Tổ chức góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Chu đáo, hiệu quả

LÊ VŨ 19/03/2013 08:16

Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh đã hoàn thành bước đầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian qua, công tác lấy ý kiến góp ý trên địa bàn tỉnh được triển khai chặt chẽ, chu đáo, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân.  Ảnh: L.V
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân. Ảnh: L.V

Lấy ý kiến sâu rộng trong toàn dân

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực HĐND và UBND tỉnh đã phối hợp tổ chức triển khai, chỉ đạo các sở, ban ngành, các huyện, thành phố của tỉnh tích cực triển khai lấy ý kiến nhân dân ngay từ đầu tháng 2. Đặc biệt, để công tác lấy ý kiến góp ý đạt hiệu quả, UBND tỉnh thành lập Tổ giúp việc gồm 15 thành viên, trong đó giao Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) làm chủ công.

Theo Giám đốc Sở TN-MT Dương Chí Công - Tổ tưởng tổ giúp việc, để việc góp ý đem lại hiệu quả, nhiều hình thức lấy ý kiến được triển khai như tổ chức hội nghị, tọa đàm, mở chuyên mục trên trang tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và Sở TN-MT. Đồng thời, Tổ giúp việc phát hành văn bản mời, đặt hàng một số nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, cán bộ hưu trí tham gia góp ý dưới hình thức bài viết; thiết lập các địa chỉ cụ thể để tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi đó, các cơ quan chuyên ngành như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an tỉnh, các Sở Tư pháp, TN-MT, NN&PTNT xây dựng chuyên đề góp ý sâu về các nội dung có liên quan trong Dự thảo. Cũng theo ông Dương Chí Công, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong sửa đổi Luật Đất đai, thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, Tổ giúp việc, Sở TN-MT, các đơn vị, địa phương đã triển khai công tác lấy ý kiến một cách rộng rãi, dân chủ, công khai trong toàn dân. Hầu hết ý kiến được Tổ giúp việc tổng hợp, báo cáo đầy đủ.

Nhiều điểm mới phù hợp thực tiễn

Những hạn chế cần bổ sung, sửa đổi

Theo bản tổng hợp báo cáo sơ bộ của Tổ giúp việc, ngoài những đóng góp cụ thể vào các điều, khoản, mục, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo vẫn còn một số hạn chế cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Chẳng hạn, Dự thảo chưa giải quyết triệt để những tồn tại của thực tiễn, đặc biệt là về giá đất, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, quy định việc giải quyết các khiếu nại, tranh chấp đất đai. Bên cạnh đó, một số điều, khoản quy định chưa chặt chẽ, thiếu rõ ràng, gây khó hiểu, khó áp dụng, dễ xảy ra tiêu cực; đặc biệt là chưa được “luật hóa” cụ thể, còn phải chờ các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Có ý kiến cho rằng, Dự thảo có quy định về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nhưng chưa thấy tính đến sinh kế và quyền lợi lâu dài cho người dân. Điều người dân quan tâm nữa là, việc quy định thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được giao cho các cá nhân (Chủ tịch UBND) thay vì tổ chức (UBND) như Luật Đất đai 2003 sẽ dễ nảy sinh tiêu cực trong quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai.

Tổng hợp ý kiến đánh giá của nhân dân cho thấy, Dự thảo lần này tiếp tục kế thừa, phát huy những ưu điểm và cơ bản giải quyết các tồn tại mà thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2003. Nội dung Dự thảo phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật đất đai mà Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đề ra. Nhiều ý kiến nhìn nhận, Dự thảo lần này có nhiều điểm mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có tính dự báo ổn định và lâu dài. Trong đó, Dự thảo đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Dự thảo cũng đã tạo sự chủ động khi quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập quỹ phát triển đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng, quy định khu xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Nhân dân ở khu vực nông thôn đánh giá, Dự thảo đã thể hiện được sự quan tâm đến nông nghiệp - nông thôn - nông dân khi kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân cũng như hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; đồng thời có quy định riêng về chế độ sử dụng đất trồng lúa.

Nhân dân cũng đồng tình khi Dự thảo đã hình thành khung pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân. Qua đó, người dân mong sẽ tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; ngành chức năng hy vọng góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai bằng cơ chế tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Dự thảo lần này cũng đã quy định rõ hơn về các trường hợp thu hồi đất, trường hợp được bồi thường và không được bồi thường, cũng như các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cũng như thực hiện định giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước...

Dự thảo sẽ được Thường trực HĐND, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân trên địa bàn tỉnh cho đến 31.3, theo lộ trình triển khai của Trung ương.

LÊ VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổ chức góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Chu đáo, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO