Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục được ghi nhận tại các địa phương. Yêu cầu phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện được đặt ra.
Ngày 29/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại địa phương.
Theo đó, hiện số vắc xin phòng COVID-19 được tiêm tại Quảng Nam vẫn ở mức trung bình so với cả nước, với tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 62%, mũi 4 đạt 91,7%. Số trẻ từ 12 tuổi được tiêm đủ liều cơ bản đạt 99,9%. Số trẻ được tiêm mũi 3 đạt 62,5%, đứng thứ 42 toàn quốc.
Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, số trẻ được tiêm mũi 1 đạt 86,8%, đứng thứ 51 toàn quốc. Hiện tại, các địa phương như Duy Xuyên, Tam Kỳ, Bắc Trà My còn tồn số lượng vắc xin khá cao.
Đối với tình hình dịch bệnh SXH, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam thông tin, số mắc SXH trên 100 nghìn dân của Quảng Nam năm 2022 rất cao và cao nhất kể từ năm 2017 đến nay. Tính đến ngày 28/11, toàn tỉnh ghi nhận 18.270 ca.
“Số mắc SXH bắt đầu tăng cao từ tháng 5 và tăng nhanh bắt đầu từ tháng 8. Trong đó, số ca SXH tháng 11 đến nay ghi nhận là 4.310 ca và vẫn đang được tiếp tục ghi nhận. SXH phân bố ở 18/18 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc SXH/100.000 dân của tỉnh hiện nay là 1.175 ca, vượt rất lớn so với mức 150 ca SXH/100.000 dân, là chỉ tiêu của khu vực miền Trung” - ông Trần Văn Kiệm nói.
Hiện nay, địa phương có số ca mắc SXH cao nhất là Thăng Bình (2.226 ca), Tam Kỳ (2.167 ca), cao vượt trội so với các huyện khác. Xếp sau đó là huyện Phú Ninh, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên… Đa số các huyện đồng bằng có số ca mắc SXH cao hơn các huyện miền núi và trung du.
Tính đến hiện tại, Quảng Nam có 554 ca SXH có dấu hiệu cảnh báo và 44 ca SXH nặng. Nhận định bệnh SXH hiện nay đang rất nguy hiểm và diễn biến chuyển nặng nhanh, ngành y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch SXH, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Phương châm “không có bọ gậy, lăng quăng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết” được đặt ra cho nhiều địa phương.
Đối với các cơ sở y tế, ngoài việc tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh thì cần cập nhật, theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính).
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH. Đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
“Hiện tại, công tác phòng chống dịch COVID-19 và phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát và có chiều hướng giảm. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và các địa phương. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong công tác tuyên truyền, bằng nhiều biện pháp vận động người dân để nâng tỷ lệ tiêm vắc xin.
Các địa phương có tỷ lệ tồn vắc xin cao cần khẩn trương tổ chức tiêm chủng. Ngành y tế thực hiện kiểm tra, điều chuyển vắc xin đến các địa phương có nhu cầu, tránh để tình trạng tồn đọng vắc xin.
Đặc biệt, các địa phương có lượng vắc xin tồn cao phải có văn bản giải trình gửi về UBND tỉnh. Về công tác phòng chống dịch SXH, cần vận động người dân quan tâm, cảnh giác, tránh lơ là với dịch bệnh SXH trong tình hình hiện nay” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.
Triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy tại Đại Lộc
Để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả trên địa bàn huyện Đại Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân vừa yêu cầu lãnh đạo huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan giao trách nhiệm cụ thể, ký cam kết với UBND cấp xã, các phòng, ban liên quan và huy động các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy, duy trì hoạt động ít nhất 1 lần/tuần tại các khu vực có ổ dịch, nguy cơ cao và các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao.
Tiếp tục phát huy tổ xung kích đến từng nhà tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, kiểm tra, xử lý, diệt lăng quăng/bọ gậy. Triển khai cho các hộ gia đình lập cam kết với chính quyền địa phương về việc gia đình không có lăng quăng/bọ gậy. Đẩy mạnh công tác truyền thông qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết...
Tính đến ngày 16/11, tại huyện Đại Lộc ghi nhận 1.357 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao của tỉnh. (H.QUANG)