“Lấy chồng lính biển là những lần tất tả ngược xuôi cả nghìn cây số từ Bắc vào Nam, gặp mặt đôi hôm, lại bịn rịn tiễn chồng. Sau những cái vẫy tay là nước mắt, là những lời hẹn tính bằng tháng, bằng năm…”.
Vợ Thiếu tá Cao Lê Anh Phương - hiện là Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18, quê huyện Thăng Bình, tâm sự vậy. Hình như những người vợ của người lính, đều cùng tâm trạng.
Vượt cạn “ngày bão”
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương bật loa ngoài của điện thoại và cậu con trai Cao Chí Khương, sinh năm 2021 bắt đầu hát tặng ba bài “Lính Nhà giàn đón xuân”. Ánh mắt lấp lánh của người mẹ nhìn cậu con trai nhỏ của mình đầy hạnh phúc. Dù mới hơn 3 tuổi, nhưng Khương đã hiện lên phiên bản của người cha, thỉnh thoảng còn lặp lại câu “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm”.
Chiều ngày 15/5/2021 là một ngày rất dài, vì nằm trong chuỗi thời gian gắt gao của đại dịch COVID-19. Lúc này, tại quận 2, TP.Hồ Chí Minh, có người phụ nữ mang bầu, mặc đồ bảo hộ, tự đi xe máy vào Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Thịnh. Sau khi làm test nhanh trước cổng, chị lê bước vào khoa sản với khuôn mặt mỏi mệt.
“Người thân đâu? Chắc quê ở ngoài miền Trung? Trời ơi đang COVID mà sinh nở lại không có ai đi cùng…?”. Hàng loạt câu hỏi và xuýt xoa của các y bác sĩ. Cuối cùng, mọi người gói gọn trong một câu rồi im lặng: “À, thì ra vợ bộ đội… chồng quê tận Quảng Nam”.
Gần 4 năm trôi, câu chuyện người phụ nữ một mình vượt cạn, tự tay ký giấy tờ cũng trôi đi cùng dòng chảy đời sống. Sáng đầu năm 2025, cậu bé sinh ra trong mùa COVID-19 Cao Chí Khương cùng mẹ và anh trai đứng trong sân Cảng Kinh tế Quốc phòng Trường Sa ở TP. Vũng Tàu.
Gió xuân se lạnh, khắp sân cảng vẫn còn những chậu quất, gói quà cuối cùng chuẩn bị đưa lên tàu. Tiếng còi tàu hụ hồi dài làm vọng lên trong lòng người khung cảnh như một cuộc chia ly. Cậu bé Khương hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mấy chú mang quà của mẹ ra biển cho ba hả mẹ?”.
Cao Chí Khương dù còn nhỏ, nhưng cậu bé khiến mọi người phải chăm chú nhìn. Bởi, cậu bé thực hiện thành thạo động tác của nhà binh một cách khá thoải mái giữa đám đông: “Nghiêm, chào, giậm chân tại chỗ!”. Cậu còn thể hiện phiên bản của người lính biển tương lai bằng điệp khúc “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Anh trai của cậu là Cao Chí Khang, sinh năm 2017 có vẻ trầm tính hơn người em nhỏ. Ngày sinh cậu, người mẹ cũng phải tự tay ký thủ tục trước khi mẹ ruột là bà Ngô Thị Lài chạy tới chăm sóc con và ôm cháu ngoại. Cậu suýt không thể chào đời vì bác sĩ kết luận “nhau quấn cổ, phải mổ để cứu thai nhi”. Riêng cậu em Cao Chí Khương, phải 7 tháng sau sinh thì người cha khoác áo lính mới trở về nhà vì toàn bộ đơn vị quân đội cấm trại 100% để phòng chống COVID-19.
Ngày 13/1/2025, trên tàu Trường Sa 21 thả neo tại bãi cạn Phúc Tần để tiếp hàng và quà Tết cho lính Nhà giàn DK1, chúng tôi mong biển lặng sóng để được lên nhà giàn, nhưng rồi không thể thực hiện được và lính nhà giàn nhận hàng qua dây kéo ròng rọc. Đoàn công tác và lính nhà giàn đành phải chúc tết qua máy bộ đàm, Thiếu tá Cao Lê Anh Phương cùng chính trị viên của Nhà giàn DK1/18 đã hứa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thiếu tá Phương cũng nhắn nhủ mong anh em trong đoàn công tác có dịp thì ghé về miền Trung để thăm đất và người Quảng Nam.
Quà từ đất liền
Bà Ngô Thị Lài sửa soạn quần áo cho 2 cháu ngoại rồi ngồi lặng nhìn cô con gái. Thùy Dương là tên con gái của bà, cái tên hơi mang hình ảnh của biển. Như trở thành định mệnh, cậu con rể là Thiếu tá Cao Lê Anh Phương - lính Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, gốc dân xứ Quảng.
Hơn 11 năm về trước, bà đã dặn con gái rằng: “Lấy chồng là bộ đội, lại là bộ đội Hải quân nữa, người đàn bà phải chấp nhận hy sinh, phải có những ngày chờ đợi, phải gánh vác nhiều việc gia đình thay cho đàn ông…”.
Con gái và 2 cháu ngoại đón xe từ TP.Hồ Chí Minh xuống Cảng Kinh tế Quốc phòng Trường Sa ở TP. Vũng Tàu để gởi quà tết ra Nhà giàn DK1 vào những ngày đầu năm.
Thùy Dương dán tờ giấy vào từng thùng: “Gởi chồng Cao Lê Anh Phương”. Chỉ một cái tên, nhưng 4 thùng hàng này gởi ra chia đều cho tập thể anh em Nhà giàn DK1/18 đóng trên bãi cạn Phúc Tần ngoài thềm lục địa. Trong thùng có khoảng 50 gói trà Thái Nguyên loại 1, cuốn lịch 2025, 50 hộp bánh đậu xanh rồng vàng Hải Dương… Có một món quà quê hương chị định gởi nhưng sau đó hẹn anh khi nào trở về đất liền thì sẽ nấu 1 bữa, đó là mỳ Quảng.
Con tàu Trường Sa 21 hụ một hồi còi dài rồi từ từ rời bến, Thùy Dương và 2 con trở về nhà. Chị viết dòng tự sự trên trang cá nhân: “Vẫn biết rằng, làm vợ lính thời bình thì nỗi vất vả chẳng thấm vào đâu so với những người vợ lính thời chiến. Nhưng phải thật lòng mà nói, thời chiến thì buộc lòng vợ lính phải xa chồng là một lẽ đương nhiên. Còn trong thời bình thì người vợ nào cũng muốn được có chồng ở bên cạnh để làm “trụ cột” gia đình. Thế nhưng, rất hiếm có người vợ lính nào được toại nguyện ước mong thật bình dị ấy”.
Đêm 29 Tết, trên Nhà giàn DK1/18 nằm ở bãi ngầm Phúc Tần nơi thềm lục địa vang lên tiếng nhiều người vợ lính từ đất liền chúc mừng năm mới. Thùy Dương, vợ Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18 chúc Tết anh em thì đã nhận được nhiều lời đồng thanh từ những người lính: “Đi làm nhiệm vụ với anh Phương thì bao giờ cũng sướng cả, chị gởi quà cho anh thì bao giờ cũng dành cho anh em cả nhà giàn”.
Chuyện tình người lính
Năm 2014, Thùy Dương 22 tuổi và chỉ hơi ấn tượng về người lính trẻ mang quân hàm Thiếu úy, thường hay nói đùa “quê hương anh là Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”. Nhưng rồi đến một ngày, cô gái miền Nam đã phải lòng chàng lính biển người xứ Quảng: “Lúc đầu em cũng chỉ coi anh là một người lính bình thường như bao người lính khác mà em biết. Nhưng bỗng một ngày em nhận ra, anh đã bước vào thế giới của em...”.
Điện thoại giữa đất liền và Nhà giàn DK1 thông suốt, nhưng internet thì chập chờn. Đêm giao thừa, Thùy Dương ngồi viết lời tự sự để sau này người chồng trở về sẽ đọc: “Em biết quãng thời gian này với anh và mọi người thực sự rất khó khăn. Nhưng một người lính chân chính, là khi Tổ quốc gọi ta đến đâu, ta sẵn sàng mang cả trái tim mình hiến dâng cho nơi ấy. Em tin rằng, chồng của em là một người lính như vậy! Mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Dù không về đón tết cùng nhau được nhưng anh hãy yên tâm, em và mọi người đều khỏe mạnh và đang hướng về anh”.
Tôi thường đọc những lá thư trong thời chiến, đọc dòng chữ này, tôi nhớ đến những dòng tâm tình của Thiếu tướng Hoàng Đan với người vợ An Vinh, trong lá thư viết vào ngày 28/5/1955. “Anh đi làm tròn nhiệm vụ là đủ rồi, em sẽ vĩnh viễn yêu anh mặc dầu có xa cách hay anh có thương tật đi nữa em cũng một lòng yêu anh”...