Trước tình trạng chuột gây hại nhiều diện tích lúa hè thu đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ, ngành bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên triển khai thí điểm mô hình diệt chuột theo hướng cộng đồng thôn tại xã Duy Trung. Phương thức này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Thôn An Trung (xã Duy Trung, Duy Xuyên) được chọn làm điểm bởi nơi đây có hơn 80ha đất sản xuất lúa, hầu hết các cánh đồng đều tiếp giáp với những triền núi, gò đồi nhiều lùm cây, bụi rậm, lại không bị ngập lụt nên lâu nay là nơi trú ẩn, sinh trưởng lý tưởng của chuột. Ông Huỳnh Tấn Linh - Trưởng ban Dân chính thôn An Trung cho biết, năm nào cũng vậy, chuột đồng liên tục xuất hiện và cắn phá mạnh ruộng lúa của nông dân, nhiều nơi tỷ lệ chuột gây hại lên đến 70 - 80%. Theo ông Linh, trước khi triển khai xuống giống vụ lúa hè thu 2013, Ban Dân chính và các hội, đoàn thể ở thôn thường xuyên vận động nhân dân ra quân tiêu diệt chuột nhưng hiệu quả mang lại không cao. Để bảo vệ an toàn đồng ruộng, giữa tháng 6 vừa rồi thôn An Trung thành lập tổ diệt chuột gồm 7 người, mỗi người được phân công phụ trách 12 - 15ha lúa dựa trên đề tài khoa học “Xây dựng thí điểm mô hình diệt chuột cộng đồng trên địa bàn thôn” do bà Nguyễn Thị Dụy - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên làm chủ nhiệm. Bước đầu ngành bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ một lượng lớn thuốc sinh học Racumin và 100 cái bẫy hình bán nguyệt cho tổ diệt chuột này.
Ông Linh cho biết thêm, gần một tháng qua cứ vào khoảng 17 giờ chiều hằng ngày, khi nông dân chăm sóc lúa rời khỏi ruộng thì các thành viên của tổ diệt chuột cộng đồng bắt đầu ra đồng, chọn những vị trí chuột hay đi lại và cắn phá lúa để đặt bẫy, đến 4 - 5 giờ sáng hôm sau thì tiến hành gỡ bẫy, thu gom chuột và đào hố tiêu hủy. Ông Linh nói nhờ chuột dính bẫy với số lượng lớn nên thời gian gần đây diện tích lúa hư hại đã giảm đáng kể. Ông Nguyễn Đức Tấn - Tổ trưởng tổ diệt chuột cộng đồng thôn An Trung cho biết, muốn bẫy được chuột thì phải có mẹo và kinh nghiệm. Theo đó, khâu đầu tiên là phải xác định được hang, tìm dấu chân chuột đi rồi đặt bẫy đúng vị trí. Việc cắm bẫy phải đảm bảo chắc chắn, nếu không chuột sẽ kéo cả bẫy mà tẩu thoát. Đặc biệt, chuột vốn có tính đa nghi nên phải thường xuyên thay đổi mồi nhử. Ông Tấn thông tin thêm, qua 3 tuần triển khai thực hiện mô hình, các thành viên của tổ đã tiêu diệt được gần 2.500 con chuột. Bây giờ đồng ruộng cơ bản an toàn, bà con nông dân không còn phải cắm cờ đuổi chuột trắng đồng như lúc trước.
Theo bà Nguyễn Thị Dụy - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên, mô hình này thành công nông dân sẽ không còn nơm nớp lo vụ mùa thất bát vì nạn chuột cắn phá. Đồng thời, giúp UBND huyện bớt tốn kém kinh phí hỗ trợ hằng vụ từ nguồn ngân sách. Bà Dụy nói: “Thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình diệt chuột cộng đồng này ra các địa phương còn lại. Để tổ diệt chuột hoạt động ngày càng hiệu quả, đơn vị sẽ cùng với chính quyền cơ sở vận động nông dân đóng góp 2kg lúa/sào nhằm hỗ trợ kịp thời cho các thành viên trong tổ”.
VĂN SỰ - PHI THÀNH