Cả ba người đều là giáo viên, đều xung phong ra trận và được điều động làm phóng viên ảnh chiến trường trong Tổ ảnh chiến sự của Thông tấn xã Việt Nam, có mặt tại hầu hết điểm nóng chiến tranh. Ảnh với họ là nghiệp hơn là nghề, như một sứ mạng mà đời họ sinh ra trong giai đoạn lịch sử ấy phải gánh.
Bức ảnh… Song hỉ
Trong số những bức ảnh về cuộc chiến đấu của quân dân miền Bắc chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bức ảnh của cố nhà báo Vũ Tạo (1940 - 2007) có vị trí đặc biệt, không là độc tôn nhưng cũng gần như thế. Trung tâm bức ảnh là khẩu pháo cao xạ 37 ly cùng nhóm pháo thủ giữa hai cột khói bom nổ rất gần, hiên ngang nhả đạn vào lũ giặc trời. Hai cột khói bom dữ dội thành “chiếc khung ảnh” tôn vinh những người lính cao xạ Việt Nam. Khi ra đời bức ảnh ấy được mọi người đặt cho khá nhiều tên: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Gan thép”… rồi “Hiên ngang” được chính thức đặt là tên cuối cho tác phẩm. Nhưng nó còn có một cái tên khác, chỉ lưu truyền trong nhóm bạn bè, như nhà báo Hứa Kiểm, người duy nhất trong nhóm 3 người còn sống đến hôm nay kể “chúng tớ đặt cho nó cái tên… Song hỉ”. Ông bảo: “Gần hai năm trời “săn” bao trận, ảnh tốt nhiều, nhưng để thể hiện được khí thế của người lính đánh trả máy bay Mỹ thì đây thực sự là tác phẩm. Anh em mừng lắm!”.
Tác Phẩm “Hiên ngang” của cố nhà báo Vũ Tạo - Giải thưởng Nhà nước 2007. |
Theo lời kể của nhà báo Hứa Kiểm, bức ảnh ra đời trong một chuyến Vũ Tạo đi… thăm người yêu. Đợt ấy vào tháng 7.1967, sau mấy trận đi trực chiến, Vũ Tạo xin phép tranh thủ đi thăm người yêu (bà Vũ Thị Hiển - người sau này là vợ ông) đang học ở nơi sơ tán tại Lục Ngạn - Bắc Giang. Vũ Tạo được một ngày phép, sáng sớm đạp xe từ Hà Nội vượt hơn 70 cây số lên thăm người yêu. Dù là đi thăm người yêu, các tay báo ảnh ngày ấy vẫn mang theo “vũ khí” để sẵn sàng chiến đấu. Đến đâu mắt cũng láo liên tìm trận địa pháo, hễ có máy bay Mỹ là xáp vào chụp luôn. Gần trưa mới đến gặp được người yêu, trong lúc bà làm cơm, Vũ Tạo đã “tranh thủ” quan sát và phát hiện trận địa pháo cao xạ 37 ly bảo vệ cây cầu đi Phủ Lạng Thương cách đó không xa. Bữa cơm vừa dọn lên thì còi báo động. Vũ Tạo bỏ người yêu cùng mâm cơm băng đồng ra trận địa. Vừa kịp chiếm được mô đất cao giáp trận địa pháo thì máy bay Mỹ ập đến, gần như song hành, pháo ta bắn lên quyết liệt, máy bay Mỹ trút bom xuống. Khoảnh khắc hào hùng nhất của cuộc chiến khi những người lính “quên” bom nổ bên mình chỉ nhăm nhăm vào chiếc máy bay đang bổ nhào. Và người chụp, cũng là người lính, “quên” đi tất cả chỉ còn lại khuôn hình kết đọng cho lịch sử cái khí thế hùng tráng không thể tái hiện.
Chân dung nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng chụp cuối năm 1971 tại chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. |
Nhà báo Hứa Kiểm nhớ lại: “Khó đấy, cột bom gần lắm, không trụ chắc chân nó “quật” văng đi”. Nói chuyện đi chụp ảnh pháo ta đánh trả máy bay Mỹ, ông Kiểm cười: “Ngày ấy bọn tớ có nghĩ gì đến sống chết đâu. Đến trận địa bao giờ cũng nhắm những điểm cao để đứng. Nhiều khi không đội cả mũ sắt vì… vướng. Anh em pháo binh bảo bọn tớ: Các anh còn nguy hiểm hơn chúng em, với chúng em, nó (máy bay Mỹ) bổ nhào, chúng em bắn vỗ vào mặt, nó phải ngóc lên tránh, hất bom ra xung quanh”.
Cái tên “Song hỉ” là của nhà báo Trần Dũng (Đại tá, nguyên Trưởng phòng Thông tấn quân sự) theo cái lý người xưa “công thành” rồi… lấy được vợ.
Bộ ảnh “Hôm nay chúng ta chưa chết”
Cả ba nhà báo Hứa Thanh Kiểm, Lương Nghĩa Dũng và Vũ Văn Tạo cùng là giáo viên trong quân đội. Khi chiến tranh nổ ra năm 1965, họ đều viết đơn xung phong ra chiến trường. Và thay vì cho họ cầm súng, cấp trên điều động họ cầm máy ảnh để chụp những người lính, rồi được biệt phái sang Thông tấn xã Việt Nam trong cơ cấu của Tổ ảnh chiến sự. Cũng tự nhiên thành tổ ba người - cái đơn vị nhỏ nhất, độc đáo của lực lượng vũ trang Việt Nam - trong đơn vị ảnh báo chí đặc thù ngày ấy. Ở đâu “nóng” là họ có mặt. Với cái “lợi thế” là bộ đội (nhà báo Nghĩa Dũng và Hứa Kiểm mang quân hàm Thiếu úy, Vũ Tạo mang quân hàm Chuẩn úy) tổ ba người tiếp cận được rất nhiều trận đánh, chiến dịch. Từ cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đến các tuyến lửa khu 4, chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Trị, đường 559, chiến dịch đường 9 - Nam Lào, Khe Sanh - Quảng Trị, rồi tiếp đến các chiến dịch giải phóng miền Nam…
Với nhà báo Hứa Kiểm, chuyến đi mà ông nhớ mãi là vào năm 1968 trên đường Trường Sơn với anh lái xe cũng là “đồng nghiệp” cũ, giáo viên dạy văn. Chuyến vượt cung đường lửa ATP (cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Pu La Nhích - tuyến Đông Trường Sơn qua tỉnh Quảng Bình) trong một ngày chết hụt 6 lần. Điều ông nhớ nhất không phải là sự chết hụt ấy mà là cách cười và nói đầy ngạo nghễ của người lái xe: “Thưa thủ trưởng, ở đây chúng tôi không nói chết hụt mà nói: Hôm nay chúng ta chưa chết”. Không biết có phải do “hợp duyên” với người lái xe - đồng nghiệp cũ hay không, mà cái ngày 6 lần chết hụt ấy cho ông bộ ảnh tuyệt vời về cung đường lửa ATP. Năm 2015, nhà nhiếp ảnh người Pháp Patrich Chauvel đã chọn 6 trong số những bức ảnh ngày ấy trang trọng đưa vào cuốn sách ảnh chiến tranh Ceux Du Nord. Cũng bộ ảnh tưởng như đã bị lãng quên ấy của nhà báo Hứa Kiểm với tên gọi “Đường 20 Quyết Thắng”, đầu năm 2016 đã được đưa vào xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lĩnh vực Nhiếp ảnh. Bên cạnh tên gọi chính thức ấy, nhà báo Hứa Kiểm vẫn thích bộ ảnh ấy với tên khác, từ câu nói đầy ngạo nghễ của người lái xe Trường Sơn: “Hôm nay chúng ta chưa chết”.
Một điều cũng khá ngạc nhiên là trong số trên một vạn tác phẩm của nhóm ba người, hiện lưu giữ trong kho tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam có rất nhiều lô ảnh cả trăm chiếc mang cặp tên: Hứa Kiểm - Nghĩa Dũng, Hứa Kiểm - Vũ Tạo, Nghĩa Dũng - Vũ Tạo, thậm chí có lô ảnh mang tên cả ba người. Ông Hứa Kiểm và cả ông Vũ Tạo khi còn sống cũng… chịu, không nhớ được tấm nào của ai. Lý giải về điều này, nhà báo ông Hứa Kiểm chia sẻ: “Ngày ấy chúng tớ cứ chụp, gửi về, hết trận này đến trận khác liên miên, đâu có thời gian để phân tách, mà cũng nghĩ gì đến việc tách bạch của ai với ai. Mình làm, miễn là hoàn thành nhiệm vụ chung… Chuyện tác giả với tác phẩm là sau này, mà với chúng tớ cũng không quan trọng lắm, ba người cũng như một thôi”.
Chuyến đi ngày giáp Tết
Đêm 26 tháng Chạp giáp Tết Nhâm Tý (1972) có một chiến xe U-oát từ Hà Nội chở theo 4 nhà báo băng vào chiến trường Quảng Trị chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Hai trong số họ là Nghĩa Dũng và Vũ Tạo. Các ông đi, hay đúng hơn là trở lại vì cũng vừa rời chiến trường ấy ít ngày trong chiến dịch đường 9 Nam Lào cuối năm 1971, đầu 1972. Nhà báo Hứa Kiểm không tham gia chuyến đi vì bệnh nặng sau thời gian dài ở chiến trường.
Tác phẩm “Nữ dân quân Ngư Thủy đánh trả tàu chiến Mỹ” của Lương Nghĩa Dũng, trong bộ ảnh: “Những khoảnh khắc đề lại” đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. |
Năm 2007, các nhà báo Lương Nghĩa Dũng và Vũ Văn Tạo đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: “Đấu pháo ở Dốc Miếu” và “Hiên ngang”. Trong đợt bình xét tác phẩm trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đang xét duyệt năm 2016, nhà báo Hứa Thanh Kiểm được đề cử Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh “Đường 20 Quyết Thắng”, nhà báo Lương Nghĩa Dũng được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại”. |
Ngày nổ súng mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Nghĩa Dũng chụp được hình ảnh bộ đội ta xung phong đánh chiếm cao điểm 365 lúc 17 giờ 30 phút ngày 30.3.1972. Cách đó không xa, ông Vũ Tạo chụp bức ảnh bắt sống lính Việt Nam Cộng hòa ở động Toàn. Suốt những ngày chiến dịch, họ có mặt trên những điểm nóng: điểm cao 365, động Toàn, động Ông Gio, căn cứ Đầu Mầu, sân bay Ái Tử, cầu Quảng Trị... Đánh giá về các ông, nhà nhiếp ảnh Tim Page, phóng viên hãng AP cũng có mặt ở Quảng Trị năm 1972, người sau này quay lại Việt Nam thực hiện dự án ảnh “Hồi Niệm” khi tìm đến tư liệu của các ông Nghĩa Dũng và Vũ Tạo trong chiến dịch này đã nói: “Thật khó tin, các ông ấy có mặt gần như ở khắp mọi nơi”. Sáng 1.5.1972, đúng vào buổi sáng Quảng Trị giải phóng, nhà báo Nghĩa Dũng hy sinh khi đi cùng một cánh quân thiết giáp đánh vào phía nam Quảng Trị.
Tổ ba người chỉ còn hai, các nhà báo Hứa Kiểm và Vũ Tạo vẫn tiếp tục đi hết cuộc chiến và có mặt ở Sài Gòn cùng những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975. Rồi họ tiếp tục hành quân cùng những người lính sang Campuchia; lên biên giới phía bắc.
Năm 1988 cả nhà báo Hứa Kiểm và Vũ Tạo cùng nghỉ hưu, trở về với ruộng đồng ở Hải Hậu (Nam Định) và Bình Lục (Hà Nam). Họ rời nghề lặng lẽ, gần như quên có một thời họ chiếm lĩnh những trang báo. Lặng lẽ “biến mất” đến độ, trong đợt bình xét tác phẩm đưa vào cơ cấu Giải thưởng Nhà Nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt năm 2007) dù được đề nghị ở mức cao nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác phẩm “Hiên ngang” nhưng nhà báo Vũ Tạo không khỏi bị ý kiến phê bình là đã... “xa rời nghề ảnh”. Có một điều rất lạ, suốt cả chặng đường gắn với “nghiệp ảnh” hình như họ không chụp gì khác ngoài người lính và những cuộc chiến.
MINH QUÂN