Tổ sản xuất hương quế - trầm Bình Giang (huyện Thăng Bình) thật đặc biệt. Cả 10 lao động ở đây đều là những người khiếm khuyết trên cơ thể nhưng đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Gần 3 triệu đồng là mức lương hàng tháng anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1982, thôn Bình Khương) nhận được từ công việc làm hương trong Tổ sản xuất hương quế - trầm Bình Giang. Sinh ra, cơ thể anh Toàn không lành lặn như bao người vậy nên việc học cũng vì thế mà dang dở. Hơn 3 năm trước, lần đầu tiên anh Toàn cũng như những người khuyết tật (NKT) của thôn tham gia lớp học nghề làm hương do Hội NKT huyện Thăng Bình tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, anh Toàn cùng với những người cùng thôn đã có công việc ổn định đến nay.
Anh Nguyễn Văn Toàn cho hay: “Đối với những người khuyết tật nếu làm liên tục trong 1 ngày thì không thể. Vì vậy, tổ sản xuất của chúng tôi chỉ làm một buổi trong ngày. Công việc của những người khuyết tật là xếp hương thành từng bó và đóng gói để chuyển đi tiêu thụ”.
Lâu nay, anh Nguyễn Ba làm Chủ tịch Hội NKT xã Bình Giang. Khi tổ sản xuất hương quế - trầm Bình Giang ra đời, anh cũng kiêm thêm chức tổ trưởng. Không lương, không phụ cấp nhưng thêm chức là thêm nhiệm vụ. Vì vậy, ngoài việc điều hành hệ thống sản xuất hương, anh Nguyễn Ba còn liên lạc, tìm thị trường để kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Theo anh Nguyễn Ba, ban đầu tìm thị trường vô cùng khó khăn. Bởi ở huyện Thăng Bình, nhiều người đã quen sử dụng hương của Làng nghề Quán Hương tại thị trấn Hà Lam. Khi sản phẩm hương Bình Giang ra đời ít ai biết. Lúc này anh em trong tổ không nản chí mà tiếp tục sản xuất.
“Chúng tôi cam kết với khách hàng, hương làm ra đảm bảo chất lượng, uy tín, thơm lâu. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm các thủ tục để cấp trên cấp phép sử dụng nhãn hiệu “Hương quế - trầm Bình Giang”. Nhờ sự kiên trì, hiện mỗi tháng, tổ sản xuất của chúng tôi tiêu thụ hơn 1 tấn hương ra thị trường. Bình quân mỗi lao động thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập phù hợp với những hội viên NKT”- anh Nguyễn Ba cho hay.
Năm 2017, dưới sự tài trợ từ Tổ chức Apheda (Tổ chức Nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Australia), Hội NKT huyện đã mở lớp dạy nghề làm hương với 25 hội viên người khuyết tật. Sau khi kết thúc khóa học, những hội viên ở những địa phương khác tự tìm việc riêng, còn với 10 hội viên ở xã Bình Giang đã đứng ra thành lập tổ sản xuất hương. Đồng hành cùng với tổ sản xuất, Hội NKT huyện đã hỗ trợ dây chuyền sản xuất hương trị giá 40 triệu đồng.
Ông Trần Văn Phương - Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Thăng Bình nhận xét: “Ngoài chính sách bảo trợ xã hội, giải pháp tối ưu giúp NKT hòa nhập cộng đồng là trao cho họ niềm tin, hỗ trợ dạy nghề, tạo cơ hội việc làm phù hợp từng người, theo từng dạng tật. Tổ sản xuất hương quế - trầm Bình Giang hiện đang hoạt động ổn định là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Hội NKT huyện trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm”.