"Tờ khai sinh lưu lạc" của di tích quốc gia đặc biệt

VÕ VĂN THẮNG 21/01/2024 11:45

Tại khu di tích Đồng Dương, tấm văn bia có khắc ký hiệu C 66 được ví như tờ khai sinh của khu di tích bị vỡ một phần, được dựng ở sân nhà thờ tộc Trà và không có mái che, cần sớm được quan tâm bảo tồn.

Tấm bia C 66 đặt trong khuôn viên nhà thờ tộc Trà.
Tấm bia C 66 đặt trong khuôn viên nhà thờ tộc Trà.

Từ những sử liệu

Sách “Đại nam nhất thống chí” (chữ Hán) biên soạn năm Duy Tân thứ 3 (1909), ở mục Di tích Chiêm Thành của tỉnh Quảng Nam có chép, “Huyện Lễ Dương có hai tháp, ở thôn Đồng Dương. Hai tháp cách nhau 15 trượng, có một tòa cao 4 trượng, xây gạch, trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài 1 trượng.

Cách đó 40 trượng có nền cũ, người Pháp đào lên được người đá, ngựa đá, bia đá, voi đá và nhà cửa gạch ngói rất cổ quái. Gần đấy có ao vuông, thế truyền của người Chiêm Thành đào, 4 mặt ngay thẳng” (bản dịch của Nguyễn Tạo). Đó là khu di tích được các chuyên gia Trường Viễn Đông Bác Cổ khảo sát, phát quang và khai quật một phần vào các năm 1902, 1903.

Kết quả khai quật cho thấy tại đây có quần thể di tích gồm nhiều công trình kiến trúc, bố trí trên trục đông - tây kéo dài hơn 1km. Đến thời điểm đầu thế kỷ 20, hầu hết kiến trúc đã sụp đổ. Tuy vậy, căn cứ một ít ngôi tháp còn đứng vững và những đài thờ, tượng thờ tìm thấy dưới những đống đổ nát, các nhà khảo cổ đánh giá đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng quy mô lớn của Champa.

Về mặt nghệ thuật, những chi tiết trang trí kiến trúc, các hoa văn chạm khắc trên đài thờ và phong cách các tượng thờ tại đây có những đặc trưng độc đáo, khiến các nhà nghiên cứu lấy tên gọi “Đồng Dương” để đặt tên cho phong cách này, nhằm đánh dấu một giai đoạn trong tiến trình phát triển nghệ thuật Champa.

Khu di tích Đồng Dương, cùng với “phong cách nghệ thuật Đồng Dương”, được xác định ở vào khung niên đại thế cuối thế kỷ 9, đầu thế kỷ 10. Một căn cứ quan trọng bậc nhất để đưa ra khung niên đại này là nội dung của bản văn khắc được tìm thấy ngay tại khu di tích.

Bản văn được khắc trên 4 mặt của một tấm bia lớn, số dòng chữ trên các mặt nối tiếp nhau gồm 24 dòng, 24 dòng, 23 dòng và 31 dòng. Toàn bộ văn khắc này (ký hiệu C 66) được viết bằng chữ Phạn (Sanskrit), đã được Louis Finot phiên ra chữ Latinh và dịch ra tiếng Pháp, đăng trên tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) năm 1904.

Nội dung văn khắc tán dương vị thần Śambhu-Bhadreśvara đã giao cho thần Uroja trao truyền chiếc linga thiêng liêng đến vương quốc Champa; và bắt đầu từ thần Uroja đã sản sinh ra dòng dõi vua Indravarman, là người kế thừa các ân đức và quyền năng của chư thần để cai quản vương quốc Champa huy hoàng.

Phần tiếp theo của văn khắc C 66 ca ngợi tài năng và đức hạnh của vua Indravarman, được tôn vinh là “đại vương tối cao” (Mahārājādhirāja) của Champa và ghi lại sự kiện nhà vua dựng một tượng Phật vào ngày 13 tháng 5 năm 875; đồng thời hiến cúng nhiều vật phẩm cho vị Bồ tát Lakṣmīndra-Lokeśvara, cũng như tặng các đồng ruộng, hoa màu, nhân lực để phụng sự một tu viện ở đây.

Trăn trở công tác bảo tồn

Với quy mô to lớn và tính độc đáo của kiến trúc và điêu khắc cùng với một khung niên đại rõ ràng, hơn 1.000 năm tuổi, khu di tích Chăm tại Đồng Dương đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương, theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016).

Ngoài ra, đến nay đã có hai hiện vật thu thập từ di tích Đồng Dương cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia. Một là “Đài thờ Đồng Dương”, gồm các khối đá có chạm khắc câu chuyện cuộc đời Đức Phật, ghép thành một bệ thờ ở ngôi tháp trung tâm.

Bảo vật quốc gia khác là pho tượng đồng “Bồ tát Tara”, nhiều khả năng là tượng ngài Bồ tát được nói đến với danh hiệu Lakṣmīndra-Lokeśvara trên văn khắc C 66, năm 875. Hai bảo vật quốc gia này đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Bản dập mặt A, văn khắc C 66 (Tư liệu lưu trữ của EFEO).
 Bia C 66 tại khu di tích (trước 2011). Ảnh: H.V Mỹ

Mặc dù bản thân di tích và các hiện vật đã được đánh giá là “Di tích quốc gia đặc biệt”, xếp hạng “Bảo vật quốc gia”, nhưng chính “tờ khai sinh” của di tích và các bảo vật lại trải qua chặng đường lưu lạc.

Chúng tôi muốn nói đến tấm bia có văn khắc C 66. Cho đến khoảng đầu thế kỷ 21, tấm bia vẫn còn ở hiện trường di tích và bị vỡ mất một phần; sau đó được di chuyển vào cất giữ trong khuôn viên UBND xã Bình Định Bắc.

Ngày 12/12/2023, chúng tôi trở lại thăm Đồng Dương, và được biết tấm bia đã được đưa về khuôn viên nhà thờ tộc Trà, ngay cạnh khu vực di tích; dựng ở góc sân, không có mái che, bên cạnh một tượng voi đá và một miếu thờ.

Đầu thế kỷ 20, sau hơn 1.000 năm chôn vùi dưới các đống đổ nát, rất may “tờ khai sinh” của khu di tích vẫn còn sắc nét để người đời sau biết được gốc gác, niên đại của di tích và các bảo vật.

Ngày nay, tấm bia đã vỡ mất một phần và trong tình trạng dầm mưa dãi nắng, liệu 100 năm nữa, các dòng chữ trên bia có còn đủ rõ để hậu sinh nhận ra danh xưng ngài Bồ tát Lakṣmīndra-Lokeśvara và ngày tháng lập bia?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Tờ khai sinh lưu lạc" của di tích quốc gia đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO