Ngày xưa lỗ kim quá nhỏ nên người ta mới thách cho con voi chui lọt. Không ai làm được chuyện đó. Song bây giờ, có lẽ theo thời đại cái gì cũng “hoành tráng”, lỗ kim cũng to ra (!). Vì thế, không những một con voi mà cả bầy voi chui qua lỗ kim vẫn bình thường.
Nói chuyện ở xa như thủ đô ta. Chuyện ồn ào bởi tòa nhà số 08 Lê Trực, ở quận Ba Đình, cách Lăng Bác tầm 300m, hàng ngày nhiều người qua lại đông đúc nhưng không ai thấy chủ đầu tư cho xây dựng vượt chiều cao cho phép lên tới 16m (tương đương 5 tầng). Cả một hệ thống quản lý xây dựng không thấy “con voi” này mỗi ngày một lớn đến nỗi để gần hoàn thành tòa nhà thì mới đình chỉ, buộc tháo dỡ. Trong khi tòa nhà này còn chưa xử lý xong, thì cách trung tâm Hà Nội chừng 30 cây số, báo chí lại phanh phui ra vụ Điền Viên Thôn với “bầy voi”- những ngôi nhà xây dựng trái phép. Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng trên diện tích hơn 4,8ha nhưng chỉ có hơn 1ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và hiện nay 58 căn biệt thự đã xây xong, trong đó 50 căn đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Lạ thay, chính quyền huyện Ba Vì cũng chưa biết chủ sở hữu đích thực là ai vì người dân tự ý chuyển nhượng, trong khi từ tháng 3.2012 Công ty CP Thăng Long Xanh đã cùng Công ty CP Archi Land Việt Nam đã ký kết hợp đồng đại lý phân phối biệt thự tại Điền Viên Thôn. Cũng tại Ba Vì, có công trình tổ hợp nghỉ dưỡng 4 sao quy mô lớn chưa được cấp phép nhưng đã xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng. Đáng nói, đơn vị quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì đã được nhận 8 tỷ đồng để cho chủ đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh dự án bao trùm hơn 56ha đất rừng với thời hạn 53 năm (tính tới 2061).
Miền Bắc thì vậy, miền Nam cũng đâu kém. Om sòm nhất là vụ xây nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh ở TP.Hồ Chí Minh. Công trình này đầu tư xây dựng khá quy mô, kiên cố trên đất nông nghiệp có diện tích 7.000m2, nhưng không xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không xin giấy phép xây dựng. Có lẽ vì cả nể người nổi tiếng hay sao mà chính quyền sở tại đã không giám sát ngay từ đầu để khi gần xong mới phát hiện ra, rồi nháo nhào hướng dẫn thủ tục này nọ cho Hoài Linh.
Nói đâu xa, ở ngay xứ Quảng cũng có những vụ xây nhà trái phép như vậy. Cách đây không lâu, báo chí phải tốn biết bao giấy mực để theo đuổi chuyện xử lý hai biệt phủ ở núi Hải Vân liên quan một đại gia vàng và một vị tướng về hưu.
Rõ ràng, các vụ việc xây dựng trái phép như vậy, không có những góc khuất mới lạ. Nếu nhà chức trách có mắt thực sự thì sao để những “con voi” to đùng như thế chui lọt gần xong mới phát hiện?
Không riêng lĩnh vực xây dựng, hiện nay còn rất nhiều chuyện ở các lĩnh vực khác cũng có những “bầy voi”. Chuyện thấy rõ, rất thời sự ở Quảng Nam hiện nay là giao thông. Đó là khi Trạm thu phí BOT (km 943 + 975 trên QL1A) tiến hành thu phí kể từ ngày 1.1.2016, thì hàng loạt ô tô chạy tránh, rúc cùng khắp đường làng ngõ xóm, đường liên xã... Cứ về ngồi ở Điện Thắng Bắc hay ngay Vĩnh Điện của thị xã Điện Bàn sẽ thấy cảnh ô tô luồn lách qua các con đường để tránh trạm thu phí. Mỗi chiếc xe chạy tránh trạm lợi được ít tiền (mức phí thấp nhất 35 nghìn đồng, cao nhất 200 nghìn đồng), nhưng rồi đường liên xã, đường huyện, đường dân góp công của xây dựng bị hư hại trầm trọng thì sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm duy tu bảo dưỡng? Chưa nói nỗi lo hiện hữu là làm mất an toàn cho sinh hoạt, đời sống của người dân.
Cái lỗ kim trách nhiệm quản lý sẽ tiếp tục có vấn đề phức tạp nếu để những con voi chui lọt. Và khi đó, không còn lỗ kim nữa mà là... lỗ hổng.
ĐĂNG QUANG