Từ đầu năm 2019, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (đóng tại huyện Nông Sơn) đã chuyển từ hình thức giao khoán bảo vệ rừng (BVR) cho nhóm hộ, cộng đồng sang tổ BVR chuyên trách. Tuy lực lượng giữ rừng giảm đi rất nhiều so với trước đây, nhưng nhờ ràng buộc trách nhiệm cụ thể với người nhận khoán, nên đã trả lại bình yên cho những cánh rừng ở dãy Đông Trường Sơn.
Sức trẻ xuyên rừng
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi theo chân tổ công tác BVR chuyên trách gồm 14 người của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, tuần tra nhiều vạt rừng ở dãy Đông Trường Sơn, thuộc địa phận 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm (Nông Sơn). Địa điểm kiểm tra đầu tiên là khoảnh rừng thuộc thôn Cấm La (xã Quế Lâm). Ven đường Đông Trường Sơn bạt ngàn rừng cao su do Nông trường Cao su Nông Sơn trồng, xuyên sâu vào bên trong vài cây số là rừng đặc dụng của khu bảo tồn rậm rạp.
Khoa, quê Tam Tiến (Núi Thành) tròn 20 tuổi, vừa lên công tác ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, cho biết ở đơn vị có 2 tổ BVR chuyên trách (mỗi tổ 6 người). Mỗi tuần tổ đi tuần tra liên tục 5 ngày, nhân viên gối đầu nhau nghỉ tối đa 2 ngày/tuần. “Mỗi lần đi kiểm tra rừng, anh em đều mang theo đồ dùng cá nhân, lương thực, thực phẩm phục vụ dài ngày. Có lúc dựng bạt, móc võng ngủ lại qua đêm trong rừng. Đã làm việc ở đây thì phải chấp nhận xem rừng như ngôi nhà di động, không có chuyện tuần tra rừng ở cổng gác hay trên bàn giấy” - Khoa chia sẻ.
Qua một con suối chảy róc rách, tổ BVR dừng lại nghỉ ngơi, anh em chụm lại mở bản đồ ranh giới, bấm máy đo định vị tọa độ ra xem. Ông Mai Văn Dưỡng – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi nói, rừng Đông Trường Sơn ở Quế Lâm rất đẹp bởi tán khép kín, nhìn ngút ngàn màu xanh. “Bằng con mắt nghề, chỉ cần phóng xe trên đường là anh em biết rõ địa bàn nào, ví dụ qua huyện Nam Giang thì rừng khá nghèo phần lớn bị cạo trọc, còn Nông Sơn thì giàu đa dạng sinh học. Từng công tác ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, mình thấy ở Phước Ninh và Quế Lâm còn nhiều diện tích rừng đẹp” – ông Dưỡng nói.
Trưa mưa rừng xối xả. Nhóm BVR dừng chân chân cầu thủy điện Khe Diên. Trong giây lát, một bếp lửa di động chất đầy củi khô bắt đầu cháy bập bùng. Những xâu thịt làm sẵn đem ra nướng thơm lừng, phục vụ cho bữa ăn trưa giữa rừng. Hầu hết nhân viên BVR rừng chuyên trách mặc áo quần đồng phục giống như lực lượng kiểm lâm.
“Lính trẻ” Từ Ngọc Tấn, quê xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) tốt nghiệp trung cấp nông lâm ở Tam Kỳ, vừa ký hợp đồng BVR với đơn vị được 2 tháng, cho biết tháng lương đầu tiên nhận 3,6 triệu đồng, đơn vị đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên cũng an tâm công tác lâu dài. Ngoài ra, tiền ăn tuần tra trong rừng còn được chi trả 50 nghìn đồng mỗi ngày. Hầu hết lực lượng BVR chuyên trách của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều anh em chưa lập gia đình nên họ không ngại gian khó khi bám rừng dài ngày.
Chuyển biến từ thay đổi hình thức giữ rừng
Trong 9 tháng đầu năm 2019, ngoài phát hiện tịch thu gần 10m3 gỗ tàng trữ, vận chuyển trái phép, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi còn phá hủy 16 lán trại dựng trái phép, tháo dỡ 160 bẫy động vật hoang dã, trục xuất 1 phương tiện ghe máy ra khỏi lòng hồ thủy điện Khe Diên, thu 3 khẩu súng săn tự chế bàn giao cho Công an huyện Nông Sơn xử lý.
Tháng 10.2017, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi được thành lập và đi vào hoạt động. Đơn vị nhận chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam và Bắc Quảng Nam tại các lưu vực thủy điện Khe Diên và Duy Sơn 2 với tổng diện tích hơn 5.867ha.
Lưu vực thủy điện Khe Diên gồm 2 huyện Nông Sơn và Đại Lộc, gồm 37 nhóm hộ tham gia nhận khoán BVR với tổng diện tích 5.788,6ha; còn lưu vực thủy điện Duy Sơn 2 chỉ có 1 nhóm hộ tham gia bảo vệ 78,6ha. Cũng như nhiều chủ rừng khác, trước thời điểm năm 2019, triển khai chính sách chi trả DVMTR, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi chọn hình thức giao khoán BVR cho nhóm hộ, cộng đồng.
Lưu vực thủy điện có diện tích nhỏ, đơn giá thấp, mức chi trả mỗi héc ta dưới 200 nghìn đồng/năm, trong khi hộ dân tham gia BVR đông. Tiền chi trả môi trường rừng quá thấp, chưa đủ chi phí để tuần tra nên hầu như người dân không thiết tha với trách nhiệm BVR. Nhiều trường hợp gia đình nhận tiền chi trả DVMTR nhưng chưa một lần tham gia theo dõi rừng. Tháng 11.2018, đoàm giám sát HĐND huyện Nông Sơn khi thực hiện chức năng giám sát đã đánh giá rằng, hình thức giao khoán BVR theo nhóm hộ kém hiệu quả, còn nhiều bất cập bởi hầu hết trường hợp đều không thực hiện đúng nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng nhận khoán, tuần tra rừng chỉ mang tính hình thức.
Từ tháng 1.2019, chủ rừng này chấm dứt hợp đồng giao khoán với nhóm hộ và chuyển sang mô hình BVR chuyên trách. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi - ông Mai Văn Dưỡng thông tin, đến nay đơn vị đã ký kết hợp đồng với 13 người biên chế vào tổ BVR chuyên trách. Trong đó 10 người có trình độ đại học, 3 người có trình độ trung cấp và lao động phổ thông. Tất cả nguồn tiền chi trả DVMTR cho nhóm hộ trước đây đều dùng phục vụ chi trả lương, phụ cấp cho nhân viên. Do đơn giá chi trả lưu vực thủy điện nhỏ thấp nên thời gian qua, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã hỗ trợ chi bù thêm cho đủ mặt bằng chung là 400 nghìn đồng/ha/năm. Thời gian qua, với các lưu vực chi trả thấp dưới 200 nghìn đồng/ha/năm, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng đều cân đối hỗ trợ thêm cho đủ mức quy định tối thiểu từ nguồn tiền chưa có đối tượng chi trả.
Theo ông Dưỡng, tổ BVR chuyên trách hiện nay có đủ sức khỏe, trình độ năng lực để giám sát rừng hiện đại. Phần lớn họ đều có kiến thức lâm nghiệp, qua đào tạo chuyên môn về lĩnh vực lâm nghiệp nên giữ rừng rất hiệu quả, chứ không như trước đây người đông nhưng không mạnh. “Các thành viên có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp nên sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp. Qua gần 9 tháng chuyển đổi mô hình, đã thấy rõ rệt sự chuyển biến tích cực, hạn chế được tình hình khai thác lâm sản trái phép. Diện tích rừng cung ứng DVMTR không còn việc xâm lấn, đốt nương làm rẫy” – ông Dưỡng quả quyết.
Theo ông Phan Quang Tĩnh, cán bộ Quỹ bảo vệ - phát triển rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi là một trong hai đơn vị được UBND tỉnh chọn thực hiện thí điểm mô hình BVR chuyên trách. Phải trải qua thực tiễn mới đúc kết đánh giá toàn diện mô hình, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, hình thức BVR chuyên trách có tính ưu việt, hiệu quả hơn giao khoán BVR cho nhóm hộ. Bởi nhân viên giữ rừng có nguồn thu nhập ổn định, với sức trẻ và trình độ chuyên môn chắc chắn họ sẽ quản lý, BVR rừng tốt hơn… Chính việc dùng công nghệ, lực lượng sử dụng thành thạo công nghệ, cùng với quy trách nhiệm cụ thể cho tổ BVR chuyên trách, rừng sẽ được theo dõi, giám sát xuyên suốt, nhờ đó nguồn tài chính chi trả DVMTR mới đúng đối tượng và đạt mục đích sử dụng cao nhất.