Tình yêu người thợ mỏ

Ghi chép của HỮU PHÚC 01/05/2014 08:38

Ngoài trời nhiệt độ hơn 40oC, cả không gian núi rừng nhuốm màu  đen kịt, nhưng những người thợ ở mỏ than Nông Sơn (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) vẫn miệt mài với công việc. Tình yêu nghề và yêu người đã giữ chân người thợ mỏ “cắm rễ” trên vùng đất nằm ở thượng nguồn sông Thu này.

Nghề… cấm nói

Sáng sớm, sông mẹ Thu Bồn chìm trong sương mù. Từ cầu Nông Sơn nhìn xuống, dăm ba con đò nối đuôi chở hàng hóa ngược xuôi, thi thoảng nghe tiếng phành phạch của động cơ. Trên “thành phố ven sông” này, nhịp sống nhộn nhịp của một ngày mới bắt đầu bằng đoàn xe tải chở than đá từ nhà máy của Công ty CP Than - điện Nông Sơn về đồng bằng tiêu thụ. Sau nhiều năm trở lại đất mỏ, với tôi mọi thứ dường như còn quen lắm. Gần trưa, nóng như đổ lửa, Cường - nhân viên công ty nhiệt tình đưa tôi ra khu vực khai thác mỏ. Bao bọc chung quanh là những quả đồi sừng sững với loang lổ vết đánh nham nhở. Các mỏ than lộ thiên có cấu tạo dạng hình nón ngược, nên phải sử dụng vật liệu nổ, hoặc bằng máy khoan đá. Tại khu vực mỏ, có hàng chục điểm khai thác khác nhau, mỗi người thợ cùng phương tiện máy móc, thiết bị hiện đại đảm nhận từng vị trí vỉa. Trông họ vô cùng nhỏ bé giữa “đại công trường” rộng cả trăm héc ta này. Kỹ sư Võ Văn Vinh - Trưởng phòng Kỹ thuật (thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn) chia sẻ: “Trên đời này, có nghề nào nặng nhọc như thợ mỏ? Mặt đất là tầng đá cứng như lớp bê tông, người thợ phải “nội soi” tìm cho ra quặng. Bình quân để có một tấn than nguyên liệu, phải bốc lên 8m3 đất đá. Suốt ngày nghe tiếng mìn nổ, tiếng động cơ máy móc phá đá, hai cái lỗ tai bị ù. Nếu sơ ý rất dễ xảy ra tai nạn”. Gần 30 năm dày dạn với nghề, ông Vinh không thể nào nhớ nổi bao nhiêu tai nạn lao động ập đến bất ngờ, chuyện sứt đầu mẻ trán xảy ra như cơm bữa. “Bất kể nắng mưa, đêm ngày, người thợ luôn vất vả với công việc. Có nơi lấy than quặng dưới lòng đất sâu âm 40m. Mỏ ở đây có trữ lượng 3,5 triệu tấn than, khai thác hơn 40 năm sau mới hết. Thợ mỏ phá đá nếu không có sức khỏe dẻo dai, thì không bao giờ trụ nổi được. Biết bao thanh niên trai tráng đến rồi đi” - ông Vinh bộc bạch.

Than sau khi đã xay nát mịn ở khu vực mỏ chuyển lên xe tải đưa về nhà máy xử lý trước khi đem tiêu thụ.Ảnh: HỮU PHÚC
Than sau khi đã xay nát mịn ở khu vực mỏ chuyển lên xe tải đưa về nhà máy xử lý trước khi đem tiêu thụ.Ảnh: HỮU PHÚC

Qua phân xưởng sàn tuyển, một thế giới không gian đen ngòm khói bụi than bao phủ. Dây chuyền phân loại, bốc than lên xe cơ giới vận chuyển tiêu thụ, nhiều nhất là lao động nữ. Ở đây cái gì cũng dính đầy bụi, từ lán trại che bạt xanh, khuôn viên nhà xưởng, áo quần công nhân, cả chiếc nón lá đội trên đầu cũng chuyển thành màu than đen. Vì chỉ cần hé môi là bụi than bay vào nên người thợ hầu như trùm khăn bịt kín hết mặt mũi, không một tiếng nói, nụ cười khi lao động. Công nhân sàn tuyển quặng, bốc than làm việc theo 3 ca; giờ cao điểm phải làm thâu đêm suốt sáng cho kịp những đơn đặt hàng. Mặc cho trời đứng bóng, khi những chiếc xe ben chở quặng đưa lên băng chuyền sàn tuyển, từng tốp phụ nữ hối hả bốc xếp. Bụi than vãi mịt mù khi gặp gió thổi mạnh. Lao động trong môi trường cực kỳ độc hại này, nhiều công nhân có vẻ già hơn so với tuổi và sức khỏe nhanh giảm sút. Thợ mỏ nơi đây tâm sự, lỡ vào nghề rồi nên đâu thể dứt ra được, vì đây là nguồn thu nhập chính cho gia đình họ. Không ít công nhân các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế trước đây dạt về Nông Sơn, rồi chôn chặt cuộc đời mình với … than. Dù đã khám bệnh định kỳ nhưng các chứng bệnh mà người thợ mỏ mắc phải thường liên quan đến đường hô hấp. Năm 2013, công ty đã chi hơn 900 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại cho 18 người lao động mắc bệnh, hoặc bị tai nạn nghề nghiệp.

Ở phân xưởng phân loại bốc xếp than, phần lớn là lao động nữ.
Ở phân xưởng phân loại bốc xếp than, phần lớn là lao động nữ.

Tình yêu người thợ mỏ

Trò chuyện khi vừa kết thúc phần việc, Nguyễn Cao Cường - nhân viên mỏ than Nông Sơn kể: “Em lập gia đình hơn 4 năm và đã có một cháu trai kháu khỉnh. Vợ quê Quảng Bình, cũng là gia đình có truyền thống gắn bó lâu dài với ngành than. Tụi em đã dựng nhà và không bao giờ có ý định rời đất mỏ này”. Không ít chàng trai, cô gái mới ngày đầu “mặt búng ra sữa” vào mỏ than, sau vài năm làm thợ mỏ, đã bén duyên rồi nên vợ thành chồng. Đó là mối tình đẹp của anh Nguyễn Em (quê Hội An) với chị Đoàn Thị Hương từ tỉnh Thừa Thiên Huế; chị Nguyễn Thị Tuyết với anh Nguyễn Bá Hà (quê ở Hà Tây). Xúc động nhất là tình yêu của chị Kiệm (quê Quảng Bình) với anh Hoàng Minh Sử (quê Thanh Hóa). Ngày hai anh chị dắt về quê ra mắt gia đình, cha mẹ chị Kiệm phản đối kịch liệt vì không muốn con gái gắn bó lâu dài nơi đất khách. Thế rồi, một đám cưới đặc biệt, được tổ chức bởi những người đồng nghiệp, diễn ra trên vùng đất mỏ và bây giờ họ đã có cuộc sống ngập tràn hạnh phúc. Mỏ than là tổ ấm, mái nhà chung.

Đưa vào sử dụng nhà ở xã hội cho công nhân
Theo Công ty CP Than - điện Nông Sơn, năm 2014 đơn vị sẽ sản xuất 250 nghìn tấn than nguyên liệu và than tiêu thụ, phấn đấu đạt doanh thu hơn 81 tỷ đồng, tiền lương cho mỗi lao động sẽ hơn 6 triệu đồng/tháng. Ông Trần Quang Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Than - điện Nông Sơn cho biết, công ty đã đưa đi đào tạo, tập huấn tay nghề cho đội ngũ nhân viên phục vụ cho nhà máy nhiệt điện Nông Sơn dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào tháng 9 đến, khi đó toàn đơn vị sẽ có xấp xỉ 400 lao động. Nhà máy có công suất 30MW sẽ góp phần cung cấp thêm nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho địa phương trong bối cảnh điện lưới quốc gia đang quá tải. Để giúp người lao động an cư lập nghiệp, tháng 3 vừa qua, ngành than đã đưa vào sử dụng công trình nhà ở công nhân khá khang trang, đầy đủ tiện nghi với tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng, hiện có hơn 100 lao động của công ty vào ở.

Ông Cao Huy Thắng, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn cho biết, thời điểm này, đơn vị có hơn 300 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng gần 5,5 triệu đồng/người. Ngoài tiền lương, người lao động còn được hưởng nhiều chế độ như chăm sóc sức khỏe định kỳ, nghỉ thai sản, phép năm, đóng các loại bảo hiểm... Năm 2013, doanh nghiệp này chi gần 200 triệu đồng tổ chức tham quan du lịch cho 30 lao động, điều dưỡng sức khỏe cho 15 người. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các nội quy sản xuất, kinh doanh nên trong năm không xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Ông Thắng bảo, bên cạnh tiết kiệm chi phí, tăng gia sản xuất, công ty xem việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần như nhiệm vụ thường xuyên để tạo khí thế thi đua, kích thích người lao động hăng say làm việc. Tám sáng kiến kinh nghiệm đã vận dụng vào thực tiễn, riêng quỹ thi đua - khen thưởng của đơn vị chi gần 500 triệu đồng mỗi năm. “Công ty đang làm tất cả những gì có thể để “đại gia đình” mỏ than có niềm vui bình dị nhất. Ở đơn vị, chúng tôi gọi bằng tên chung là người lao động, chứ không xưng cán bộ, nhân viên” - ông Thắng nói.

Chiều tắt nắng. Trên cây cầu Nông Sơn vắt qua “dải lụa” Thu Bồn, từng dòng người hối hả rời nhà máy trở về gia đình đoàn tụ. Ngoảnh lại nhìn đất mỏ ngày cuối, tôi thấy ánh sáng từ điện của nhà máy đã lấp lánh cả một khúc sông.

 Ghi chép của HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình yêu người thợ mỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO