Tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và thấp còi ở trẻ em: Đề xuất các giải pháp can thiệp

HOÀNG LIÊN 29/12/2016 12:59

Học sinh tiểu học miền núi có tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt (TMTS) và thấp còi ở mức cao, đó là kết luận của ThS. Huỳnh Văn Sơn (Trường CĐ Y tế Quảng Nam), trong quá trình thực hiện nghiên cứu “Thực trạng thiếu máu thiếu sắt và thấp còi ở học sinh tiểu học tỉnh Quảng Nam”, do Sở KH&CN chủ trì.

Báo động học sinh miền núi về tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và thấp còi ở trẻ. Ảnh: H.L
Báo động học sinh miền núi về tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và thấp còi ở trẻ. Ảnh: H.L

Nguy cơ cao ở trẻ miền núi

Theo y học, thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố hemoglobin (Hb) hay khối lượng hồng cầu dưới giới hạn bình thường so với người cùng lứa tuổi và có nhiều nguyên nhân. Đối với trẻ em, tình trạng TMTS là loại thiếu máu dinh dưỡng phổ biến, xảy ra cùng lúc cả tình trạng thiếu máu lẫn thiếu sắt. Trẻ thiếu máu vì không tổng hợp đủ hemoglobin do thiếu sắt. Trẻ thiếu sắt là do thiếu hụt lượng sắt dự trữ trong cơ thể, có thể biển hiện thiếu hoặc chưa biểu hiện thiếu máu. Nguyên nhân của tình trạng này chính là thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng, và lứa tuổi học đường, đặc biệt trẻ nhỏ có tần suất TMTS cao nhất.

Để nghiên cứu thực trạng TMTS và thấp còi ở trẻ miền núi trên cơ sở so sánh đối với các vùng đồng bằng và đô thị, ThS. Huỳnh Văn Sơn và cộng sự đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát trên 4.300 học sinh ở các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5. Trẻ thuộc đối tượng nghiên cứu có tuổi thấp nhất là 72 tháng và cao nhất là 155 tháng. Trong nhóm trẻ này, tỷ lệ nam là 51,8%, nữ là 48,2%, học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 11%, cha mẹ làm nông chiếm 44,7%, kinh tế hộ nghèo và cận nghèo chiếm 29%... Việc khảo sát còn dựa trên nhiều tiêu chí khác như thành phần độ tuổi, giới tính, dân tộc, vùng miền, nghề nghiệp của cha mẹ, trình độ học vấn cha mẹ, kinh tế hộ, số con trong gia đình, chiều cao của cha mẹ…
ThS. Huỳnh Văn Sơn chỉ ra, nhóm trẻ em thuộc dân tộc Kinh có tỷ lệ TMTS thấp hơn (12,9%), trong khi tỷ lệ này ở nhóm trẻ em người thiểu số là 27,5%. Học sinh vùng núi TMTS chiếm tỷ lệ cao (19,9%), trong khi đồng bằng là 14,2%, trung du là 10,3%, thành phố là 10,7%... Ở từng khối lớp, học sinh vùng thành phố có chiều cao trung bình cao hơn các vùng khác, tiếp theo là học sinh tiểu học vùng đồng bằng, trung du; miền núi, học sinh tiểu học có chiều cao trung bình thấp nhất. Dựa trên khối lớp, học sinh khối lớp 1 tới lớp 3 có tỷ lệ  TMTS cao (16%), còn khối lớp 4, 5 chỉ 11,7%. Học sinh có mẹ học vấn thấp lớp 9 trở xuống có tỷ lệ TMTS 14,2%, trong khi học sinh có mẹ có học vấn lớp 10 trở lên chỉ là 7,9%. Học sinh thuộc con hộ nghèo thiếu máu chiếm 23,3%, hộ cận nghèo là 15,3%, hộ kinh tế ổn định trở lên 12,5%... Một khảo sát quan trọng khác là nhóm học sinh ăn đa dạng thực phẩm thường xuyên có tỷ lệ thiếu máu là 11%, còn nhóm không đa dạng thực phẩm hằng ngày là 16%. Ngoài ra, một vài yếu tố khác cũng đáng lưu tâm khi nhóm học sinh đi chân đất thường xuyên, trẻ không xổ giun định kỳ, trẻ em không ngủ trưa thường xuyên, tỷ lệ TMTS cũng cao hơn nhóm trẻ ngược lại. “Với trẻ thấp còi, nguy cơ sau này trở thành người lớn có chiều cao hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng lao động là rất lớn. Với bé gái thấp còi sau này có nguy cơ trở thành bà mẹ suy dinh dưỡng dễ đẻ con nhỏ, yếu với cân nặng sơ sinh thấp, tạo nên vòng luẩn quẩn con dễ suy dinh dưỡng, nhẹ cân hay thấp còi trong năm đầu sau sinh. Thấp còi cũng gây tác hại không nhỏ tới sự phát triển thể chất, tầm vóc trẻ em làm ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi” - ThS. Sơn cảnh báo.

Giải pháp can thiệp

Từ việc xác định rõ những nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp can thiệp cũng như cơ chế, chính sách chăm sóc trẻ em ở các vùng, các độ tuổi khác nhau. Theo ThS. Sơn, cần triển khai nhiều biện pháp can thiệp nhằm làm giảm nguy cơ và tỷ lệ TMTS, thấp còi ở trẻ như: cải thiện chế độ ăn uống, ngủ trưa, bổ sung viên uống, chế phẩm sắt, xổ giun sán định kỳ, truyền thông nâng cao nhận thức của bà mẹ và trẻ em, đề xuất nhiều giải pháp về quản lý, nâng cao chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đối với học sinh bị TMTS, theo nhóm nghiên cứu, trước hết phải bổ sung sắt, uống chế phẩm sắt (liều 4 - 6mg Fe nguyên tố/kg/24 giờ, chia 2 - 3 lần uống, uống giữa hai bữa ăn). Trong trường hợp không uống thì dùng đường tiêm sắt, truyền máu (truyền khối hồng cầu). Riêng các bệnh gây thiếu sắt cần điều trị tích cực, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết của bà mẹ trẻ em trong việc phòng tránh TMTS tại cộng đồng là hết sức cần thiết. Theo đó, bà mẹ mang thai cần ăn thức ăn giàu sắt, bổ sung chế phẩm sắt, nuôi con bằng sữa mẹ 6 tháng đầu đời, cho trẻ ăn thức ăn giàu vitamin C, đa dạng hóa bữa ăn, xổ giun định kỳ, vệ sinh môi trường sống… cũng như hiểu nhu cầu về sắt của trẻ ở mỗi thời kỳ.

Chính tình trạng nghèo đói, đời sống bấp bênh của đồng bào miền núi là nguyên nhân khiến phần lớn trẻ em miền núi TMTS và thấp còi. Vì vậy, ThS. Sơn đề xuất, cần đưa mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em TMTS và thấp còi ở cấp tiểu học miền núi vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để có hướng đầu tư hợp lý. “Các cấp ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh chính sách xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho miền núi, chăm lo đời sống người dân tộc thiểu số. Trong đó chủ lực là ngành y tế và giáo dục cần có sự phối hợp vì mục tiêu này. Cần đầu tư kinh phí cho ngành y tế thực hiện các hoạt đồng phòng chống TMTS và thấp còi cho học sinh tiểu học, mở các chiến dịch truyền thông rộng rãi trong nhân dân, can thiệp tại cộng đồng” - ThS. Sơn nhấn mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của xã hội, vấn đề trọng tâm, cốt lõi là cần nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc trẻ ở các bậc phụ huynh người thiểu số.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và thấp còi ở trẻ em: Đề xuất các giải pháp can thiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO