Tỏa sáng tinh hoa văn hóa

LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN 27/08/2018 01:56

Diễn ra từ ngày 24.8, “Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III - năm 2018” đã bế mạc vào chiều tối qua 26.8. Xuyên suốt ngày hội, các đoàn tham dự mang đến xứ Quảng nhiều sắc màu văn hóa từ trang phục, nghệ thuật biểu diễn đến các nghi thức sinh hoạt truyền thống…

Tin liên quan

  • NGÀY HỘI VĂN HÓA - THỂ THAO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN TRUNG LẦN THỨ III
Đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều (Quảng Bình) tái hiện nghi thức tỉa lúa rẫy, trong lễ hội lấp lỗ.
Đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều (Quảng Bình) tái hiện nghi thức tỉa lúa rẫy, trong lễ hội lấp lỗ.

Mang tinh hoa dự hội

Từ một vùng khá cách trở, nghệ nhân Hồ Thị Yềm (người Vân Kiều, ở bản Mít Cát, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) chọn lựa bộ trang phục đẹp nhất của đồng bào mình để đến với ngày hội ở Quảng Nam. Bộ váy được người Vân Kiều gọi là “xân”, màu chàm cổ với kim loại bạc tròn đính ở mép cổ và hai bên nẹp áo, cùng với khăn đam - chỉ sử dụng trong những dịp quan trọng như lễ tết, cưới xin - được nghệ nhân tuổi 67 này cẩn trọng mang theo và phô diễn trên sân khấu tại ngày hội. Nghệ nhân Hồ Thị Yềm nói, bộ trang phục truyền thống phải luôn đi cùng các vòng hạt cườm đeo cổ làm từ chất liệu đá quý có màu tím hồng trong các sự kiện quan trọng của gia đình, làng bản. “Người Vân Kiều mình rất quý những bộ xân như vậy. Mình còn biết hát sim, biết làm khsui, làm đàn môi, đàn achung để dạy lại con cháu…” - nữ nghệ nhân Hồ Thị Yềm chia sẻ thêm.

Tham gia ngày hội, Phạm Thu Hoàng - cô gái khá trẻ đến từ một bản vùng sâu của huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, khiến những ai chứng kiến phần biểu diễn của cô trên sân khấu Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống đều bất ngờ. Trình diễn các nhạc cụ dân tộc của người Mông, Thái, người Khơ Mú, Phạm Thu Hoàng chia sẻ, cô đam mê nhạc cụ dân tộc và đặc biệt rất mê tiếng sáo trúc. “Ở đâu có tiếng sáo là mình tìm tới. Ngay từ nhỏ đã sống với cộng đồng người Thái, bị mê hoặc bởi giai điệu này từ lúc đó. Lớn lên mình theo học từ các nghệ nhân trong bản” - Phạm Thu Hoàng nói. Tiết mục độc tấu sáo Mông hòa cùng phần trình diễn các trang phục truyền thống của đồng bào tỉnh Nghệ An khiến nhiều người thích thú… Đến với ngày hội, các dân tộc thiểu số của 13 tỉnh thành khu vực miền Trung đã chọn lọc những dấu ấn văn hóa đặc sắc của mình để cùng trổ bày làm cho bức tranh văn hóa truyền thống các dân tộc thêm sự dày dặn, lý thú.

Ngay việc bày biện ở không gian trưng bày, giới thiệu ẩm thực đặc trưng tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng Quảng Nam, các đoàn tham dự bằng sự chỉn chu của mình đã giới thiệu từ các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, dấu ấn tộc người lẫn những nghề thủ công truyền thống lâu đời. Nghệ nhân người Chăm - Đàng Thị Hạ đã có hơn 40 năm chuốt gốm Bàu Trúc cho biết, đến được với ngày hội là niềm vui rất lớn của bà. Bởi không chỉ mang văn hóa của dân tộc mình tới giới thiệu, mà còn mang cả ngành nghề và sản phẩm truyền thống từ đôi tay mình để quảng bá với các tỉnh bạn…

Cơ hội để bảo tồn văn hóa

Ông Hoàng Đức Hậu - nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc - Trưởng ban Giám khảo Liên hoan Nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục và tái hiện các nghi thức sinh hoạt truyền thống cho biết, sự chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ ngày hội của các địa phương rất chu đáo. “Điều này thể hiện ở chỗ mỗi địa phương thực hiện các hoạt động trong ngày hội theo đúng yêu cầu, kế hoạch của Ban tổ chức đề ra. Lực lượng tham gia - tức chủ thể của ngày hội - từ nghệ nhân đến vận động viên, diễn viên hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này rất đúng với tinh thần của ngày hội. Bên cạnh đó, mỗi tộc người mang đến ngày hội bản sắc văn hóa riêng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các hoạt động hết sức đa dạng, phong phú, riêng chương trình nghệ thuật mỗi tỉnh đều có sắc màu của mình. Ngay cả không gian trưng bày văn hóa lẫn việc tái hiện trích đoạn lễ hội, mỗi địa phương đều lựa chọn những nét văn hóa vừa đặc trưng, vừa tiêu biểu gắn với đời sống tâm linh của đồng bào” - ông Hoàng Đức Hậu nhận xét.

Tái hiện trích đoạn Lễ hội Ăn trâu của dân tộc Co tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: LÊ QUÂN
Tái hiện trích đoạn Lễ hội Ăn trâu của dân tộc Co tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: LÊ QUÂN

Mang đến một sắc màu văn hóa của đồng bào sống ở dải Trường Sơn, chủ nhà Quảng Nam gần như nhận được hầu hết ý kiến đánh giá tốt từ các đoàn bạn cũng như Ban giám khảo, Ban tổ chức. Nghệ nhân Bling Hạnh (huyện Nam Giang, Quảng Nam) cho biết, từ trang phục truyền thống nguyên bản trong đời sống ngày thường của người Giẻ Triêng, hay trang phục lễ cưới truyền thống nguyên bản của người Giẻ Triêng và người Cơ Tu; cho đến lễ cúng đất lập làng, hát dân ca giao duyên của người Cơ Tu đều được đoàn tập luyện nghiêm túc để mang đến với ngày hội. Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho rằng, qua hàng trăm năm xây dựng và chọn lọc đã làm cho bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam được bồi đắp, thấm sâu vào cốt cách mỗi con người, để rồi được thể hiện ra bên ngoài thông qua các sinh hoạt hàng ngày. Cũng như vậy, theo ông Hồng, với những giá trị từ trang phục truyền thống, dụng cụ sinh hoạt, sản phẩm nghề thủ công, nghi lễ tín ngưỡng dân gian, nhạc cụ dân tộc, lễ hội truyền thống, ẩm thực... được phô diễn tại không gian trưng bày chính là dịp để các địa phương giới thiệu những nét đặc trưng, bản sắc truyền thống, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực. “Đây là cách để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, tạo sự liên kết trong phát triển du lịch liên vùng, góp phần thực hiện hiệu quả đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

LÊ QUÂN - ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tỏa sáng tinh hoa văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO