Tổ chức lại nghề khai thác hải sản - Bài 2: Bảo vệ nguồn lợi hải sản gần bờ

NGUYỄN QUANG VIỆT 02/07/2013 08:27

Nguồn lợi hải sản trên vùng biển gần bờ của tỉnh bị suy giảm do việc tổ chức khai thác chưa hợp lý, tình trạng vi phạm ngư trường vẫn thường xuyên xảy ra… Để bảo vệ nguồn lợi hải sản gần bờ rất cần sự vào cuộc của cộng đồng.

Nhiều vi phạm

Tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ngay ở một diện tích không quá lớn đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, việc xâm hại nguồn lợi vẫn xảy ra. Còn nhớ, ngày 1.4, Đội tuần tra Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phát hiện 2 phương tiện khai thác hải sản đang lặn đêm khai thác tôm hùm trái phép tại Hòn Tai. Đó là các tàu cá QNa-00566 TS của ông Nguyễn Hữu Anh và QNa-00594 TS của ông Trần Thanh Hiếu (cùng trú thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành). Lực lượng tuần tra đã phát hiện 10 cá thể tôm hùm đỏ có trọng lượng 1,3kg đã bị khai thác trái phép. Sự việc chưa lắng lại thì ngay ngày hôm sau 2.4, đơn vị kịp thời ngăn chặn việc khai thác, mua bán và vận chuyển trái phép 50kg tôm hùm tại xã đảo Tân Hiệp. Khối lượng lớn tôm hùm này đã được 16 phương tiện hành nghề khai thác hải sản ven bờ của huyện Núi Thành khai thác trái phép và bán lại cho người dân địa phương.

Khai thác hải sản gần bờ không hợp lý sẽ làm suy giảm nguồn lợi. TRONG ẢNH: Nghề lưới dày vùng bãi ngang. Ảnh: M.HẢI
Khai thác hải sản gần bờ không hợp lý sẽ làm suy giảm nguồn lợi. TRONG ẢNH: Nghề lưới dày vùng bãi ngang. Ảnh: M.HẢI

Ông Phạm Thành Hồng Lĩnh - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết dù đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt nhưng ngư dân vẫn lén lút khai thác hải sản trái phép tại khu bảo tồn biển, tác động xấu đến đa dạng sinh học. Để hạn chế tình trạng này, cần có sự vào cuộc của cộng đồng. Đây cũng là ý tưởng cho việc ra đời của mô hình đồng quản lý thủy sản tại 3 xã vùng biển là Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Hải (Thăng Bình) và Tam Tiến (Núi Thành) do Chương trình sinh kế thủy sản khu vực Nam và Đông Nam Á phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm triển khai. Đến thời điểm này, sau hơn 6 tháng thực hiện, có thể khẳng định kết quả lớn nhất của mô hình là đã xác lập được vùng biển đồng quản lý thủy sản cho 3 xã thí điểm cũng như đối tượng và phương thức quản lý tương ứng…

Cộng đồng bảo vệ

Mặc dù đã thu được những thành công nhất định nhưng các mô hình đồng quản lý được thành lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Đó là phương pháp xác định ranh giới trên biển chưa rõ ràng, ban đồng quản lý chưa được trang bị phương tiện tuần tra phát hiện vi phạm... Theo ông Lê Ngọc Thảo - cán bộ phụ trách của mô hình đồng quản lý nghề cá tại 3 xã ven biển (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), thời gian tới, mô hình cần nhanh chóng khắc phục tình trạng vi phạm của các phương tiện khai thác đến từ nhiều địa phương. Trước hết phải có hình thức thích hợp để hỗ trợ sinh kế cho các hộ khai thác hải sản tham gia mô hình. Ngoài ra, cần tăng cường tổ chức giám sát các nguồn lợi hải sản, đa dạng sinh học tại các mô hình; phát triển, mở rộng mô hình đồng quản lý cho cộng đồng dân cư tại địa phương gắn kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng. Cùng với đó là quản lý, khai thác, sử dụng các giá trị tài nguyên hiệu quả để phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái biển và đảm bảo an sinh xã hội.

Cần thực hiện tốt quy hoạch sử dụng không gian biển
Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (Trung tâm Nghiên cứu biển và hải đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội), từ nay đến năm 2020, trong việc phát triển kinh tế biển, các địa phương ven biển cần chú ý bảo vệ tài nguyên biển, tái tạo và sử dụng khôn khéo các nguồn tài nguyên biển không tái tạo; định kỳ kiểm kê để nắm vững và kiểm soát tốt tình hình sử dụng biển và hải đảo; quy hoạch và sử dụng tốt không gian vùng bờ và biển, hải đảo; nắm vững tiềm năng tài nguyên và môi trường biển theo vùng kinh tế - sinh thái ở địa phương... Từ các cơ sở dữ liệu biển và hải đảo, các địa phương có thể hoạch định kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế biển tại địa phương sát với thực tế nguồn lực.

Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho rằng, từ thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh, mô hình quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng là giải pháp quan trọng để tổ chức lại hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản ở vùng biển gần bờ. “Cùng với việc cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để phát triển bền vững và quản lý tốt nghề cá, Quảng Nam rất cần hình thành một khung pháp lý để hạn chế số lượng tàu thuyền tham gia khai thác tại vùng bờ, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá, hạn chế việc khai thác không theo mùa, đánh bắt hủy diệt hoặc sử dụng mắt lưới quá nhỏ. Đây là việc rất cần thiết khi mà chúng ta có ngư trường trải rộng, số lượng tàu thuyền lớn nhưng có nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, từ những nghề gây tổn hại đến nguồn lợi hải sản sang các nghề khác ngoài khai thác hải sản cũng cần thiết” - ông Giỏi nói.

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, có rất nhiều kiểu sai phạm về khai thác hải sản ven bờ trên địa bàn tỉnh. Đó có thể là khai thác không đúng ngư trường, mắt lưới không đúng quy định hay sai phạm về sử dụng chất nổ, xung điện… Đáng nói nhất là có các trường hợp chỉ vừa lập biên bản phạt tiền thì lại vi phạm ngay sau đó. Ngư dân biết sai nhưng vẫn vi phạm là một thực trạng rất khó giải quyết. Ông Định nói thêm: “Xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ nguồn lợi; xây dựng các mối quan hệ tương hỗ giữa ngành thủy sản với các ngành kinh tế khác tại địa phương nhằm phát triển nghề cá bền vững; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng ngư dân là những việc làm cần kíp hiện nay để bảo vệ nguồn lợi hải sản gần bờ”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổ chức lại nghề khai thác hải sản - Bài 2: Bảo vệ nguồn lợi hải sản gần bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO