Hành trình khát vọng

LÊ VĂN NHI 21/06/2022 05:44

Sáng sớm ngày 4.1.1997, bên trong khung gỗ trước cổng trụ sở Báo Đà Nẵng, số 42 Trần Phú (trước đó là Báo Quảng Nam - Đà Nẵng), xuất hiện một tờ báo mới, măng sét màu xanh: BÁO QUẢNG NAM. Tờ báo như một nguồn động lực lớn thôi thúc anh em phóng viên hồ hởi lên đường với niềm tin và hy vọng…

Tập thể Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng ban của Báo Quảng Nam. Ảnh: Tư liệu
Tập thể Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng ban của Báo Quảng Nam. Ảnh: Tư liệu

Sáng ngày 2.1.1997, ngay sau nghỉ Tết Dương lịch, tại trụ sở cơ quan Báo Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), diễn ra một cuộc họp đặc biệt trong sự hồi hộp và âu lo của nhiều người: công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy lâm thời TP.Đà Nẵng về việc thành lập hai cơ quan báo Đảng của hai địa phương, kèm theo đó là danh sách nhân sự của mỗi báo, chia ra từ cơ quan cũ.

Báo Quảng Nam ngoài Tổng Biên tập Hồ Duy Lệ được điều động và bổ nhiệm từ nơi khác về; còn lại 14 người, gồm 6 biên chế 8 hợp đồng lao động, hầu hết là những anh em mới chập chững vào nghề.

Khởi đầu của khát vọng

Ngay sau cuộc họp chung là cuộc họp của mỗi báo. Tổng Biên tập thông báo vắn tắt một số nhiệm vụ trước mắt, rồi anh em phóng viên lập tức lên đường…

Song hành với sự phát triển về sản phẩm và đa dạng hóa các kênh thông tin đến với bạn đọc, Báo Quảng Nam từng bước nghiên cứu, đầu tư nhiều phần mềm tin học, phương tiện, trang thiết bị phục vụ đổi mới quy trình sản xuất, quản trị tòa soạn quản lý hành chính theo hướng hiện đại.

Đến nay, về cơ bản, hoạt động điều hành xuất bản, dàn trang, chế bản của Báo Quảng Nam đều được tin học hóa. Đội ngũ phóng viên hầu hết đã tiếp cận phương thức tác nghiệp báo chí đa phương tiện, đa loại hình, với các sản phẩm báo chí hiện đại như emagazine, longform, infographic, videographic,...

Sáng sớm ngày 4.1.1997, bên trong khung gỗ trước cổng trụ sở Báo Đà Nẵng, số 42 Trần Phú (trước đó là Báo Quảng Nam – Đà Nẵng), xuất hiện một tờ báo mới lạ, măng sét màu xanh - báo Quảng Nam, số ra đầu tiên.

Không rõ Ban Biên tập hay họa sĩ thiết kế có ý tưởng gì khi chọn màu cho măng sét, nhưng với nhóm phóng viên chúng tôi lúc đó, màu xanh của măng sét, như có sự thúc giục của niềm tin, hy vọng và khát vọng.

Đội ngũ Báo Quảng Nam khởi đầu chặng đường mới, sau ngày tái lập tỉnh, trong tâm thế của những khát vọng được khám phá, được khẳng định và phát triển nơi vùng đất mới; cùng với niềm tin về sự đổi thay của quê hương đất Quảng.

Vì thế, những khó khăn trước mắt, dường như “không là vấn đề”; nhất là với nhóm phóng viên phải di chuyển ngay từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ, ngày đi cơ sở, tối về ăn tạm mấy ổ bánh mì, viết và ngủ trên những chiếc bàn kê tạm bợ.

Hai ngày một lần, những tờ báo Quảng Nam, măng sét màu xanh, theo những chuyến xe đò chuyển từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ, càng cho chúng tôi thêm niềm tin và động lực.

Một phần tư thế kỷ. Báo Quảng Nam đã đi qua một hành trình khá dài. Những “người cũ” lần lượt nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác; những người mới được bổ sung, nối tiếp... Nhiều đổi thay. Nhưng khát vọng và sự nỗ lực cho sự phát triển của tờ báo Đảng tỉnh nhà vẫn là mạch nguồn xuyên suốt.

Những năm đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, Báo Quảng Nam xuất bản 3 kỳ một tuần (thứ Ba, Năm, Bảy), mỗi kỳ 4 trang, khổ lớn (56 x 72cm). Hai tuần một lần, ra số Chủ nhật 8 trang, khổ 28 x 42cm.

Anh em phóng viên đóng “bản doanh” tại Tam Kỳ, cuối giờ chiều mỗi ngày gửi tin, bài theo xe đò về Đà Nẵng. Bộ phận tòa soạn mượn tạm một phòng làm việc tại Báo Đà Nẵng để biên tập, dàn trang, trình duyệt, rồi chuyển nhà in.

Đến dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm đó, Xí nghiệp in báo Quảng Nam, do anh Huỳnh Đây làm giám đốc, mới vào Tam Kỳ để dựng xưởng sản xuất, chủ yếu phục vụ in báo Quảng Nam. Cũng từ đây, toàn bộ nhân lực Báo Quảng Nam mới chính thức “đoàn tụ” tại tỉnh lỵ.

Vài năm tiếp theo, Báo Quảng Nam mới ra báo Chủ nhật đều đặn hằng tuần, thêm vào đó là các số đặc biệt, đặc san phát hành nhân những dịp lễ, tết. Toàn bộ quy trình sản xuất đều thủ công, nên để ra được một tờ báo, là điều không dễ.

Dấu mốc trên hành trình thay đổi

Dấu mốc đáng chú ý là vào năm 2005, Báo Quảng Nam thay đổi khuôn khổ các số báo ngày, từ khổ lớn (56 x 72cm), 4 trang, sang khổ nhỏ (28 x 42cm) với 8 trang in 2 màu. Nói đáng chú ý, bởi sự thay đổi này không hề đơn giản. Những cuộc tranh luận trước đó đã xảy ra khá sôi nổi, đôi khi gay gắt, quyết liệt.

Cuối cùng, tư duy về tờ báo Đảng nhất định phải to, phải lớn đã nhường chỗ cho quan điểm tờ báo phải phục vụ công chúng, phải tạo sự thuận lợi nhất cho bạn đọc. Rất mừng là nhận thức ấy được sự ủng hộ của Thường trực Tỉnh ủy lúc bấy giờ.

(Cần mở ngoặc nói thêm là ở thời điểm đó, tất cả báo Đảng địa phương trong cả nước đều in khổ lớn; Báo Quảng Nam là một trong số ít đi tiên phong thay đổi khuôn khổ tờ báo. Và theo thời gian, nhiều báo Đảng địa phương cũng dần chuyển sang in báo khổ nhỏ như tờ báo Quảng Nam).

Năm 2006, những tin bài đầu tiên của Báo Quảng Nam xuất hiện trên internet, với việc đưa vào vận hành trang thông tin điện tử của đơn vị, nhờ sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông.

Vậy là bạn đọc có thêm một kênh mới để tiếp cận các sản phẩm của Báo, ngoài tờ báo giấy truyền thống. Internet và sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhanh chóng tạo ra sự xoay chuyển của đời sống và hoạt động tác nghiệp báo chí. Báo Quảng Nam cũng bắt đầu hòa mình vào dòng chảy đó.

Từ đầu năm 2010, Báo Quảng Nam lần lượt tăng trang, tăng kỳ xuất bản. Báo in vẫn là sản phẩm chủ lực; nhưng cạnh đó là sự phát triển của trang thông tin điện tử. Ngoài cập nhật tin, bài từ báo in lên, Báo Quảng Nam bắt đầu sản xuất và xuất bản tin, bài, clip cho báo điện tử.

Tháng 12.2015, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức cấp giấy phép thành lập Báo Quảng Nam điện tử - tờ báo điện tử duy nhất của Quảng Nam cho đến thời điểm này. Như vậy, từ chỗ xuất phát điểm với tờ báo in, mỗi tuần phát hành 3 kỳ báo, Báo Quảng Nam đã trở thành cơ quan báo chí xuất bản cả hai loại hình báo in và báo điện tử.

Báo in xuất bản liên tục mỗi tuần 6 kỳ, mỗi kỳ 12 trang đối với báo thường và 16 trang đối với báo cuối tuần; báo điện tử hoạt động liên tục 24/24 giờ hằng ngày, gồm trang chủ tiếng Việt và phụ trang tiếng Anh, kịp thời cập nhật thông tin phong phú, đa dạng về Quảng Nam đến với công chúng trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Năng lực sản xuất, xuất bản hiện đã tăng gấp nhiều lần so với những năm đầu tái lập tỉnh.

Vào cuộc cùng chuyển đổi số

Mất nhiều năm theo đuổi lộ trình tăng trang, tăng kỳ xuất bản các sản phẩm báo in truyền thống. Nhưng từ đầu năm 2022 này, Báo Quảng Nam lại “trở về” với cột mốc của những năm đầu thành lập Báo. Giảm kỳ xuất bản báo in, từ 6 kỳ/tuần, xuống còn 4 kỳ/tuần; cái khác là thêm ấn phẩm chuyên đề hằng tháng “Văn hóa Quảng Nam”. Vẫn không tránh khỏi những tranh luận, tiếc nuối, hụt hẫng trong nội bộ cơ quan và bạn đọc; nhưng “công chúng ở đâu thì báo chí phải ở đó”.

Đề án phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đang được Báo Quảng Nam nỗ lực triển khai thực hiện, đặt trong tầm nhìn và mục tiêu thích ứng với công cuộc chuyển đổi số của toàn bộ đời sống xã hội và xu thế phát triển tất yếu của báo chí cả nước.

Theo đó, các sản phẩm báo in được “định vị” lại, với mục tiêu cụ thể, khác biệt cho từng ấn phẩm (báo ngày, báo cuối tuần và báo chuyên đề), định hướng chung là phát triển theo chiều sâu, tập trung phân tích, bình luận, tạo góc nhìn đa chiều và đề xuất giải pháp về những vấn đề, lĩnh vực quan trọng, chủ yếu, nóng bỏng của đời sống.

Báo điện tử phát triển trở thành kênh thông tin thời sự chủ lực của Báo Quảng Nam và của tỉnh, phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện tình hình mọi mặt của Quảng Nam, liên tục 24/24 giờ trên các nền tảng công nghệ và bằng nhiều sản phẩm, nhiều loại hình, thể tài, thể loại báo chí.

Chuyển đổi số - cuộc cách mạng mới của báo chí, truyền thông, vừa là xu thế, vừa là thách thức to lớn với báo chí, nhất là với báo chí địa phương, vốn hạn hẹp nhân lực và tài chính. Trong dòng chảy của thời đại, Báo Quảng Nam cũng đã sẵn sàng vào cuộc, với niềm tin và khát vọng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình khát vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO