm đi theo gia đình ra thành phố rồi sau đó bỏ thành phố đi biệt tích.
Ba Thơm bây giờ, sau nửa thế kỷ đã trở về làng cũ. Trong những ngày ở lại làng, chiều nào Thơm cũng ra ngồi bên mộ một người chết trẻ tên Ruộng mà bà vừa bỏ tiền ra xây dựng lại. Ngồi như pho tượng trên một chiếc nón cời xin của ai đó cho đến tối mịt. Người đàn bà giàu có và sang trọng ấy luôn nhớ mình là đứa chăn trâu; yêu vô lượng những ngày buồn tuổi nhỏ, yêu không cần đền đáp, yêu không biết lý giải...
Buổi chiều ấy, trời chuyển dông. Gió quay cuồng như tố lốc, một biểu hiện của thay đổi thời tiết, ít thấy của mùa đông. Từ trên vạt mây đen vần vũ trên đầu, Thơm rùng mình nổi gai ốc. Tiếng hát khàn khàn vịt đực của Ruộng từ vạt mây vọng xuống, rõ như đang ở bên cạnh...
Một mối tình thơ dại đã già theo năm tháng. Mối tình mà khi yêu, Thơm đã thấy cái dáng ngồi trên lưng trâu của Ruộng là đẹp nhất thế gian. Thơm đã ngây ngất khi nghe Ruộng hát giọng vịt đực, đã bồi hồi nhiều ngày tháng khi nhớ lại lần đầu tiên bàn tay con trai đụng vào bầu ngực dậy thì của mình trong một đêm tối trời…
Thơm đã mang theo tất cả bên mình ngần ấy năm như một bảo vật...
2. Thằng Ruộng ngồi dựa vào gốc cây bồ đề bên miếu Mục Đồng, đặt cái nón cời xuống đất cho con Ba Thơm ngồi. Ba Thơm ngồi xuống, nhưng lườm thằng Ruộng một cái, rồi nói: “Sao mầy ngu rứa, đưa cái đội trên đầu để đít tao ngồi lên?”. Thằng Ruộng cười hiền, cầm tay Ba Thơm kéo sát vô người mình: “Thì tao thương mầy, nên cái gì của tao, tao cũng dành cho mày hết mà!”. Ba Thơm nghe tới đó, mặt đỏ rần như vừa thổi lửa trong bếp bước ra.
Mặt trời tháng tư đã bắt đầu rúc xuống mấy đám mây phía tây. Mấy bụi lau bên kia gò nở bông trắng xóa. Rứa là năm nay không còn cái lụt nào nữa rồi. Ba Thơm liên tưởng đến lời kể của những người già trong làng. Hễ cỏ lau trổ bông là trời sẽ nắng nóng, hết mưa bão. Khác với năm ngoái, tự dưng cái cây Mai Hạ lâu năm bên đình làng lại trổ bông đến hai lần, hèn chi mưa bão dồn dập… Mấy con trâu của hai đứa giữ chung đang đằm mình dưới cái mạch cạnh miếu Mục Đồng. Thằng Ruộng cầm tay con Thơm, lòng rạo rực. Nó ước gì lớn hơn chút nữa, nó sẽ nói mẹ nó đi hỏi con Thơm về làm vợ. Nó nhớ có lần con Ba Thơm cũng nói một ý giống nó nói hồi nãy: “ Ê Ruộng, sao nhiều người cỡi trâu ở làng mình, mà con Thơm tao chỉ thấy có mầy cỡi trâu là đẹp thôi rứa!”.
Nghĩ tới đó, thằng Ruộng cất tiếng hát nghêu ngao:
Tròng trà tròng trành
Trâu trèo trâu trượt
Thậm thà thậm thụt
Trò trụt trò trìa...
Con Ba Thơm nghe rứa, đứng phắt lên:
“Mầy vừa bể giọng, hát như vịt đực, mà sao tao cũng cứ thích nghe mầy hát đó Ruộng!”.
Ruộng đứng lên, sè sẹ bước ra sau lưng con Ba Thơm rồi ngồi xuống. Ruộng đưa hai cánh tay ra phía trước, ôm chặt cả hai tay và thân hình đứa con gái. Thơm vùng mấy cái không được, rồi ngồi im, đầu và trán nóng ran. Ba Thơm nói lí nhí:
- Mầy lớn hơn tao hai tuổi hả Ruộng?
- Ừ!
- Hèn gì cánh tay mầy to mà cứng ngắt!
Trống ngực thằng Ruộng đập thình thình. Nó không ngờ con Thơm chịu ngồi yên:
- Mầy biết tao thương mầy không Thơm!
- Biết! Tao cũng rứa! Nhưng tao sợ mầy lớn rồi mầy đi lính hay theo du kích, nguy hiểm lắm…
- Đừng sợ! Tao không đi lính đâu. Tao đi giữ trâu với mày thôi…
- Rồi lấy gì ăn!
- Tao đào khoai, bắt cua bắt cá nướng cho mầy ăn như mấy bữa được không?
- Ăn hoài sao được!
Trong lúc thằng Ruộng chưa biết nói gì, thì con Thơm vùng ra khỏi tay bạn trai, đứng phắt dậy:
- Thôi, lùa trâu về, coi chừng tối mấy ông dân vệ đóng cửa rào ấp chiến lược không về được kìa!
Thằng Ruộng nghe nhắc mới sực nhớ. Nó ngó về phía xóm, cái hàng rào ấp chiến lược bằng tre cây ken dày của Quận Thái cắt ngang cánh đồng với xóm nhà như một cái chuồng lớn nhốt cả làng lại. Dọc theo bên ngoài hàng rào là một cái hố rộng hơn thước tây, cắm đầy chông tre nhọn hoắt. Bên trong hàng rào, lối những con đường từ đồng dẫn vô xóm là mấy cái bót gác và cổng, hàng đêm thanh niên lớn hơn Ruộng cỡ 5 - 6 tuổi được chia ra đó đóng cổng lại và gác, cầm theo mỗi người một cái mõ bằng ống tre, một khúc cây và đoạn dây dừa. Nội bất xuất, ngoại bất nhập… Nhưng gác gì thì gác, thỉnh thoảng cũng có vài đoạn hàng rào bị đốt cháy. Nghe nói của mấy người du kích xuất quỷ nhập thần rất bí hiểm… Ruộng còn nghe phong thanh có mấy anh thanh niên ra phố học nghề rồi bí mật bỏ lên rừng theo du kích… Đang nghĩ đến đó, con Ba Thơm đã sà tới kéo:
- Thôi lùa trâu về cho sớm…
Lần này sao Ruộng không nghe nó xưng hô mầy tao nữa kìa! Nó gật đầu, rồi ngó qua con Thơm. Bữa nay con này kẹp tóc bằng cái kẹp bảng sáng trưng nên mái tóc nó gọn gàng và dày hơn mấy bữa. Dưới ánh sáng chiều tà, Ruộng chợt phát hiện thấy hai bầu ngực con Ba Thơm phập phồng trong lớp áo cánh vải phin màu nâu nhạt…
Phía xa kia, bên Gò Giàng, bọn chăn trâu cũng bắt đâu lùa đàn về xóm với những tiếng gọi đàn huê hà huê hưởng vang vọng trong chiều…
3. Năm đình chiến theo hiệp định Genève, mẹ thằng Ruộng cùng gia đình đi tản cư quay về làng. Lúc đó nó mới hai tuổi, ngồi ở một đầu gióng cho mẹ gánh với đầu kia là một mủng sắn, khoai mua về từ mấy làng trên. Suốt cả đoạn đường thiên lý chạy qua làng, đồn bốt của lính mọc dày. Xóm làng tiêu điều, nhà cửa xiêu vẹo vì mấy năm vườn không nhà trống. Cả làng, cả đàn ông đàn bà đều bỏ con ở nhà, lo dọn ruộng cày cấy, lo sửa lại nhà cửa, đào lại mấy cái giếng để lấy lên những nồi hương chưng đèn đã chôn mà lập lại bàn thờ gia tiên.
Ai cũng đầu tắt mặt tối. Đùng một cái, mẹ thằng Ruộng tái phát sốt rét và đi theo ông bà ở tuổi 49. Anh chị Ruộng vì nhà quá nghèo phải gửi nó cho người vợ chồng ông bác không con nuôi giúp. Chưa đầy 10 tuổi, bà bác dâu đã bắt nó theo ra đồng phụ việc. 12 tuổi đã giao cho nó giữ hai con trâu. Bữa nào trâu đi cày, nó còn có nhiệm vụ gánh đôi trạc ra đồng hốt phân. Bữa nào ham chơi, Ruộng thường bị ăn đòn. Có tủi thân cũng phải trốn ra bụi chuối sau hè mà khóc một mình! Chỉ có con Ba Thơm nhà sát bên đám chuối mới phát hiện thấy đôi lần thằng Ruộng khóc.
Bạn gái nó, con Ba Thơm lại khác.Tuy gia cảnh không khá gì, nhưng còn cả cha lẫn mẹ. Buổi sáng nào nó cũng ôm vở đến lớp học trong xóm học đánh vần, làm toán cộng trừ nhân chia. Đến 10 tuổi đã học thuộc hết bảng cửu chương, viết chính tả rất đẹp. Chỉ có buổi chiều nó mới dắt con trâu nghé của cha mẹ nó mới mua ra đồng, lại được cha mẹ nhờ thằng Ruộng dẫn dắt. Ấy vậy mà đã ba năm trôi qua và Ruộng đã bước vào tuổi 15!
Trong ba năm ấy, bữa nào dắt trâu ra miếu Mục Đồng, Ba Thơm đều mang theo xấp giấy vỏ bao xi măng và cây bút chì, bày cho thằng Ruộng học. Từ đánh vần đến tập viết, học cửu chương. Thỉnh thoảng kiếm đâu được cuốn sách hồng viết chuyện cổ tích, hai đứa đọc cho nhau nghe. Và trong ba năm ấy, hai đứa đã thay đổi cách xưng hô hồi nào không hay. Từ mầy, tao như những đứa cùng trang lứa, chúng nói với nhau những câu trống không, thiếu chủ ngữ. Dần dà, có lúc chúng lại gọi nhau Ruộng này, Thơm ơi… ẩn chứa sự trìu mến.
Bữa nọ, Thơm theo mẹ nó đi Hội An thăm bà con về, nó mua mấy cái bánh tiêu mang ra đồng cho thằng Ruộng:
- Ruộng biết cái chi đây không?
- Chưa biết, nhưng thấy có dính mấy hột mè trên bao, chắc bánh hả Thơm?
- Giỏi hè! Ừ, Thơm mua cho Ruộng đây!
Rồi hai đưa mở gói bánh ra ăn chung, nhìn nhau, mắt long lanh.
Đời thằng Ruộng chắc không thể bao giờ quên bữa tối nó dắt con Thơm đi coi hát tuồng “Nước mắt thằng gù” dưới đồn Ngũ Giáp. Nửa tuồng, mìn nổ, người ta chạy tán loạn. Có mấy người bị thương. Ruộng cầm tay con Thơm kéo ra chỗ đất thấp bên kia đường để nấp. Chạy qua cầu đông người có thể đạp với nhau mà chết, nó giải thích cho Thơm, theo kinh nghiệm cha nó từng bày. Bữa nớ con Thơm mặc cái áo bông cổ kiềng. Hai đứa ngã lăn xuống cái hố tối mò. Hình như áo con Thơm bị tụt nút, nên khi thằng Ruộng quơ tay tìm, đã đụng vào chỗ ngực con gái. Nó nghe chỗ ấy thịt mềm, ấm và hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Ruộng hình dung thấy con Thơm lặng thinh cầm tay nó để ra chỗ khác rồi cài lại nút áo. Nhưng bàn tay thằng Ruộng run lên, cả người nó tựa như lửa đốt… Trên đường về nhà đêm nó, hai đưa cầm tay nhau, nhưng không nhìn mặt nhau, không nói với nhau câu nào. Sau này, khi không còn có Ruộng bên cạnh nữa, Thơm cứ hối tiếc mãi cái cảm giác lạ lùng ấy mỗi lần nhớ lại.
4.Ấp chiến lược quanh làng hết bị đốt chỗ này đến đốt chỗ khác. Ngôi làng nhỏ của họ bắt đầu chứng kiến những đêm hỏa châu sáng rực. Những đơn vị lính Bảo An từ huyện lỵ Vĩnh Điện bắt đầu thực hiện những cuộc chuyển quân với súng ống qua làng vào ban ngày và ban đêm bắt đầu có những thanh niên nói tiếng Bắc, mặc quần áo đen đi lại lặng lẽ. Nhiều gia đình được khuyến cáo làm thịt chó để “bảo đảm an ninh”… Mấy anh thanh niên bữa trước còn đi gác ấp chiến lược, nay có vẻ thưa dần. Người lớn thầm thì với nhau là họ được phát súng để tham gia du kích đánh ngoại xâm. Con Thơm thấy thằng Ruộng tối nào cũng đi chơi nên rất lo. Dạo này, ban ngày đi chợ nó cũng hay gặp thằng Ruộng với mấy đứa bạn trai hay lang thang xuống chợ, lúc thì bắn bi, lúc coi đá gà nhưng dáng vẻ không yên. Thơm thắc mắc, Ruộng bảo, chỉ là đi chơi thôi, đừng lo.
Vậy mà đã có ngày Thơm không những đã lo mà còn rơi nước mắt khi thấy xác thằng Ruộng nằm trên vũng máu ở đầu chợ.
Cha mẹ ba Thơm lặng lẽ đưa cả nhà tản cư ra thành phố.
Cả nhà thằng Ruộng đều nằm lại dưới đất làng vì nhiều lý do khác nhau suốt mười năm ngôi làng chìm trong bom đạn.
Một buổi chiều cuối năm, bà Ba Thơm trong dáng vẻ sang trọng nhưng đôi mắt đượm buồn, đứng ở cuối làng, nhìn trân trân ra cây bồ đề cổ thụ còn sót lại chỗ miếu Mục Đồng ngày xưa. Người ta thấy, bà cúi xuống, lấy một nắm đất dưới bờ ruộng vào túi ny lông, rồi vội vã lên chiếc taxi đang chờ sẵn, rời làng!
Hôm ấy, đám cỏ lau ven đường trổ bông trắng xóa.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG