UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các ban ngành liên quan, xung quanh việc tổ chức lại mô hình y tế tuyến huyện theo yêu cầu của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế. Đây đã là lần dự thảo thứ 4 của liên Bộ Nội vụ và Y tế về cơ cấu, nhiệm vụ, chức năng của tổ chức y tế tuyến huyện.
Tổ chức y tế tuyến huyện hiện nay được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25.4.2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Theo đó, sở y tế thuộc UBND cấp tỉnh, phòng y tế thuộc UBND cấp huyện; các cơ sở y tế trên địa bàn huyện, kể cả trạm y tế xã và trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đều trực thuộc sở y tế. Điều này dẫn đến việc chồng chéo về quản lý, chỉ đạo tổ chức và chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Ở nhiều địa phương, nhất là miền núi, phòng y tế không phát huy được vai trò trong thực hiện nhiệm vụ của ngành. Dự thảo thay thế cho Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV được liên Bộ Nội vụ và Y tế phối hợp xây dựng đến nay đã là lần thứ 4 nhưng vẫn chưa tìm ra được quan điểm nhất quán cho tổ chức của mô hình này.
Khám chữa bệnh cho người dân ở Trạm Y tế xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang. Ảnh: P.G |
UBND huyện muốn đổi
Để thống nhất và hoàn thiện tổ chức mô hình y tế tuyến huyện, phát huy tốt vai trò của tuyến y tế cơ sở, Bộ Nội vụ có Công văn số 1014/BNV-TCCB lấy ý kiến về việc này. Theo đó, đối với trung tâm y tế (TTYT) và trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, dự thảo đưa ra hai phương án: trực thuộc UBND cấp huyện hoặc trực thuộc sở y tế như hiện nay áp dụng. Tại cuộc họp lấy ý kiến vừa được UBND tỉnh tổ chức, đại diện Sở Nội vụ và UBND các địa phương hầu hết đều nghiêng về phương án: TTYT cấp huyện và trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND cấp huyện. Đại diện Sở Nội vụ cho rằng, trừ bệnh viện hạng 2 trở lên (thực tế rất ít địa phương đạt được điều kiện này) thuộc sự quản lý của sở y tế, các tổ chức còn lại nên giao cho UBND huyện quản lý. Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói: “Nên để UBND cấp huyện quản lý TTYT và trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, nhằm điều hành, tổ chức tốt hơn vai trò của tuyến y tế cơ sở, nhất là thuận tiện cho việc phối hợp triển khai các hoạt động, có cơ chế đầu tư trọng điểm, sâu sát. Trong đó, TTYT cấp huyện thực hiện chức năng về y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh khu vực và trạm y tế cấp xã trên địa bàn huyện là đơn vị y tế thuộc TTYT huyện. Tương tự, trung tâm DS-KHHGĐ cũng nên để UBND huyện quản lý dưới sự giám sát chuyên môn của sở y tế”.
Trên thực tế, việc tổ chức theo mô hình này cũng phát huy được hiệu quả khá tốt tại một số địa phương, nhất là ở khu vực đồng bằng. Như tại TP.Hội An, sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các đơn vị y tế thể hiện rõ trong hoạt động của ngành. Bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh - Giám đốc TTYT Hội An chia sẻ: “Những năm qua, thành phố cũng đã có sự quan tâm, đầu tư hiệu quả, từng bước giúp đơn vị thực hiện tốt hơn vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân và du khách. Việc UBND thành phố quản lý cũng giúp công tác điều hành, tổ chức nhanh gọn, các kiến nghị, đề xuất nhanh chóng được giải quyết. Điều đó cho thấy, UBND cấp huyện vẫn có thể tổ chức, chỉ đạo tốt hoạt động của ngành y tế ở cơ sở, rút ngắn được khoảng cách điều hành, đồng thời thuận tiện hơn cho công tác tổ chức các sự kiện, hoạt động quan trọng của địa phương”.
TTYT huyện đề nghị giữ
Quan điểm của UBND các địa phương là vậy, nhưng những đại diện của TTYT các huyện lại không đồng ý với kiến nghị này, hầu hết đều muốn giữ nguyên mô hình, tức là trực thuộc sở y tế để thuận lợi hơn cho công tác tổ chức, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ về mặt chuyên môn, bởi y tế là ngành đặc thù đòi hỏi tính chuyên môn cao. Bác sĩ Chrưm Thanh Vòm - Giám đốc TTYT huyện Nam Giang nói: “Nếu TTYT huyện không trực thuộc sự quản lý của sở y tế, công tác chỉ đạo tuyến theo ngành dọc gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đây là ngành mang tính chuyên môn, sự hỗ trợ cũng cần theo hướng chuyên môn hóa, đòi hỏi một cơ quan chuyên trách như sở y tế quản lý để đảm bảo hiệu quả. Trên thực tế, rất ít địa phương miền núi đạt được xếp loại bệnh viện hạng 2, nếu chuyển giao cho UBND huyện quản lý, rất khó trong việc đánh giá, nhận định, từ đó ảnh hưởng đến cơ chế hỗ trợ, đầu tư về nhân vật lực cho ngành”. Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Ngọc Pháp - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Nhiều năm công tác trong ngành, tôi cho rằng nên giao sở y tế quản lý các TTYT huyện. Điều này sẽ thuận tiện hơn trong việc luân chuyển cán bộ, bác sĩ trong ngành nhằm tăng cường cho các TTYT, cũng như việc phê duyệt các dự án đầu tư cho ngành sẽ nhanh chóng và kịp thời hơn là giao cho UBND các huyện quản lý”.
Trước hai luồng quan điểm về việc tổ chức mô hình y tế tuyến huyện, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế nói: “Ngành y tế đóng vai trò nòng cốt, nhưng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Để ngành y phát huy vai trò, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tranh thủ nguồn lực, sự phối hợp và cơ chế đầu tư của nhiều ngành, nhiều địa phương. Tổ chức theo mô hình nào, cũng đều dẫn đến mục tiêu chung duy nhất là hướng tới việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn”. Theo ông Hai, sự đắn đo giữa hai cách thức tổ chức mô hình y tế tuyến huyện bộc lộ nhiều vấn đề thuộc về cơ chế quản lý và hoạt động của hệ thống y tế, mà thời gian tới cần phải xem xét lại. “Sự hợp lý của mô hình tổ chức y tế tuyến huyện không phải là vấn đề nhân lực ngành y tế hay cơ sở vật chất y tế, mà phụ thuộc vào mô hình cơ chế quản lý sao cho hiệu quả của việc chăm sóc người dân tốt nhất, trong đó có yếu tố nguồn lực. Điều này lại là đặc điểm riêng của từng địa phương, do đó mới nảy sinh sự khác biệt” - ông Hai nói.
Băn khoăn về cách thức tổ chức mô hình y tế tuyến huyện không chỉ là vấn đề nảy sinh ở Quảng Nam, mà là thực trạng chung của 63 tỉnh thành trên cả nước. Sẽ cần thêm những phân tích, đánh giá để từ đó chọn lựa được cách thức tối ưu cho tình hình hiện tại. Đây thực sự là bài toán khó cho cả Bộ Nội vụ và Bộ Y tế hiện nay.
PHƯƠNG GIANG