Tổ trưởng dân phố, họ là ai?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 03/09/2021 12:09

(QNO) -  Chị A. là “đương kim” tổ trưởng dân phố của tôi ở phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Hôm qua, 21 giờ đêm chị mới về nhà sau khi mua giúp vài gói thuốc lá, mấy hộp bánh trẻ con cho một hộ gần nhà.

Tuy trong tổ chưa có ca nhiễm nào, nhưng có bữa, từ ngày thành phố phải giãn cách vì dịch, từ 5 giờ sáng chị đã mở cửa ra đường với bộ đồ chống nhiễm và cái thẻ đeo trên cổ. Chồng chị ban đầu có hơi bị phiền vì “bả đi suốt”, nhưng giờ thì phải… làm thư ký cho chị như ghi chép, trực Zalo, điện thoại và “báo cáo” mọi diễn biến cho… lãnh đạo vợ! 

Tổ trưởng dân phố của tôi trong dịch bệnh phải đi nhận và mang tới từng hộ dân các khoản cứu tế, rau quả, lương thực, đôn đốc từng gia đình đi xét nghiệm Covid-19, tìm hiểu các gia đình nào khó khăn để báo cáo với UBND phường. Chiều tối, nghe ở đâu có bán thịt cá, chị đều nhờ người chở xe máy đến nơi, tự ứng tiền ra mua rồi mang về chia cho các hộ đang cần. Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, chị vui vẻ nói: “Cứ 3 ngày em tự đi xét nghiệm một lần, anh đừng lo!” 

Ở chỗ con gái tôi đang ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, một anh tổ trưởng dân phố cũng “trên cả tuyệt vời”, như lời cháu nói qua điện thoại. Từ hôm thành phố lockdown đến nay, ngoài rau củ quả cứu trợ, sáng nào trong tổ cũng có thêm bánh mì, bún tươi, rau muống, tôm sông chia đến tận nhà. Đó là thành quả mà anh tổ trưởng đã khéo léo huy động các gia đình có vườn rau, có lò bún hoặc vận động các nhà hảo tâm mua cho bà con…

Tuy vậy đọc trên Facebook và Zalo cũng thấy ở một số nơi, do sức khỏe, tuổi tác hoặc không rành công nghệ thông tin, nhiều tổ trưởng cũng rất lúng túng trước nhu cầu của bà con trong tổ, nhất là các nơi bị phong tỏa…

Thấy và nghe những chuyện như trên, tôi lại nhớ đến câu nói: “Khổ như tổ trưởng dân phố” mà anh Thu, tổ trưởng dân phố trước đây của tôi (nay đã quá cố vì tuổi già) thường than thở mỗi khi trà dư tửu hậu. Anh được tín nhiệm làm tổ trưởng dân phố đến hơn... 30 năm từ sau ngày  đất nước thống nhất. Làm tổ trưởng từ thuở “đầu xanh tuổi trẻ” cho đến lúc có cả cháu nội cháu ngoại mới được nghỉ, sau năm lần bảy lượt thối thác với uỷ ban phường. Thật khổ thân cho anh ấy! 

Công việc của tổ trưởng dân phố là gì mà khổ thế? - có lần tôi hỏi anh như vậy. Anh Thu kể: Tổ trưởng làm nhiều công việc tủn mủn lắm, từ phổ biến những chủ trương chính sách do UBND phường đưa xuống đến từng hộ dân cư trong các buổi họp; từ đôn đốc các gia đình treo cờ những ngày lễ, đi họp đúng giờ đến việc thống kê các biến động dân cư, lập danh sách, phát thẻ cử tri và hối thúc mọi người đi bỏ phiếu mỗi kỳ bầu cử. Lại phải đứng ra dàn xếp những bất đồng về các tranh chấp dân sự, hiềm khích trong tổ, can gián kịp thời những chuyện mâu thuẫn gia đình nào đó. Lo việc cứu tế các gia đình nghèo, thu các khoản đóng góp lao động công ích, quỹ an ninh quốc phòng, dân quân tự vệ và cả chuyện an ninh trật tự trong khu xóm... “Nhiều khi tổ trưởng còn bị vài vị rượu chè chướng tính mắng cho nữa đấy!” - anh Thu kể.

Chỉ riêng TP.Đà Nẵng theo con số tôi thu thập trước đây cũng có 2.214 tổ dân phố, tương ứng với chừng ấy vị tổ trưởng với phụ cấp 0,4 mức lương tối thiểu và chút ít quà của chính quyền nhân dịp những dịp lễ, tết. Nghĩa là khoảng chưa đầy 500 ngàn đồng mỗi tháng. Mặc dù cá nhân anh Thu nói số tiền trên chỉ đủ cho anh hút thuốc lá, nhưng ngân sách của TP.Đà Nẵng mỗi tháng sẽ tốn hơn 600 triệu, mỗi năm trên 7 tỉ đồng. Bình quân một người dân đóng góp ngân sách để trả riêng khoảng này là 7.000đ/năm (tính tròn dân số Đà Nẵng là 1 triệu người). Nếu lấy đó làm chuẩn thì suy ra cả nước, tiền trả phụ cấp cho riêng tổ trưởng dân phố (hoặc thôn trưởng ở nông thôn) cũng lên đến trên 5-600 tỉ đồng! Đó là ghi nhận của tôi năm 2014. Đến nay, năm 2021, chắc các con số nêu trên đã tăng gấp đôi hoặc hơn chút ít.

Nhìn qua các phân tích chuyên môn ở một thành phố như Đà Nẵng, đa số tổ trưởng dân phố hiện nay có trình độ THCS và PTTH, phần lớn chưa được bồi dưỡng về quản lý hành chính lẫn an ninh quốc phòng. Không thấy phân tích nào về tuổi tác, giới tính và thực trạng đời sống, sinh kế của họ. Theo quan sát riêng của người viết, đại đa số họ là những người lớn tuổi (trên 50), làm nghề tự do hoặc cán bộ nghỉ hưu (tức có khó khăn về kinh tế). Chính vì lẽ đó, ở nhiều khu dân cư, tìm ra một người làm tổ trưởng dân phố thường rất khó, kể cả chuyện thối thác khi đã được bà con tín nhiệm bầu lên. Có phải đó là lý do gần đây đã có thêm chủ trương cho phép UBND cấp phường bổ nhiệm tổ trưởng dân phố? Cũng nên kể thêm, ở “cấp” tổ dân phố hoặc thôn, ngoài tổ trưởng dân phố còn có các chức danh công an khu vực (liên tổ), bí thư - phó bí thư chi bộ đảng ở khu dân cư, chi hội trưởng phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, trưởng - phó ban công tác mặt trận ở tổ dân phố (hoặc thôn) và đều có phụ cấp hàng tháng từ ngân sách từ hệ số 0,32 đến 0,56 mức lương tối thiểu... Cũng như tổ trưởng dân phố, tất cả các chức danh trên theo yêu cầu đều phải gắn bó mật thiết với địa bàn dân cư!

Về lý thuyết, tổ dân phố là tổ chức tự quản của mỗi cộng đồng dân cư ở cấp dưới phường. Tổ trưởng tổ dân phố là người cùng chung sống trên một địa bàn, gắn bó trực tiếp với đời sống của dân cư, có điều kiện kinh tế tương đối ổn định, có nhiệt tâm với công tác xã hội và nhất thiết phải được sự tín nhiệm của bà con chòm xóm.

Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn, “vấn đề” tổ trưởng dân phố đang có sự vênh nhau về các yếu tố: bảo đảm thu nhập ổn định, sự chồng chéo quá nhiều chức danh từ tổ tự quản, các đoàn thể xã hội chính trị trên một địa bàn dân cư nhỏ. Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng trong lúc cả nước đang tiến tới thí điểm mô hình bí thư kiêm nhiệm chủ tịch UBND các cấp, giảm các tổ chức như hội đồng nhân dân cấp phường, cấp quận huyện... thì cũng nên cương quyết sắp xếp lại “bộ máy” quá cồng kềnh ở tổ dân phố, để hoạt động ở đây hiệu quả hơn, thiết thực hơn mà lại giảm được nhiều khoản chi ngân sách! Chẳng hạn, bí thư chi bộ hoặc trưởng ban công tác mặt trận kiêm luôn chức danh tổ trưởng dân phố (hoặc thôn trưởng)! Lúc đó, tổ trưởng dân phố sẽ có khoản phụ cấp khá hơn, đầy đủ uy tín hơn để làm việc. Trong lúc dịch bệnh như hiện nay, các bí thư chi bộ (kiêm tổ trưởng) có thể huy động các đảng viên, các thành viên tích cực, nhất là các chị phụ nữ trên địa bàn cùng tham gia mọi việc.

Sau dịch bệnh, có lẽ cần có những khảo sát kỹ càng hơn nhằm thay đổi về nhân sự và phụ cấp ở các tổ dân phố và trưởng thôn! Có như vậy mới “an” cho cả tổ trưởng lẫn từng địa bàn dân cư!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổ trưởng dân phố, họ là ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO