Khác với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, là các địa phương phát triển kinh tế theo mô hình tập trung - đa cực; cũng không giống với các tỉnh, thành khác về bề dày phát triển công nghiệp, Quảng Nam đã có những bước đi riêng trong phát triển công nghiệp và đã đạt được những thành tựu ấn tượng.
Phá thế thuần nông
Quảng Nam không phát triển công nghiệp rầm rộ như các tỉnh, thành khác mà phát triển theo kiểu của mình. Đó là việc huy động các nguồn lực vật chất và cả phi vật chất, với những cơ chế quản lý và hệ thống chính sách đột phá. Khai thác nguồn lực quan trọng nhất cũng là thế mạnh không bao giờ có thể khai thác hết, đó là nguồn lực con người. Rồi mục tiêu cuối cùng cũng phục vụ cho con người là giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững.
Cảng Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Nghị quyết về phát triển công nghiệp của tỉnh với định hướng đến năm 2020 Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp không gây sự chú ý đặc biệt nào cho các nhà nghiên cứu kinh tế. Bởi, Quảng Nam vốn là tỉnh thuần nông, dân số khu vực nông thôn lúc mới tái lập tỉnh (năm 1997) chiếm hơn 80% thì khó có phép màu nào có thể đưa Quảng Nam sớm trở thành tỉnh công nghiệp. Vì lẽ đó, người ta rất “thông cảm” cho sự phấn đấu của tỉnh và xem đó như là một khát vọng để hướng tới tương lai mà thôi. Vậy mà chỉ sau 16 năm chia tách, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 16 lần, thu ngân sách tăng 30 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Các khu công nghiệp (KCN) đóng góp trên 50% ngân sách tỉnh, từ chỗ ngân sách trung ương cân đối 90% đến nay chỉ còn dưới 50%. Quảng Nam đĩnh đạc bước vào top 15 tỉnh, thành có nguồn thu ngân sách cao.
Để kiên trì “mở” đến cùng và trang bị cho KKTM Chu Lai “tấm áo” cơ chế vừa vặn với cơ thể đang ngày càng phát triển, cần phải có những giải pháp thiết thực. Giải pháp quan trọng nhất là không nên chỉ dựa vào một ngành chủ lực để lấy đó làm trung tâm - như việc lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm trung tâm hiện nay, mà phải chọn một số ngành chủ lực để kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. |
Có được kết quả này trước tiên phải kể đến những thành công vượt bậc của Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai và KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Đồng hành với các KCN này, các cụm công nghiệp (CCN) cũng được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đã có 48 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết, thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy là 51,57%. Cả tỉnh thu hút được 193 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN với tổng vốn đăng ký là 6.313 tỷ đồng; trong đó có 162 dự án đã thực hiện đầu tư với tổng vốn đầu tư 3.917 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 16.150 lao động. Chưa biết rồi Quảng Nam có thể sớm trở thành tỉnh công nghiệp hay không, nhưng kỳ vọng thoát nghèo đã đến sớm hơn nhiều so với dự tính. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 10 lần so với ngày đầu tái lập tỉnh. Giải quyết được hàng trăm ngàn việc làm. Đặc biệt, đã phá được thế thuần nông để phát triển kinh tế đa dạng theo mô hình công nghiệp - dịch vụ - du lịch.
“Giấc mơ Thâm Quyến”
Khi bắt đầu triển khai xây dựng KKTM Chu Lai, có lẽ chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã mơ về một tương lai với cái nhìn lạc quan về một KKTM như Trung ương chủ trương là “theo mô hình phù hợp với luật chơi quốc tế”, tương tự Đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc. Tuy nhiên, mô hình KKTM Chu Lai đúng như tên gọi của nó đã không được áp dụng trên thực tế do nhiều nguyên nhân, và cũng chỉ dừng lại với những cơ chế chính sách như nhiều KCN khác trên cả nước. Quảng Nam lại phải gồng mình để nuôi dưỡng khu kinh tế theo kiểu con nhà nghèo vượt khó. Rốt cuộc KKTM Chu Lai cũng đạt được những thành công nhất định, nhưng xem ra chưa đáng là bao so với kỳ vọng.
Hàng tỷ USD đầu tư vào KKTM Chu Lai và KCN Điện Nam - Điện Ngọc Thành lập từ năm 2003, đến nay trên địa bàn KKTM Chu Lai có 100 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD/9.500ha. Trong đó 62 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện đầu tư hơn 783 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn đã đầu tư, hoạt động hiệu quả như tổ hợp KCN cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải, Nhà máy kính nổi Chu Lai, Nhà máy sản xuất soda Chu Lai... Mới đây, dự án xây dựng KCN và cảng quốc tế Doctor Thanh khởi công vào tháng 8.2013. Dự án này có quy mô 709ha với tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD. Năm 2013 có thêm một số dự án lớn mang tầm quốc gia đang được xúc tiến đầu tư như dự án Xử lý chất thải, nước thải môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành với tổng vốn 25 triệu USD từ nguồn vốn ODA Đức; khu liên hợp công nghiệp; khu đô thị dịch vụ Việt Hàn - Chu Lai... KKTM Chu Lai đã đóng góp 58% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 50 nghìn lao động. |
Để kiên trì “mở” đến cùng và trang bị cho KKTM Chu Lai “tấm áo” cơ chế vừa vặn với cơ thể đang ngày càng phát triển, cần phải có những giải pháp thiết thực. Giải pháp quan trọng nhất là không nên chỉ dựa vào một ngành chủ lực để lấy đó làm trung tâm - như việc lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm trung tâm hiện nay, mà phải chọn một số ngành chủ lực để kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Tránh trường hợp như việc sụt giảm thê thảm thị trường ô tô hiện nay làm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách và các hệ lụy khác. Vấn đề liên kết vùng đã được đặt ra nhưng cũng chưa có địa phương nào sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt cho địa phương khác vì đại cục. Nhiều hội nghị, hội thảo về liên kết kinh tế vùng duyên hải miền Trung cũng chỉ mới dừng lại ở việc xác định tiềm năng và thế mạnh mà không thể giải quyết được những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng. Quảng Nam với lợi thế KKTM duy nhất của cả nước, phải đi đầu trong thực hiện liên kết vùng. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải chủ trì, phân công cụ thể tùy theo lợi thế so sánh của từng địa phương mà cho phép phát triển sản phẩm chiến lược. Tránh trường hợp địa phương nào cũng phát triển sản phẩm tương tự như nhau, cạnh tranh ngay trên sân nhà, nhường quyền chủ động cho các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hội nhập.
Một giải pháp tưởng chừng như không ăn nhập gì với việc phát triển KKTM Chu Lai nhưng lại rất cần thiết. Đó là tập trung giải quyết vướng mắc và hỗ trợ thường xuyên cho người dân trong vùng quy hoạch thuộc KKTM, kể cả khi Nhà nước chưa thực hiện thu hồi đất. Vì nằm trong vùng quy hoạch nên người dân không thể thực hiện các quyền lợi ngay trên mảnh đất của mình, thậm chí họ mất luôn cả quyền định đoạt tài sản của mình để cải thiện sinh kế. Như vậy mới được người dân ủng hộ và trở thành một bộ phận quan trọng trong “đặc khu kinh tế” tương lai.
“Giấc mơ Thâm Quyến” vẫn còn nguyên giá trị nếu chính quyền và nhân dân Quảng Nam biết biến ước mơ thành hiện thực. Điều cần làm hiện nay là phải chứng minh được nếu có một cú hích mạnh mẽ, có một cơ chế đặc thù thì Chu Lai sẽ phát triển vượt bậc. Việc chứng minh này không khó, nhất là với kết quả ấn tượng qua 10 năm phát triển. Vấn đề là làm sao để KKTM Chu Lai tạo ra được giá trị gia tăng lớn và nhanh hơn hẳn các khu kinh tế khác. Hoặc có vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế dài hạn cho khu vực và cả nước. Do đó, phải được phân bổ nguồn lực quốc gia nhiều hơn, có cơ chế ưu tiên hơn là đương nhiên.
ĐẶNG PHONG