Tình thương và trách nhiệm - Bài 1: Vượt lên chính mình

DIỄM LỆ - VINH ANH 16/04/2014 09:23

Gương NKT vượt lên số phận, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đã biết tự vươn lên để làm những điều chừng như không tưởng.

Không có con đường cùng

Trong cái nắng tháng Tư đã bắt đầu oi bức, 10 học viên NKT vẫn cặm cụi đục đẽo trên những mảnh gỗ trong khu nhà xưởng của Công ty TNHH 18.4 tại thôn Phú Hải (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc). Điều đặc biệt ở xưởng này là cả 10 học viên khuyết tật đều thuộc dạng thiểu năng trí tuệ, người nhỏ nhất 18 tuổi, lớn tuổi nhất đã gần 40.

Anh Nguyễn Thanh Tùng tự vươn lên từ nghề sửa chữa điện tử. Ảnh: LỆ ANH
Anh Nguyễn Thanh Tùng tự vươn lên từ nghề sửa chữa điện tử. Ảnh: LỆ ANH

Trên đôi tay chưa thành thạo nghề của Nguyễn Thanh An (xã Đại Nghĩa) vẫn còn những vết thương nhẹ cũ lẫn mới vì những nhát bổ đục chưa quen tay. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, An bị thiểu năng trí tuệ nhưng vẫn ý thức rằng mình phải học nghề gì đó để phụ giúp bố mẹ. Lớp mộc mỹ nghệ là cơ hội để những NKT như An có điểm tựa vượt lên hoàn cảnh… Những mảnh gỗ được đục, rồi bị hỏng, lại bào đi, rồi đục lại..., cứ thế đến khi nào mảnh gỗ không thể mỏng hơn thì mới bỏ. An chia sẻ: “Mới đầu làm hơi khó nhưng em rất thích nghề này. Em sẽ cố gắng học thành nghề đi tìm việc làm phụ giúp bố mẹ và nuôi sống mình”. Nhiều học viên trong lớp đào tạo nghề mộc này không biết chữ, thậm chí chẳng nhớ mình tên gì, bao nhiêu tuổi, quê ở đâu nhưng ẩn sâu trong họ là ý thức cố gắng vươn lên. Ông Nguyễn Thanh Liễu (thị trấn Ái Nghĩa) - học viên lớn tuổi nhất khoe với chúng tôi sản phẩm đầu tiên của mình trong sự vui mừng. Còn chị Huỳnh Tuấn Kim (xã Đại Hiệp) không biết viết nhưng có thể tô được hình cho mình và các học viên khác chạm khắc.

Câu chuyện của Huỳnh Anh (SN 1990, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn) khiến người nghe vừa thương vừa cảm phục. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, bản thân Huỳnh Anh bị khuyết tật tứ chi lẫn trí tuệ từ nhỏ khiến việc đi lại và sinh hoạt hết sức khó khăn. Trước đây, sau khi tốt nghiệp THCS, tưởng chừng Huỳnh Anh phải nghỉ học giữa chừng vì trường cấp 3 không nhận. Nhưng Huỳnh Anh về nhà khóc mãi, xin bố mẹ cho đi học. Thương con, bố mẹ Huỳnh Anh đã phải cầu cứu đến Sở GD-ĐT rồi Bộ GD-ĐT, Huỳnh Anh mới được đi học. Bây giờ, Huỳnh Anh đang học lớp 10 tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, được thầy cô và bạn bè luôn quan tâm giúp đỡ. Nhìn cái cảnh hằng ngày Huỳnh Anh được bố bế lên xe máy chở đến trường mới thấy hết sự vất vả, khổ cực của cậu học trò khuyết tật mong tìm con chữ. Học kỳ 1 của năm học lớp 10, Huỳnh Anh là học sinh khá, được cô giáo chủ nhiệm, bạn bè rất thương và giúp đỡ hết mình.

Tự khẳng định

Chị Lê Thị Hạnh (xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn), một trong những tấm gương NKT tự khẳng định mình bằng nghị lực vượt khó. Trước đây, chị Hạnh rất ít khi ra ngoài tiếp xúc với xã hội vì mặc cảm với đôi chân bị teo cơ sau một trận sốt lúc nhỏ. Nhưng bây giờ chị Hạnh đã sống hòa đồng, vui vẻ, tự tin về bản thân mình. Nỗ lực, vượt khó trong cuộc sống, chị Hạnh hiện là chủ cơ sở làm mắm Tuyết Hạnh nổi tiếng ở địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, trong đó có lao động là NKT với thu nhập 100 - 150 nghìn đồng/ngày. Bản thân chị trước kia đã tự mày mò, học hỏi và làm đủ nghề như thêu, chằm nón, đan áo len… Với nghị lực của bản thân, chị quyết tâm điều trị và nỗ lực tập luyện, nhờ đó nay đã có thể đi lại bằng nạng gỗ.

Cũng với nghị lực như chị Hạnh, anh Nguyễn Thanh Tùng (khuyết tật cột sống, thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành) không bao giờ tự coi mình là người thừa trong gia đình. Anh đã nỗ lực học đến hết lớp 9 và theo học nghề điện tử với mong ước mở tiệm sửa chữa điện tử ở địa phương. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện nên mong ước đó của anh bị gián đoạn nhiều năm. Trong thời gian này, anh Tùng luôn chịu khó mày mò, “mổ xẻ” những máy móc hư hỏng trong gia đình trau dồi nghề. Đến năm 2013, được một tổ chức nhân đạo hỗ trợ 10 triệu đồng, anh Tùng vay mượn thêm để mở tiệm sửa điện tử với tổng kinh phí khoảng 30 triệu đồng. “Có một tiệm sửa chữa điện tử cho riêng mình là ước mơ của tôi bấy lâu nay. Giờ đây, tôi chỉ mong được vay vốn đầu tư mua sắm linh kiện thay thế và bán cho khách hàng để có nguồn thu nhập ổn định hơn” - anh Tùng tâm sự.

DIỄM LỆ - VINH ANH
Bài 2: Hướng đi bền vững

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình thương và trách nhiệm - Bài 1: Vượt lên chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO