Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ

PHẠM PHÚ PHONG 19/06/2017 08:42

Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ra đời ở Sài Gòn năm 1865 là tờ Gia Định báo, do Ernest Potteaux làm chánh tổng tài và Trương Vĩnh Ký làm chủ bút. Bốn mươi năm sau, năm 1905 ở Hà Nội mới xuất hiện tờ báo Quốc ngữ đầu tiên (cùng với chữ Hán) là tờ Đại Việt quan báo, do Ernest Babus sáng lập và Đào Nguyên Phổ làm chủ bút. Mãi đến đầu năm 1917, nghĩa là hơn nửa thế kỷ sau, ở miền Tây Nam Bộ mới có tờ báo Quốc ngữ đầu tiên là An Hà nhựt báo, do nhóm trí thức người Việt gồm thông phán Võ Văn Thơm, nhà giáo Trần Đắc Nghĩa, cai tổng Lê Quang Chiểu, đứng ra sáng lập, với sự tham gia của các cây bút như Nguyễn Tất Đoài, Trương Quang Tiền…

Trước đó, vào năm 1911, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh về in ấn và phát triển văn hóa phẩm ở miền Tây, Gallois Montbrun - một luật sư người Pháp, có văn phòng tại TP.Cần Thơ, đã cùng với các ông Võ Văn Thơm, Trần Đắc Nghĩa, Lê Quang Chiểu đứng ra thành lập Imprimerie de l’Ouest (Nhà in miền Tây - nay là số 35 Phan Đình Phùng, TP.Cần Thơ). Nơi đây trở thành trung tâm nổi tiếng khắp vùng, chuyên in ấn sổ sách, giấy tờ, nhãn hiệu, thông báo cho các cơ quan công quyền và cả tư nhân. Có nhà in trong tay, nhóm trí thức giỏi cả hai thứ tiếng Việt và Pháp này đã cho ra đời tờ báo tiếng Pháp đầu tiên của miền Tây là tờ Le Courrier de l’Ouest (Bản tin miền Tây). Đây là tờ báo lưu hành trong địa phương, chỉ có hai trang, khổ nhỏ; trên danh nghĩa là tuần tin, nhưng thực tế, hai ba tuần mới ra được một số, do ông Võ Văn Thơm là chủ bút và ông Trần Đắc Nghĩa làm quản lý. Báo chủ yếu đăng các bố cáo, tin tức thông tin về các lĩnh vực hành chính, thương mại, canh nông, kỹ thuật, giao thông, các sự kiện diễn ra trong địa phận Cần Thơ và miền Tây Nam Bộ. Báo ít độc giả, vì quá ít người biết tiếng Pháp, đội ngũ làm báo cũng thiếu kinh nghiệm, lực lượng cộng tác viên mỏng, nên tờ báo chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, rồi đình bản. Tuy tuổi thọ không dài, nhưng tờ báo đã đặt một tiền đề quan trọng, đánh thức, nung nấu ý chí và hé mở một con đường về sau, cho các trí thức giàu tâm huyết mang khát vọng canh tân văn hóa nước nhà đi tiếp.

Đầu năm 1917, được sự hậu thuẫn của luật sư Gallois Montbrun, ông Võ Văn Thơm đã đứng ra vận động và hợp tác với một số nhân sĩ có uy tín trong vùng, cho ra mắt tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ là An Hà nhựt báo. Do điều kiện kinh phí, không thể duy trì được nhựt báo, nên cuối năm 1917, An Hà nhựt báo đổi thành An Hà báo và tồn tại cho đến năm 1934. Báo ra vào chiều thứ Bảy hàng tuần, phát hành rộng rãi ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giá bán mỗi năm 5 đồng, 6 tháng 3 đồng. Báo có khổ lớn, hình thức đơn giản, các cột báo đặt song song cạnh nhau, hết bài này đến bài khác. Về nội dung, báo đăng tải các thông báo có tính chất hành chính, những tin tức thời sự trong và ngoài nước, nhất là những sự kiện trong vùng miền Tây Nam Bộ. Người ta tìm thấy ở đây những tin tức về thế giới như nạn đói ở Nga, lụt lội ở Nhật Bản hoặc tin trong nước về chính sách của người Pháp ở Đông Dương… Ngoài ra, báo còn dành dung lượng đáng kể cho các mục sáng tác, bình luận văn chương Quốc ngữ. Một số lượng hết sức phong phú những tác phẩm thuộc các thể văn mang tính chất thông tấn hiện đại như tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, du ký, tùy bút, thơ, dịch thuật và các trước tác biên khảo văn chương, biên khảo lịch sử - văn hóa, sưu tầm văn học dân gian… được đăng tải ở đây. Hầu như không có số nào không in những bài thơ, truyện ngắn, hoặc những bài ký thể hiện hồn cốt của xứ sở sông nước kênh rạch ở miệt vườn. Ẩn dưới chiêu bài phục vụ lợi ích chính trị của người Pháp, như tuyên bố của chủ bút về màu sắc của hình bìa tờ báo, rằng “năm thứ nhứt, bìa trắng, năm thứ nhì bìa xanh, năm thứ ba bìa đỏ, và như vậy nó sẽ được tạo thành lá cờ tam sắc” (An Hà báo, số 34 ngày 20.9.1917), nhưng thực ra bên trong chứa đựng lòng yêu nước thiết tha. Bên cạnh Hà Tiên, cố đô Tây đô là nơi có truyền thống văn chương nghệ thuật, từng hội tụ những hồn thơ yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu, hoặc các nhà văn, nhà soạn tuồng như Trương Duy Toản, Nguyễn Trọng Quyền, Lê Mộng Trần, dưới sự o ép, đe dọa và khủng bố của chính quyền thực dân, báo chí không thể phản ánh lòng yêu nước một cách trực tiếp, mà thác lời thông qua văn chương, thể hiện qua thế giới hình tượng, về nhiệt huyết và tinh thần dân tộc, soi sáng con đường khai dân trí, mưu cầu lợi ích dân sinh. Dễ nhận ra lòng yêu nước, khát vọng nâng cao dân trí, giữ gìn truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục, củng cố niềm tin vào đời sống tinh thần của con người có lối sống hào phóng, trọng nghĩa khí và thấm đẫm nhân văn. Giờ đây, đọc lại những trang báo cũ, đọc lại những bài viết như Chơi với bảy ngày xuân (Lê Chơn Tâm), Tôi ưa coi hát bội (Thế Trung), Nhìn hoa nhớ bạn (Cuội Minh),… hoặc bài thơ Cây đèn chong (Phạm Bá Đại) như một lời tuyên ngôn, toát ra hơi thở của sự sống và tinh thần nhân văn ấy.

Báo chí là sản phẩm của đời sống thị dân. Báo chí chỉ có thể ra đời, tồn tại và phát triển ở những đô thị trung tâm. Ở thời điểm này, trung tâm báo chí là Sài Gòn, hầu hết trí thức muốn thành danh đều bỏ miền Tây (Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoàng Mưu…) lên Sài Gòn hành nghiệp. Vậy mới thấy tâm huyết của những người chủ trương An Hà báo, khi họ biết hướng về đối tượng trung tâm là những người chân lấm tay bùn, mới thuộc mặt chữ, còn lạ lẫm với đời sống văn chương chữ nghĩa ở những vùng quê hẻo lánh.

Dòng sông thời gian đã chảy qua vừa tròn 100 năm (1917-2017), lật lại từng trang báo cũ, vẫn lấp lánh ánh sáng văn hóa, như một chứng nhân lịch sử, thể hiện niềm tự hào của người dân miền Tây, không chỉ có khí chất ngang tàng trong chiến đấu chống lại sự khắc nghiệt của tự nhiên và kẻ thù xâm lược, mà còn biết nung nấu ý chí, có tư chất nghệ sĩ, để sáng tạo nên những di sản tinh thần, đủ sức sống lâu bền và luôn vẫy gọi thế hệ sau noi theo.

PHẠM PHÚ PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO