LTS: Có những cuốn sách làm thay đổi cả cuộc đời người đọc. Lại có những thú chơi sách khiến con người trở nên gần gũi, hiểu biết về nhau và về cuộc sống trong một mối giao hòa đầy lòng nhân ái. Và như thế, tình yêu sách sẽ còn mãi, đưa con người đến với tri thức, với sự nhân bản, và văn hóa đọc sẽ không lụi tàn… Nhân Ngày sách Việt Nam 21.4, Quảng Nam cuối tuần thực hiện chuyên đề về tình yêu sách và văn hóa đọc.
Nhiều trẻ em sớm hình thành thói quen tìm đến các nhà sách. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
ĐI TÌM ĐỘC GIẢ
Nhiều cuốn sách từ các tác giả địa phương ra đời. Thư viện các tuyến được đầu tư bài bản. Nhưng rồi vẫn không ngoài nỗi buồn chung, độc giả mỗi ngày một thưa vắng…
Nhìn từ thư viện
Giáo sư Ngô Bảo Châu nói đọc sách như việc chơi với một người bạn. Càng chơi lâu, càng hiểu bạn. Và mới thấy bạn thật sự quý, thật sự cần trong cuộc đời ta. “Sách là người bạn đặc biệt, lúc nào cũng sẵn sàng mở lòng với ta. Mỗi người chỉ có thể sống một cuộc sống, tại mỗi thời điểm chỉ có thể có một vị trí. Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình”. |
Ông La Đình Nghĩa - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, với rất nhiều đầu sách được bổ sung hằng năm, cũng như các hoạt động về trưng bày, giới thiệu sách diễn ra mạnh mẽ vào mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhưng lượt bạn đọc vẫn sụt giảm. Năm 2017, theo thống kê từ Thư viện tỉnh, số lượt bạn đọc khoảng hơn 30 nghìn lượt, giảm 15% so với năm 2016. Trong khi đó, số đầu sách được bổ sung lên đến 2 nghìn đầu sách ở các thể loại với 6 nghìn bản sách. Các thư viện cơ sở luôn được luân chuyển sách với Thư viện tỉnh. Tuy các hoạt động luân chuyển, trao đổi các đầu sách ở hệ thống thư viện tuyến trường, cũng như trao đổi với thư viện huyện, thành phố và tuyến tỉnh diễn ra thường xuyên nhưng ngoài thư viện trường có lượt bạn đọc là học sinh tương đối ổn định, các thư viện tuyến huyện vẫn khá vắng vẻ. “Vì không mang lại nguồn thu như các hoạt động khác, nên thiết chế thư viện ít được các địa phương quan tâm phát triển, dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn sách ít ỏi. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí như điện ảnh, truyền hình, game điện tử… cũng khiến người dân không mặn mà với việc đọc” - thủ thư của một thư viện chia sẻ.
Năm 2017, xe thư viện lưu động do Thư viện tỉnh quản lý từ dự án Trang bị xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ cộng đồng vùng sâu vùng xa của Bộ VH-TT&DL, đã mang đến những tín hiệu tích cực cho câu chuyện xây dựng thói quen đọc sách. Ông La Đình Nghĩa cho biết, hiệu quả của chuyến xe thư viện lưu động này là kích hoạt cho cộng đồng tương tác với sách cũng như đưa thông tin đến gần hơn với người dân. Kho sách của xe Thư viện lưu động hiện lên đến hơn 1 ngàn bản sách, cũng như trang bị các thiết bị, vật dụng liên quan phục vụ bạn đọc. Trong năm 2017, xe thư viện lưu động đã phục vụ tại 14 huyện, thị xã thành phố với 28 điểm dừng, gần 5 nghìn lượt bạn đọc tìm đến. Tuy nhiên, đối tượng bạn đọc chủ yếu vẫn là học sinh và các thầy cô giáo của các điểm trường. Vẫn chọn cách chủ động đưa sách đến bạn đọc cũng như tạo sự tương tác, không gian mở góp phần nâng cao thói quen đọc sách, nhưng thư viện các tuyến vẫn chưa phải là lựa chọn của số đông người dân…
Nỗ lực kích thích văn hóa đọc
Ngày càng nhiều hơn những hoạt động kích thích văn hóa đọc từ phía nhà trường lẫn cộng đồng. Đọc sách, chưa bao giờ cần đến đám đông, nhưng sự lan tỏa một thói quen văn hóa, cần phải có cộng đồng. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng Giáo dục TP.Tam Kỳ nói, không phải đến dịp Ngày sách Việt Nam thì các phong trào về kích thích văn hóa đọc mới nảy nở trong hệ thống nhà trường. Từ nhiều năm nay, bằng các hình thức khác nhau, các nhà giáo dục luôn xác định tiêu chí đầu tiên của việc tiếp bồi tri thức, là phải đọc sách. “Từ lâu, ngành giáo dục thành phố đã đẩy mạnh khôi phục văn hóa đọc, từ đầu tư về mạng lưới thư viện, tổ chức các cuộc trao đổi giữa nhà trường và cha mẹ để hiểu về ích lợi của thói quen đọc sách. Tôi vẫn luôn nghĩ đọc sách là cách học tốt nhất đối với các em học sinh” - ông Trần Ngọc Sơn nói.
Các bạn nhỏ háo hức với chuyến xe thư viện lưu động.Ảnh: LÊ QUÂN |
TP.Tam Kỳ được nhìn nhận là một trong những địa phương hưởng ứng khá mạnh mẽ các hoạt động cho Ngày sách Việt Nam 21.4. Những hoạt động khá đa dạng phong phú, dựa trên cơ sở thực tế của nhà trường cũng như đối tượng học sinh mà xây dựng chủ đề phù hợp. Ngay ở cấp mầm non, các nhà trường cũng tìm cách tổ chức hoạt động để các em nhỏ “chạm tay” vào sách, biết nâng niu, quý trọng và xem sách như một người bạn của mình. “Thói quen được hình thành từ lớp tuổi này. Mỗi buổi tối đọc cho con một câu chuyện nhỏ trong cuốn sách tuổi thơ, rồi đến lớp con lại được cô giáo kể nghe về những cuốn sách, mình nghĩ rồi trẻ sẽ dần dần có một niềm yêu thích với sách” - chị Nguyễn Thanh Hải Hoàng, một phụ huynh ở trường Mầm non Sơn Ca chia sẻ.
Một cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường thông qua mối quan tâm chung là sách. Ông Trần Ngọc Sơn kể: “Tôi dự một hoạt động tại trường Lê Thị Hồng Gấm, và rất vui khi có khá nhiều gia đình phụ huynh thành lập được tủ sách gia đình, từ chính yêu cầu của các cháu. Chính “tủ sách gia đình” là điều cốt lõi để các em nhỏ hình thành thói quen đọc sách của mình”. Khi cuộc sống ngày một xáo động, thì chính cái nếp của gia đình là điều đầu tiên nuôi dưỡng con người lớn lên. Những câu chuyện về “tủ sách gia đình”, hẳn còn dài theo mỗi thời cuộc, mất đi rồi lại phục hồi – để thấy được những tia hy vọng về sự hồi phục của một nét văn hóa đẹp. (LÊ QUÂN)
MƠ SÁCH
Hãy đọc sách để ta có thêm bạn bè, có thể gặp tri kỷ tri âm. Giấc mơ đẹp nhất vẫn là mơ thấy sách…
Tôi là một thằng bé con, con nhà nghèo, mê sách. Tôi mê sách từ hồi tôi mới… biết đọc. Bạn cứ hình dung trên một chiếc ghe buôn đồ gốm dọc sông Thu Bồn, đứa bé là tôi ở “nhà” coi ghe và thường nằm rung đùi đọc sách giáo khoa môn văn của mấy anh chị lớp trên. Đọc sách, gặp đoạn nào hay bèn đập tay xuống ván ghe, kêu như rên “sướng sướng”. Gặp đoạn nào buồn thì cảm khái sụt sùi và gặp đoạn nào vui thì nằm hay ngồi, cứ cười một mình, cười như uống phải thuốc cười, mẹ tôi có lần bắt gặp cảnh đó bèn nói ngó mi như một đứa điên… Mãi về sau, đến khi già người đi rồi, mỗi khi đọc đến lời bàn của Kim Thánh Thán về cái vui thú của đời người, tôi liền nghĩ ngay đến thú đọc sách, nghĩ đến việc một người tình cờ có được quyển sách mà mình mong chờ đỏ mắt, kiếm một nơi thanh vắng mà đọc, đọc đến quên ăn, quên ngủ, hết khóc lại cười - bắt chước Kim Thánh Thán - người ấy kêu lên “há chẳng sướng sao?”…
Xây dựng tủ sách gia đình - vừa là một hoạt động ý nghĩa vừa để nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ trong nhà trường.Ảnh: LÊ QUÂN |
Đã có một thời vàng son của sự đọc trên khắp mọi miền đất nước. Trong mắt những cô cậu mới lớn lứa chúng tôi thời đó, nơi nào có nhiều sách là “nơi sướng nhứt”. Gần 50 năm rồi một người bạn tôi mê sách còn có thể ngồi suy nghĩ một lúc rồi đọc đến gần hết tên những cuốn sách trong tủ sách nhỏ của gia đình một người bạn khác… Mê sách đến thế là cùng. Một người bạn khác cũng là người mê sách, sau bao nhiêu nghề nghiệp mưu sinh đã chọn nghề buôn sách cũ. Bạn có “cái hay” - nói theo cách người Quảng - là chẳng phải cử nhơn, tú tài chi (bạn dang dở cấp ba) nhưng sinh viên đại học ngành văn, sử, địa làm đề tài chi cũng nhờ bạn “chỉ giúp” cần đọc những cuốn nào và “cái hay” ni mới là “độc chiêu”: bạn, như một “ông thầy” vì có thể nhớ đề tài nào, sinh viên nào các khóa trước đã làm và còn tư vấn cho các bạn trẻ nên làm theo hướng nào thì mới có ý tưởng mới ở một vấn đề đã cũ…
Hãy đọc sách để ta có thêm bạn bè, có thể gặp tri kỷ tri âm. Còn nhớ trước ngày bạn đi chiến trường K. tôi có giúi vào ba lô bạn cuốn Truyện Kiều mới mua mà bạn thích. Cuốn sách đã đi theo bạn, đã hòa vào bụi đất dưới một vòm thốt nốt không tên nào đó mà mỗi lần ai nhắc nhớ là tôi nhớ bạn, những đêm ngồi bưng mặt nghe tiếng đọc trong radio chương trình “đọc truyện đêm khuya”…
Bạn và tôi có bao nhiêu bạn bè, rốt lại, có lẽ thương và quý mình nhứt vẫn là những bạn bè “đọc sách” nếu bạn là người mê đọc, còn không chí ít cũng là người quan tâm đến đời sống tinh thần của bạn. Hãy đọc sách để biết rằng bạn có thể gặp cuốn sách bạn đã từng sở hữu bằng tiền nhịn ăn quà sáng mấy mươi năm trước ở một hàng sách cũ, ở một thành phố lạ sau bao nhiêu năm sách lưu lạc vì vẫn còn nguyên tên bạn, ngày tháng năm mua… Bạn có thể gặp những người bạn cũ sau bao nhiêu năm không gặp ở một chiếu sách cũ vỉa hè vì cùng một nòi mê sách.
Và một điều này nữa, nhờ sách bạn có thể lạc quan trước những tình thế khó khăn, kể cả đối diện với cái chết. Bạn không tin ư? Thì đây, lời của Rabindranath Tagor: “Ngay khi bạn sinh ra trong thế giới này, bạn đã đủ già để chết”, hay Charles Sanders Peirce: “Để chống lại cái chết, bạn không cần quá nhiều ở cuộc sống, chỉ một cuộc sống chưa kết thúc là đủ rồi”…
Giấc mơ đẹp nhất vẫn là mơ thấy sách…(PHÙNG TẤN ĐÔNG)
THÚ VUI TAO NHÃ
Ðọc sách, từ xa xưa, vẫn được coi là một trong những thú vui tao nhã nhất trên đời.
Có người đọc sách để di dưỡng tinh thần, cũng như trồng cây cảnh để dưỡng trí, nuôi chim cá để dưỡng nhân. Có người đọc sách để trau dồi kiến thức, có người đọc sách để tìm chút thư thái bình an, có người đọc sách để tìm một chốn an tâm lập mệnh, có người đọc sách để quên đi cảnh muộn phiền, có người đọc sách chỉ vì bắt buộc phải đọc, ví dụ như sinh viên trước các kỳ thi... Nói chung vô vàn cách đọc sách. Hoặc đọc theo lối đăm chiêu tư niệm. Hoặc đọc theo lối lai rai khoái hoạt. Hoặc đọc theo lối lãng đãng phiêu bồng. “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (Trong sách, có người con gái dung nhan xinh như ngọc). Người xưa thường dùng dẫn câu đó để khuyến khích con em đọc sách.
Trẻ em đọc sách ở thư viện. |
Nói đến việc học thì không thể không nhấn mạnh đến vấn đề đọc sách. Vì chúng là nguồn cung cấp tri thức chủ yếu. Nhiều người lo rằng với sự phát triển công nghệ, tương lai sách điện tử sẽ thay thế cho sách giấy hiện nay. Những ai tin vào điều đó, theo tôi, là những người chưa hề hưởng được thú vui đọc sách. Ðọc sách mà cứ phải ngồi mãi trước máy tính, theo dõi màn hình qua các đĩa CD, thì đúng là cực hình. Có ai lại quên được những giây phút nằm co ro trong chăn, giữa mùa đông lạnh buốt, để đọc loại sách mà mình ưa thích? Tôi thích những người đọc sách, chỉ vì đam mê, chứ không bắt nguồn từ ý đồ là cố trang bị cho mình một kiến thức, để làm dáng với đời. Bản thân việc học và đọc sách, theo đúng nghĩa, đã đem lại cho chúng ta nguồn vui rồi.
Là người phương Ðông, tôi tin rằng đọc sách theo đúng nghĩa, không chỉ có ham mê hay thông tuệ là đủ, mà còn cần phải có cơ duyên nữa. Không phải cuốn sách nào, cho dẫu là những kiệt tác giá trị, ta cũng phải đọc và đều có thể đọc được. Lắm khi, một cuốn sách tầm thường lại có thể thay đổi cả quan niệm của một con người. Và chuyển số phận họ theo một hướng khác. Có nhiều người rất thông minh, đọc sách suốt đời nhưng vẫn cứ “mang nhiên vô sở đắc”, chỉ vì chưa ứng hợp cơ duyên. Khi tranh luận, họ luôn luôn trích dẫn điều X này ở trong cuốn sách T, điều Y nọ ở trong chương Z... Rất bài bản, rất uyên bác, rất thông thái! Nhưng họ không bao giờ hiểu rằng đó chỉ là kiến thức vay mượn của thiên hạ, chứ không phải là kiến thức của mình. Những người đọc sách như vậy rất dễ dàng bị “bội thực” về mặt kiến thức. Ta ăn thức ăn vào, nhằm mục đích biến chúng thành dưỡng chất để nuôi cơ thể, chứ không phải để nhả chúng ra lại, như trước khi ăn. Ðừng bao giờ đem kiến thức vay mượn để làm vật trang sức, vì điều đó rất phù phiếm. Mà phải biết biến kiến thức đọc từ sách vở thành cái của riêng mình, dù sâu dù nông. Ðó mới chính là mục đích của việc đọc sách.
Một cuốn sách hay thường là cuốn sách gợi mở cho người đọc những gì họ ấp ủ trong tư niệm, mà không đủ khả năng diễn đạt thành lời. Ðiều kỳ diệu của việc đọc sách, là có khi người đọc lại tìm thấy trong đó những chiều sâu tư tưởng, và những vấn đề, mà chính tác giả cũng không lường tới. Ðọc sách, theo nghĩa chân chính, chỉ là quá trình đi tìm lại chính mình. Nếu tâm hồn ta chưa chuẩn bị đầy đủ, để đáp ứng lại những gợi mở của một cuốn sách nào đó, thì có đọc cũng bằng vô ích. Cuốn sách nào đáp ứng được yêu cầu đó, sẽ khai mở con đường đi vào nội tâm, hoặc phát lộ những tư tưởng mà tác giả lẫn người đọc đều có một điểm chung để chia xẻ.
Khi cầm một cuốn sách nổi tiếng trên tay, mà bạn thấy không thể đọc nổi, thì cứ tạm gác nó qua một bên, đợi thời gian phù hợp hãy đọc. Và nếu không bao giờ đọc được, thì cũng không hề gì! Ðọc sách là một công việc suốt đời. Khi cơ duyên ứng hợp thì nó sẽ là phương tiện đưa ta vào một thế giới kỳ diệu, ở đó ta tìm thấy lại, hoặc khám phá ra những điều lý thú nơi chính bản thân mình, trong những mối đồng cảm, trong những phút linh cầu, mà lắm phen cuộc sống xô bồ che lấp mất đi. Lúc đó, ta sẽ cảm nhận sâu hơn câu nói của MạnhTử “Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” (muôn vật đều có đầy đủ ở nơi ta, quay về với mình với cả lòng thành thực, thì còn niềm vui nào lớn bằng - Mạnh Tử, Tận tâm thượng). (LIÊU HÂN)
SÁCH CHO, CHO SÁCH
Thỉnh thoảng lại nhận được sách. Lạ, dân viết văn xuôi, phê bình, khi cho sách, gương mặt nghiêm trọng lắm, rằng đọc và góp ý nghe, nhưng bọn làm thơ thì tếu táo, rảnh đọc cho vui. Nghĩ, chắc quân làm thơ uống rượu nhiều hơn bọn kẻ ngang kẻ dọc kia...
Có quá nhiều rút tỉa cổ kim về giá trị của sách trong đời sống, chuyện này ai đọc sách đều rành. Nhưng câu thơ của Đỗ Phủ “Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” cứ luẩn quẩn trong đầu về chuyện sách. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc cho rằng, văn học Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng của nho giáo, người ta thích lối phóng bút như phóng phi tiêu hơn là cạy cục khổ nạn trên cánh đồng chữ nghĩa, nên văn học Việt Nam vẫn là nền văn học nghiệp dư. Mình không bình luận chuyện này đúng sai. Chỉ thấy bây giờ ai cũng ra sách được. Sách tràn ngập. Vô nhà sách, mờ cả mắt. Tài giỏi đến mức nào, có ngày cũng mua lộn, tức là hăm hở mua, chắc mẩm phen này bợ được vàng nhưng về đọc, thấy miệng đầy cát và rác. Viết càn, ẩu, hời hợt, nhưng ác thay, lời tựa thì như rút ruột tỏ bày tấc lòng. Ở đây có chuyện, là ngôn ngữ nói đôi khi không song hành cùng ngôn ngữ viết. Họ nói thật lòng chứ không phải chơi, nhưng diễn đạt thì không ra gì. Vậy, họ có lỗi không? Theo mình là có, lỗi ở chỗ là ra sách. Nói chuyện tào lao ở bàn nhậu là bình thường, nhưng khi thành sách, nó không còn là đứa con riêng của mình nữa, mà là tài sản chung của xã hội. Các nhà xuất bản vì tư lợi, sẵn sàng quảng bá, từ giới thiệu trên báo đến làm bìa bắt mắt, cho tọa đàm, ra mắt; tác giả giao lưu, rưng rưng hân hoan chia sẻ lời gan ruột; còn thực ruột ra sao, người đọc tự biết. Sách ra tưng bừng, cũng vì một đặc tính của người Việt, là thích thiên hạ biết đến mình, ngay cả khi không viết nổi nữa, cũng... đẻ sòn sòn. Một bữa vô nhà sách, thấy cuốn tạp văn của ông nọ, lật bìa cuối ghi phần lý lịch tác giả, thấy hạ một dòng: Đang nghiên cứu thiền học và kinh Dịch. Ngao ngán!
Theo tôi, cái câu Đỗ Phủ ở trên, thảy dạy kẻ cúi đầu trên trang giấy trắng, rằng lao động chữ nghĩa, nói như Lê Đạt, là phu chữ, viết là kinh động thiên hạ, mỗi một chữ là một giọt máu, “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” lấp lánh không phải do phù phép làm “màu” mà ở đó, thiên hạ thấy như mình sắp đổ gục xuống thổn thức bởi được giãi bày giúp, được minh định soi đường thay, phá cái u mê lâu nay mình chưa biết hoặc tưởng nhầm. Bao lớp người, nhờ sách mà biết sống, biết yêu, biết làm việc đúng nghĩa con người; bao vang động sâu xa từ sách như lời thủ thỉ hay răn dạy nghiêm khắc về lòng nhân, lẽ phải. Nhà có tủ sách quý, hơn cả đống vàng. Cho dù thời nào đi nữa, lời dạy này vẫn không đổi thay.
Vẫn thèm được cho sách, không phải là khỏi mua miễn phí, chẳng phải là đi xin tấm lòng, mà đã lắm, có được cuốn sách từ ai đó, nghĩa là họ đã thêm một lần đụng đến thiên lương, tự họ góp thêm cho đời một tín hiệu văn hóa. Nhưng cũng cầu mong họ, trước khi có sách để bán, để cho, thì nên thận trọng, bớt bị ám cái câu “văn mình, vợ người”. Nhưng quan trọng hơn, là các nhà xuất bản, bớt tham, bớt vì lợi nhuận đi, in tràn lan, không kiểm định, đối chứng. Ở đời, lời thiên hạ đồn đoán nhỏ to, nhiều khi không kinh hoàng bằng chữ từ sách, bởi người đọc lỡ thiếu nền, thiếu tỉnh táo, làm theo điều sai trong đó, cực nguy, mà bây giờ sách in ẩu là vô kể. (MỘC MIÊN)