(QNO) - Nhiều phụ nữ khuyết tật dẫu không lành lặn về hình thể nhưng lại trọn vẹn về ý chí và nghị lực. Họ đã biến số phận kém may mắn thành động lực vượt lên nghịch cảnh để tỏa sáng như những đóa hoa, khẳng định giá trị bản thân, trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng.
Nhiều phụ nữ khuyết tật dẫu không lành lặn về hình thể nhưng lại trọn vẹn về ý chí và nghị lực. Họ đã biến số phận kém may mắn thành động lực vượt lên nghịch cảnh để tỏa sáng như những đóa hoa, khẳng định giá trị bản thân, trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng.
Dưới cái nắng hanh hao trong những ngày cuối đông, thấp thoáng bóng dáng một người phụ nữ nhỏ bé, đôi tay không lành lặn, chân bước khập khiểng nhưng vẫn thoăn thoắt cùng đồng nghiệp dọn dẹp tài liệu để chuyển đến vị trí mới. Dường như không ai nhận ra rằng chị ấy là người khuyết tật. Xông xáo, nhiệt huyết, trách nhiệm, đó là những gì đồng nghiệp nói về chị Phan Thị Thúy (SN 1985, xã Bình Định Nam, nay là xã Bình Định, Thăng Bình).
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó với dị tật cả tay và chân bị teo cơ, tuổi thơ của chị Thúy là chuỗi ngày dài đối mặt với những ngày thử thách và cơ cực. Từng cái cầm nắm, từng bước di chuyển đều phải nhọc nhằn khổ luyện không ngừng nghỉ. Nhưng không đầu hàng số phận, chị Thúy đã biến nghịch cảnh thành động lực. Hình ảnh cô bé Thúy ngày nào tự buộc dây vào cột nhà, kiên trì tập đu lên xuống, hay cặm cụi xách từng xô nước nặng trĩu từ dưới giếng lên, vẫn in đậm trong ký ức của mẹ chị, như một minh chứng cho khao khát được sống như bao người.
Ngoài quyết tâm tự mình chiến thắng trong sinh hoạt đi lại, Phan Thị Thúy còn nuôi dưỡng khát vọng chinh phục tri thức. “Học vấn là con đường duy nhất để thoát nghèo” - câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam cho hành trang phấn đấu của Thúy. Những mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết của bản thân, chị giấu kín trong lòng, âm thầm học tập. Tốt nghiệp trung cấp kế toán chưa phải là đích đến, chị quyết tâm thi đỗ vào ngành Triết học Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
Rồi 4 năm đại học kết thúc, những tưởng ra trường với tấm bằng đại học loại ưu sẽ dễ dàng tìm được công việc thuận lợi. Nhưng không, Thúy lại tiếp tục đối mặt với rào cản việc làm của một người khuyết tật (NKT). Cơ hội tìm đến khi chị được nhận vào làm việc tại UBND xã Bình Định Nam. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tâm, Phan Thị Thúy ngoài công việc được giao còn gánh vác thêm nhiều nhiệm vụ khác. Từ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã, cán bộ tổ chức và kiêm nhiệm nhiều vị trí khác. Dù bận rộn với công việc, chị vẫn giành thời gian chăm lo cho gia đình nhỏ của mình chu đáo.
Trái tim giàu lòng trắc ẩn của chị Thúy còn hướng về những mảnh đời kém may mắn. Những năm qua, chị cũng là người “chèo lái” Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ khuyết tật của huyện Thăng Bình, với hơn 40 thành viên. Dù đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng chị vẫn luôn nỗ lực tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ, những hoạt động thiết thực giúp đỡ các thành viên trong CLB vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
“Chị Thúy không chỉ là một người lãnh đạo nhóm, mà còn là người chị, người bạn, người đồng hành, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, nghị lực sống mạnh mẽ hơn cho những người cùng cảnh ngộ như chúng tôi” - chị Nguyễn Thị Lãnh, thành viên CLB phụ nữ khuyết tật Thăng Bình nói.
[VIDEO] - Chị Phan Thị Thúy chia sẻ về nỗ lực của mình:
Chị Nguyễn Hoàng Linh (SN 1980, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) đã và đang viết nên câu chuyện cuộc đời đầy cảm hứng. Mang trong mình di chứng của bệnh bại liệt từ thưở ấu thơ nên đã ném trải những tháng ngày sống khép kín, tự ti vì những ánh nhìn và lời trêu chọc của bạn bè. Chị từng cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình, thậm chí có những lúc tuyệt vọng đến mức nghĩ quẩn.
Tuy nhiên, tình yêu thương của cha mẹ đã trở thành điểm tựa vững chắc cho chị. Hình ảnh người cha - đôi chân đưa chị đến trường, đến lớp học nghề may và người mẹ luôn bên cạnh vỗ về, động viên mỗi khi chị yếu lòng đã tiếp thêm sức mạnh, giúp chị vượt qua những suy nghĩ tồi tệ nhất.
Sau khi tốt nghiệp THPT, với sự hỗ trợ của các đoàn thể, chị Linh được học nghề may miễn phí. Vừa học vừa làm tại một cơ sở may địa phương, chị dần khẳng định được năng lực bản thân. Từ những bước đi chập chững bằng nạng gỗ, chị Linh tự tin bước vào đời với đôi tay khéo léo và nghị lực phi thường.
Linh mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, nhận may gia công tại nhà và tạo công ăn việc làm cho những NKT khác. Hiểu rõ hạn chế của những người đồng cảnh ngộ, chị luôn tận tâm chỉ dạy, truyền lửa đam mê và khơi dậy niềm tin cho họ. Với chị, “trao cần câu hơn là trao con cá” mới là cách giúp đỡ thiết thực và bền vững nhất.
Không chỉ giỏi may vá, chị Linh còn là một người phụ nữ đa tài. Từ trồng rau, làm bánh kẹo, mứt, ngũ cốc đến muối thịt heo mang thương hiệu “Cô Ba Đại Lộc”, chị đều tự tay làm tất cả. Chị tâm niệm rằng, NKT phải chủ động “thoát khỏi vỏ ốc”, hòa nhập cộng đồng và tự tạo cơ hội cho chính mình.
Ở tuổi 39, chị Linh tìm thấy hạnh phúc bên người chồng cũng là một NKT. Họ cùng nhau vun đắp tổ ấm nhỏ, chào đón con gái đầu lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tình yêu thương và sự đồng cảm đã giúp họ vượt qua nghịch cảnh.
Ngoài lo cho gia đình nhỏ, Nguyễn Hoàng Linh còn là chỗ dựa tinh thần cho bố mẹ già yếu. Chị luôn nỗ lực để chứng minh rằng NKT cũng có thể sống có ích và đóng góp cho xã hội. Hàng năm, chị đều trích một phần thu nhập để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bản thân chị cũng đứng ra kết nối nhiều NKT làm nghề chổi đót, kết nối với các youtuber, cộng đồng giúp NKT tiêu thụ hàng nghìn cây chổi đót mỗi năm, qua đó giúp các thành viên khuyết tật cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống…
[VIDEO] - Chị Linh chia sẻ về sự nỗ lực vươn lên của mình:
Sinh ra và lớn lên tại một làng quê ở xã Tam Xuân 1 (Núi Thành), chị Nguyễn Thị Thu Vinh đã vượt qua vô vàn thử thách để sống một cuộc đời ý nghĩa, lan tỏa nghị lực đến cộng đồng.
Chị Vinh kể, chị không biết chính xác mình trở thành NKT khi nào. Có người bảo chị bị từ lúc còn nhỏ, có người nói bị sốt bại liệt lúc 20 tháng tuổi. Nhưng với chị, điều đó không còn quan trọng. Những năm tháng tuổi thơ, di chứng bại liệt, teo cơ khiến tay, chân bên trái đều yếu hẳn, khiến mỗi bước đi đến trường của chị đầy chông gai. Con đường giữa đồng ruộng và lò gạch cũ (lò gạch Phú Đông), nơi chị từng té ngã không biết bao lần, là minh chứng cho ý chí vượt khó, ham học của cô bé nhỏ nhắn nhưng đầy mạnh mẽ này.
Dù đối mặt với sự mặc cảm, chị vẫn kiên trì học hành và nuôi dưỡng hy vọng sức khỏe sẽ được cải thiện. Năm học lớp 12, khi được báo tin khiếm khuyết cơ thể không thể can thiệp được nữa, chị như muốn đoạn tuyệt với cuộc đời. Nhưng tình yêu và sự đau đớn trong ánh mắt cha mẹ đã đánh thức chị. Chị nhận ra sự ích kỷ của bản thân, và từ trong sâu thẳm, một sức sống mãnh liệt trỗi dậy. Chị quyết tâm phải sống và sống thật tốt.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Thị Thu Vinh thi đỗ và học ngành dược tại Trường Trung cấp Y tế Trung ương 2 Đà Nẵng. Quãng thời gian ấy, những trở ngại về sức khỏe và việc di chuyển không làm chị chùn bước. Có lúc tưởng như phải từ bỏ, nhưng chị vẫn bền bỉ vượt qua, tốt nghiệp và trở thành nhân viên tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam đến bây giờ.
Công việc ổn định, được đồng nghiệp giúp đỡ, cha mẹ mua cho chiếc xe ba bánh để đi lại thuận tiện. Nhưng rồi sức khỏe chị yếu dần, việc đi lại ngày càng khó khăn. “Tôi quyết định dành dụm tiền, ra Đà Nẵng lắp chân giả. Những cơn đau nhức triền miên hành hạ, những vết thương chai sần, nhưng đổi lại, tôi có thể đi lại dễ dàng hơn, tự tin hòa nhập với cộng đồng” - chị Vinh nhớ lại.
Thu Vinh tham gia Hội NKT thành phố Tam Kỳ, tìm thấy niềm vui trong những hoạt động tập thể, chia sẻ, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.
Với quyết tâm tự chủ hơn, chị tự mày mò học may và dần biến đam mê thành hiện thực. Bắt đầu từ chiếc máy may gia đình nhỏ, chị tự may quần áo, túi xách cho mình và người thân. Dần dà, chị tìm hiểu sâu hơn về các loại máy may, rồi mạnh dạn kinh doanh online. Sau hai năm, chị đã bán được hơn 50 chiếc máy. Tiếp nữa, chị kinh doanh thêm các thiết bị y tế, máy tập phục hồi chức năng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Được đi ra, tham gia Hội NKT thành phố Tam Kỳ và các dự án hòa nhập cộng đồng, chị Vinh cảm nhận rõ giá trị của sự sẻ chia. “Tôi thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Chúng tôi cùng nhau làm những điều mà trước đây tưởng chừng không thể” – chị Vinh nói.
Gửi gắm đến những người đồng cảnh ngộ, chị Vinh chia sẻ: “Bạn có thể thuộc bất cứ dạng khuyết tật nào nhưng tôi luôn mong bạn không bao giờ khuyết tật tư tưởng, chính bạn mặc định “Tôi không thể” thì sẽ không còn ý chí để vươn lên. Hãy nói ra những điều mình mong muốn, chắc chắn mọi người xung quanh sẽ sẵn sàng chìa tay ra giúp bạn thực hiện”.
Những câu chuyện về những phụ nữ khuyết tật kiên cường, không chỉ là khúc ca về nghị lực phi thường mà còn là ánh sáng soi rọi niềm tin và hy vọng. Họ đã chứng minh rằng, khiếm khuyết thân thể không thể giam cầm tâm hồn và ước mơ. Họ đã vẽ nên bức tranh cuộc đời rực rỡ sắc màu, khẳng định vị trí xứng đáng của mình trong cuộc sống và truyền cảm hứng bất tận cho chúng ta.