Tổ chức lại nghề khai thác hải sản - Bài cuối: Đảm bảo hậu cần nghề cá

NGUYỄN QUANG VIỆT 03/07/2013 08:40

Để nâng cao hiệu quả khai thác và giá trị sản phẩm, ngành thủy sản Quảng Nam rất cần những cơ chế khuyến khích phát triển hậu cần nghề cá, đáp ứng nhu cầu khai thác, tiêu thụ sản phẩm của ngư dân.

Hiệu quả sản xuất thấp

Thời gian qua, giá mực khô trên thị trường liên tục giảm sút. Vào thời điểm này, giá mực chỉ ở mức 55 nghìn đồng/kg khiến ngư dân khai thác mực khơi gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngư dân cho rằng đầu ra của sản phẩm mực xà hiện do thương lái Trung Quốc định đoạt nên dẫn đến tình trạng ép giá. Do đầu ra của sản phẩm bị khống chế nên ngư dân phải bán với giá thấp, nếu không bán rẻ, giữ sản phẩm lại thì để lâu, mực bị mất mùi, có vị đắng càng bị giảm giá. Như vậy, việc mực khô bị “rớt” giá không chỉ là câu chuyện của riêng đầu ra sản phẩm mà còn là chuyện bảo quản sản phẩm, kết nối sản xuất - cung ứng thị trường, chuyện rất dài của ngành thủy sản Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. “Trong khi nhiều nguồn nguyên liệu dồi dào của chúng ta, như mực lá chẳng hạn chỉ đem bán thô với giá rẻ cho thương lái nước ngoài đem về chế biến thì rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta phải nhập nguyên liệu với giá rất cao về chế biến rồi xuất bán để thu lợi nhuận theo kiểu gia công. Chừng nào chúng ta làm chủ được nguồn nguyên liệu của chính mình thì mới nâng cao được giá trị sản phẩm” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam nói.

Đảm bảo dịch vụ hầu cần tại các vùng biển xa là điều cần thiết hiện nay.Ảnh: Q.V
Đảm bảo dịch vụ hầu cần tại các vùng biển xa là điều cần thiết hiện nay. Ảnh: Q.V

Nghề lưới vây trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Cái khó lớn nhất của nghề này là chưa có được tàu dịch vụ hậu cần cùng tham gia quá trình sản xuất trên biển xa để kịp thời tiếp nhiên liệu và thu mua hải sản tươi về bán tại đất liền. Điều này đã khiến các phương tiện phải thường xuyên vào ra đất liền làm giảm thời gian bám biển. Ngoài ra, do thời gian bám biển dài (khoảng 20 ngày) nhưng việc bảo quản hải sản trên tàu chưa đảm bảo nên chất lượng sản phẩm bị giảm sút, giá bán thấp.  

Nhiều ngư dân cho biết có khi họ bị thương lái ép giảm giá đến 1/3 mức bình thường. Để khắc phục điểm yếu này, hiện ở xã Tam Quang (Núi Thành), nhiều ngư dân sản xuất lâu năm, tích lũy số vốn lớn đã đóng thêm tàu mới, thành lập đội tàu từ 2 - 3 chiếc trở lên, hỗ trợ nhau sản xuất. Một số ngư dân huyện Núi Thành cũng mạnh dạn đóng tàu có công suất lớn để vươn khơi thu mua sản phẩm. Nghề mới này đã ít nhiều khắc phục được sự giảm sút của chất lượng sản phẩm, tuy nhiên nghề hậu cần hiện vẫn chưa phát triển đáp ứng nhu cầu.Theo ngư dân, chỉ cần huy động được số vốn lớn thì các mô hình tương hỗ sản xuất này sẽ trở nên phổ biến, góp phần đưa ngành thủy sản của Quảng Nam phát triển.

Phát triển hậu cần

Hướng đến sản xuất bền vững
Đó là mục tiêu quan trọng nhất của đề án Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, cả nước có khoảng 40% tàu khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết. Trong đó, 90 -100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường; 100% tàu cá khai thác hải sản vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường hạn ngắn (7 - 15 ngày/bản tin). Đề án cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%...

Ông Ngô Tấn cho rằng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này là điều cần thiết. Muốn vậy, phải tổ chức lại việc quản lý sản xuất trên biển, trước hết là tổ chức lại dịch vụ hậu cần nghề cá. Như vậy, các khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm phải được phát triển theo hướng kết nối giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh hải sản. Điều này sẽ tạo mối chia sẻ lợi ích giữa ngư dân khai thác với tổ chức, doanh nghiệp thu mua. “Cùng với việc điều tra nguồn lợi hải sản, xây dựng kế hoạch phát triển tàu cá, cần xác định số lượng tàu cá khai thác phù hợp với từng ngư trường xa bờ. Đồng thời, tổ chức lại công tác quản lý khai thác hải sản vùng khơi, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất” - ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, để giảm độ rủi ro, tăng thời gian bám biển, rút ngắn thời gian đi lại trên biển, giảm chi phí sản xuất, Quảng Nam cần sớm hình thành các khu chế biến trực tiếp trên biển. Mô hình này đã được áp dụng ở rất nhiều nước và đem lại hiệu quả cao. Cùng với việc nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, cần rà soát lại nguồn nhân lực khai thác trên biển để có kế hoạch đào tạo nghề bài bản, bồi dưỡng lao động có kỹ thuật đánh cá xa khơi. Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh cần phát triển để đáp ứng nhu cầu khai thác. Theo đó, để hình thành các tổ, đội tàu thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác vào bờ và cung cấp nhiên liệu, vật tư, cho các tàu đang hoạt động trên biển, cần triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ. Đó là các hình thức hỗ trợ giá sản phẩm, ngư cụ, giá xăng dầu. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế khuyến khích để các tổ chức, cá nhân, các chủ cơ sở thu mua, chế biến hải sản ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến và bảo quản sản phẩm…

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổ chức lại nghề khai thác hải sản - Bài cuối: Đảm bảo hậu cần nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO