Tỉnh Thủy - bao gồm cả thôn Thanh Đông thuộc xã Kỳ Anh xưa, nay thuộc xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ - là nơi sớm có phong trào yêu nước, chịu biết bao hy sinh mất mát trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trên phạm vi toàn quốc, hàng trăm thanh niên Tỉnh Thủy lên đường tòng quân nhập ngũ, xung phong vào chiến trường cực Nam Trung Bộ, lên chiến trường Tây Nguyên. Phong trào tòng quân nhập ngũ của các lớp thanh niên, thanh nữ ở làng quê này vô cùng sôi nổi.
Trong 9 năm chống Pháp, làng Tỉnh Thủy nằm trong vùng tự do, là hậu phương, nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho các chiến trường. Rất nhiều người con của đất Tỉnh Thủy đã anh dũng chiến đấu trong các trung đoàn chủ lực khu 5, các tiểu đoàn của Quảng Nam - Đà Nẵng như Tiểu đoàn 108 (sau là Trung đoàn 108), Trung đoàn 803... Mỗi năm đều có hàng chục, hàng trăm người con Tỉnh Thủy đi tham chiến ở vùng tạm chiếm, làm dân công vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường.
Công cuộc kháng chiến kiến quốc đang đà thắng lợi thì Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, dân làng Tỉnh Thủy lại phải chứng kiến một cuộc chia ly lịch sử. Hầu hết cán bộ, đảng viên tập trung vào Quy Nhơn lên tàu Ba Lan tập kết ra miền Bắc. Riêng làng Tỉnh Thủy có 96 người đi tập kết, có những gia đình đi ba, bốn người. Họ đã ra đi trong lạc quan rằng, sau 2 năm sẽ quay về xây dựng lại quê hương. Thế nhưng, điều đó đã không thể xảy ra, bởi đế quốc Mỹ và tay sai lật lọng cố tình phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta.
Cuộc chiến tranh một phía do bọn tay sai của đế quốc Mỹ mới vừa thế chân Pháp lập tức tiến hành. Ngay lúc mới tiếp thu vùng đất này, chính quyền Ngô Đình Diệm liền tấn công quyết liệt vào các tổ chức đảng, khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân, thực hiện triệt để chính sách “tố cộng”, nhằm đánh trốc tất cả các mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng. Trên địa bàn Tỉnh Thủy có nhiều người bị bắt, bị giam, bị giết hại. Trong tình thế cách mạng vô cùng khó khăn, nhưng Đảng quyết trụ vững trong lòng dân. Ở xóm Đình, mẹ Húy đã bảo vệ và che giấu đồng chí Nguyễn Mại, một cán bộ nằm vùng giữ lửa cách mạng. Tuy nhiên trước sự truy bức ráo riết của kẻ địch, một số đồng chí cán bộ bị địch phát hiện giết hại như các ông Nguyễn Bình, Bùi Hòe... Cuộc sống của người dân, của những người kháng chiến cũ bị o ép đến cùng cực.
Sự tàn bạo của kẻ thù đã thúc đẩy nhân dân miền Nam cầm vũ khí đứng lên. Đầu năm 1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 xác định phương pháp cách mạng miền Nam là từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp với đấu tranh vũ trang. Nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của cán bộ kháng chiến và nhân dân miền Nam. Cuối năm 1963, làng Tỉnh Thủy đã tổ chức cho 23 thanh niên bí mật thoát ly lên chiến khu. Cuối năm 1964 làng Tỉnh Thủy được giải phóng. Nhân dân vô cùng phấn khởi thi đua rào làng chiến đấu, chính quyền và các đoàn thể cách mạng hình thành, đội du kích thôn được thành lập; thanh niên nam nữ ào ạt tòng quân giết giặc.
Đứng trước nguy cơ chính quyền Sài Gòn sụp đổ, ngày 8.3.1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng. Rằm tháng Tư năm 1965, lính thủy đánh bộ Mỹ từ hạm đội 7 đã đổ bộ lên càn quét làng Tỉnh Thủy, chỉ sau khi chúng đổ bộ lên Chu Lai có mấy ngày. Tỉnh Thủy trở thành nơi đầu sóng ngọn gió, một chiến trường vô cùng ác liệt.
Suốt hơn 4 năm, từ tháng 9.1964 đến tháng 10.1968, trên một địa hình vô cùng bất lợi, nhưng du kích, cán bộ và nhân dân Tỉnh Thủy, Thanh Đông cùng với du kích xã Kỳ Anh đã chiến đấu cả trăm trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch để giữ vững vùng giải phóng. Tiêu biểu nhất là tại đồi cát Bà Lau, tháng 5.1966 du kích đã dùng bom cải tiến đánh Mỹ đi càn, diệt 31 tên; ngày 6.9.1966 lại dùng bom cải tiến đánh bật một xe bọc thép M113 và diệt 9 tên Mỹ ở đồi cát Ông Bánh...
Cuộc chiến lùi vào quá khứ đã 40 năm, nhưng người dân làng Tỉnh Thủy vẫn còn truyền tụng những câu chuyện đánh giặc quả cảm của Sáu Thạnh, Bốn Đình; những tấm gương hy sinh anh dũng như bà Nhung, bà Tựu; những con người gan dạ như ông Ba Tùng luôn dọc ngang trên các nẻo đường giao liên nguy hiểm; những cuộc thoát hiểm của Đội trưởng đội công tác xã Kỳ Anh Đông - Nguyễn Trường Sơn. Làng Tỉnh Thủy còn nổi tiếng như một nơi cung cấp nguồn cá mắm cho bộ đội ở chiến khu; là nơi cung cấp nhân lực cho cách mạng với hơn 500 thanh niên lên đường tòng quân…
Với tất cả lòng khiêm tốn của người dân quê kiểng, cũng có thể nói rằng nhìn lại các chặng đường đấu tranh, thì đất và người Tỉnh Thủy đã làm nên những kỳ tích lớn lao. Trong cái làng biển đầy nắng gió này luôn ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng của lòng quật khởi. Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cái làng chài nhỏ bé này với vài ba trăm hộ dân mà đã có 383 liệt sĩ, 52 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối, trong 40 năm qua nhân dân Tỉnh Thủy đã phát huy truyền thống anh hùng, liên tục phấn đấu tái thiết, dựng xây quê hương. Sự đổi thay trên quê hương Tỉnh Thủy bắt đầu từ phát triển ngư nghiệp, đó là cái nghề gắn bó bao thế hệ của làng chài. Phương tiện đánh bắt và ngư trường được mở rộng, phát triển; nuôi trồng thủy sản được chú trọng với diện tích 20ha; các ngành nghề dịch vụ, buôn bán, chế biến hải sản phát triển và hoạt động ổn định. Phương thức, nếp nghĩ về làm ăn trong thế hệ trẻ đã thay đổi theo hướng tích cực, hiện đại và hiệu quả. Đời sống nhân dân từng bước phát triển. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, nhựa hóa; nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ; việc học hành được chăm lo...
Những người con quê hương ra đi kháng chiến, bây giờ về Tỉnh Thủy, đứng trên ngọn đồi Bà Lau - nơi đã ghi dấu biết bao sự tích oai hùng thời lửa đạn nghĩ và tưởng đến những tháng năm bi tráng, lam lũ chảy dài qua lớp lớp đời người, qua lớp lớp sinh linh hẳn sẽ xúc động khi tận mắt nhìn thấy và chiêm nghiệm về những đổi thay trên những bãi cát đã từng lóa mắt vì nắng, rát mặt vì gió, đã từng đau xé bởi những hàng rào dây thép gai “đâm nát trời chiều”. Những đổi thay tuy chỉ là bước đầu nhưng đã hàm chứa biết bao hy vọng. Cái bóng của đói nghèo, lạc hậu, đau khổ đã lùi dần, mờ dần trên cái làng chài Tỉnh Thủy anh hùng năm xưa qua 40 năm hòa bình dựng xây.
PHẠM THÔNG