Kỳ vọng chặng đường mới

CHÂU NỮ 08/11/2021 07:11

Bằng tình cảm gắn bó với Báo Quảng Nam, nhiều cộng tác viên chia sẻ niềm vui trước thông tin Báo Quảng Nam sắp bước vào chặng đường mới khi Đề án phát triển Báo Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được Tỉnh ủy phê duyệt (gọi tắt là Đề án 303).

Cộng tác viên Phùng Tấn Đông phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cộng tác viên Phùng Tấn Đông phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tại hội nghị cộng tác viên (CTV) tiêu biểu do Báo Quảng Nam tổ chức cuối tuần qua, CTV tập trung góp ý chung quanh những thay đổi về nội dung theo Đề án 303; nhất là những điểm mới trong các ấn phẩm báo in và hướng phát triển theo mô hình truyền thông đa phương tiện, đa ngôn ngữ, đa loại hình, đa nền tảng của báo điện tử.

Nhiều CTV cho rằng đây là hướng đi tất yếu, phù hợp xu thế phát triển của báo chí trong đời sống xã hội hiện đại, bắt kịp sự đổi mới của báo chí cả nước.

Chuyên sâu mà gần gũi

Bên cạnh các ấn phẩm báo thường, cuối tuần, đặc san, việc Báo Quảng Nam sẽ có thêm nguyệt san Văn hóa Quảng Nam từ năm 2022 - ấn phẩm chuyên đề về văn hóa và du lịch - là điều được nhiều CTV quan tâm và cho rằng xuất bản ấn phẩm này rất cần thiết, phù hợp với vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa như Quảng Nam.

CTV Phạm Ngọc Sinh - Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho biết, thời gian qua, Báo Quảng Nam đã đồng hành với hoạt động khởi nghiệp qua công tác tuyên truyền, góp phần lan tỏa và nâng tầm sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Còn CTV Hiền Thúy (Tây Giang) cho biết, việc Báo Quảng Nam cấp quyền cho CTV nhập tác phẩm lên hệ thống quản trị nội dung (CMS) giúp chị cải thiện chất lượng bản thảo theo hướng cô đọng, súc tích hơn. Thời gian tới chị sẽ cố gắng tiếp cận công nghệ để bắt kịp những đổi mới của Báo Quảng Nam.

Trao đổi bên lề hội nghị, các CTV công tác tại trung tâm VHTT-TTTH cấp huyện mong muốn được tham gia tập huấn làm báo đa phương tiện do Báo Quảng Nam tổ chức để bắt kịp xu thế làm báo hiện đại.

Cùng với đề nghị tờ báo cải tiến mạnh mẽ về nội dung, hình thức; theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông (TP.Hội An), đối với các tác phẩm nghiên cứu, việc dung hòa giữa nội dung mang tính học thuật và tính báo chí, đồng thời gần gũi đời sống người dân nhưng yêu cầu ngắn gọn về dung lượng là điều các CTV băn khoăn.

Những bài nghiên cứu khó có thể chuyển tải hết nội dung cần thiết trong tác phẩm ngắn, vì có những thuật ngữ cần phải giải thích rõ để người đọc bình thường có thể hiểu. Và việc Báo Quảng Nam có thêm ấn phẩm chuyên đề về văn hóa, du lịch là cơ hội để nhiều CTV có thêm “đất diễn”.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Trần Đức Anh Sơn (TP.Đà Nẵng) cho rằng, xu hướng của báo chí hiện đại là bài viết ngắn gọn nhưng nhiều thông tin. Riêng đối với ấn phẩm văn hóa du lịch Quảng Nam, hy vọng có thể chuyển tải tác phẩm chuyên sâu, những câu chuyện thú vị về văn hóa, du lịch cũng như các vấn đề khác và đây sẽ là sân chơi rộng rãi hơn đối với CTV.

Chung mối quan tâm đến nguyệt san Văn hóa Quảng Nam, CTV Duy Hiển (Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam) nêu ý kiến, ấn phẩm văn hóa - du lịch cần có ý kiến chuyên gia, tổ chức theo hướng chuyên đề, chuyên sâu và đề cập toàn diện về văn hóa Quảng Nam, trong đó có văn hóa miền núi, văn hóa làng… để bạn đọc có cái nhìn bao quát về vùng đất và con người xứ Quảng.

“Quảng Nam là vùng đất văn hóa và là tỉnh đang phát triển, việc bảo tồn và phát triển văn hóa là rất cần thiết” - CTV Duy Hiển nói.

Tăng tính phản biện

Nhà báo Lê Văn Nhi - Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho biết, Báo Quảng Nam rất cần những bài viết của chuyên gia mang tính phân tích, phản biện để đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.

Quang cảnh hội nghị cộng tác viên tiêu biểu do Báo Quảng Nam tổ chức vào ngày 5.11.2021. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Quang cảnh hội nghị cộng tác viên tiêu biểu do Báo Quảng Nam tổ chức vào ngày 5.11.2021. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo CTV Lê Muộn (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT), lĩnh vực nông nghiệp trên các ấn phẩm của Báo Quảng Nam có nhiều bài mang tính thời sự nhưng ít bài phân tích sâu và phản biện chính sách.

Luôn trăn trở về “tam nông”, CTV Lê Muộn hy vọng ông cũng như Báo Quảng Nam sẽ có thêm nhiều bài viết chuyên sâu để góp thêm tiếng nói phản biện ở lĩnh vực này.

Bên cạnh đề nghị có thêm bài viết phản biện, CTV Phạm Thông cho rằng Báo Quảng Nam cần có trách nhiệm tuyên truyền nhiều hơn về văn hóa đọc, vì theo ông, “nhiều người, nhất là người trẻ hiện nay lười đọc”.

Tại hội nghị, Ban Biên tập Báo Quảng Nam thông tin chủ đề chính của đặc san Xuân Nhâm Dần - 2022 là “Thanh xuân cho vùng phên giậu” gắn với sự kiện kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (1997 - 2022).

Dịp này, BBT Báo Quảng Nam khen thưởng 5 CTV tiêu biểu xuất sắc năm 2021, gồm: Hồ Trần Minh Quân, Trương Văn An, Trần Đình Hằng, Nguyễn Văn Phin và Trịnh Phú Thiện.

Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Lê Văn Nhi ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của CTV và cho rằng, dù là tác phẩm chuyên sâu hay thông tin thời sự, đều cần phải gắn với đời sống xã hội và người dân. Đối với những bài viết dung lượng lớn, có thể chuyển tải bằng các sản phẩm đa phương tiện trên báo Quảng Nam điện tử.

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam thông tin, nguyệt san Văn hóa Quảng Nam không phải là tạp chí khoa học chuyên ngành nặng tính học thuật mà là ấn phẩm phản ánh các giá trị bản sắc gắn với đời sống; xây dựng theo xu hướng lựa chọn các chủ đề chuyên biệt cho từng số và để ấn phẩm đạt chất lượng, tòa soạn sẽ tổ chức theo hướng đặt hàng CTV.

Ban Biên tập Báo Quảng Nam nhìn nhận, đội ngũ CTV đã góp phần rất lớn vào sự thành công trong công tác tuyên truyền, góp phần xây dựng Báo Quảng Nam thành cơ quan truyền thông chủ lực của tỉnh.

Thông tin tuyên truyền trên báo Quảng Nam kịp thời, chính xác, hướng về cơ sở, đa dạng lĩnh vực, bám sát địa bàn, mang hơi thở cuộc sống, có chiều sâu…, là nhờ sự cộng tác tích cực và trách nhiệm của đội ngũ CTV, trong đó có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người làm báo ở cơ sở…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng chặng đường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO