Tiếp nối “Khát vọng Quảng Nam”

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/04/2022 08:26

Cuộc thi báo chí “Khát vọng Quảng Nam” được Báo Quảng Nam phát động từ trung tuần tháng 6.2021, nhằm khơi dậy khát vọng về một Việt Nam hùng cường, một quê hương Quảng Nam phồn vinh. Đến nay, cuộc thi đã khép lại nhưng dòng chảy của khát vọng ấy vẫn được tiếp nối.

Nguyễn Văn Nhân (quê xã Điện Hòa, Điện Bàn), người sáng lập Rơm Vàng Farm miệt mài theo đuổi khát khao canh nông kiểu mới - nhân vật trong “Vun giấc mơ với vườn rừng”, tác phẩm được chọn trao giải Nhất cuộc thi báo chí “Khát vọng Quảng Nam”. Ảnh: BQN
Nguyễn Văn Nhân (quê xã Điện Hòa, Điện Bàn), người sáng lập Rơm Vàng Farm miệt mài theo đuổi khát khao canh nông kiểu mới - nhân vật trong “Vun giấc mơ với vườn rừng”, tác phẩm được chọn trao giải Nhất cuộc thi báo chí “Khát vọng Quảng Nam”. Ảnh: BQN

Tham dự cuộc thi có nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo; có tác phẩm do nhóm tác giả kết hợp phóng viên Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT), hoặc phóng viên và cộng tác viên phối hợp thực hiện.

Phần lớn đó là những người hoạt động trên địa bàn tỉnh, nên ít nhiều nắm bắt được thực trạng tình hình kinh tế - xã hội những năm qua và các vấn đề trọng tâm của tỉnh được định hướng phát triển cho chặng đường 5 năm, 10 năm đến.

Những mảng màu nổi bật

Theo đánh giá của ban giám khảo, tổng thể tác phẩm dự thi bao phủ đề tài ở nhiều lĩnh vực đời sống. Có 8 tác phẩm đoạt giải theo cơ cấu thể lệ quy định, đều bao quát đề tài của tất cả tác phẩm dự thi.

Mảng màu nổi bật là tác phẩm về đề tài nông nghiệp như “Vun giấc mơ với vườn rừng”, được tổ chức thực hiện đa phương tiện khá chỉn chu từ cách xử lý nội dung đề tài và kỹ thuật đồ họa, bắt mắt, ấn tượng.

Tác phẩm mô tả sinh động mô hình Rơm vàng Farm để gợi mở về cách làm nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, an toàn, bền vững, trong đó “quá trình canh tác đã giúp hồi phục hệ sinh thái, cải tạo đất, xử lý hóa chất tồn dư”. Từ đó nêu lên khát vọng của trí thức trẻ muốn khởi nghiệp sáng tạo trên đồng đất quê hương, mở lối đi làm giàu cho nông dân.

Ở góc nhìn khác, tác phẩm “Kỳ vọng nông nghiệp theo chuỗi giá trị” đã phân tích mổ xẻ điểm nghẽn của nông nghiệp và dự báo “sự thiếu vắng doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh; nếu chậm cải thiện, từ đầu năm 2022 sẽ càng gặp khó khi thực hiện quy định về chất lượng nông sản và doanh nghiệp phải đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc”.

Do vậy, cần khơi dậy khát vọng chuyển sang nền kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị rất rõ nét với các vùng, đặc biệt là “các đốm lửa từ chương trình OCOP, khởi nghiệp sáng tạo là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp tục nhen nhóm, thổi bùng lên sẽ lan tỏa đều khắp những làng quê”.

Cũng xử lý về vấn đề nông nghiệp nông thôn nhưng đi sâu vào các sản phẩm thủ công nghiệp, nông sản hàng hóa như chương trình OCOP, loạt bài ba kỳ “Định danh thương hiệu sản phẩm bản địa” đã đầu tư khá công phu từ điểm nhìn về các giá trị di sản, nhất là việc xây dựng thương hiệu hàng hóa xứ Quảng, đề xuất cho việc phát triển “định danh thương hiệu sản phẩm bản địa” và gợi mở các giải pháp khả thi, đồng bộ cả về giá trị văn hóa và kinh tế trong “thương hiệu”.

Trong các đề tài tổng hợp, đáng chú ý là tác phẩm báo chí đa phương tiện “Quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050: Không là mảnh ghép của các lãnh thổ”. Tác phẩm tích hợp cái nhìn tổng thể về thực trạng, từ đó định hướng giải quyết các xung đột, chồng lấn trong quy hoạch, với ý tưởng “không để bản quy hoạch là những phép cộng đơn thuần, sự chồng lớp của các ngành, lĩnh vực hay là mảnh ghép của các lãnh thổ”.

Cũng là đề tài tổng hợp đa ngành, tác phẩm “Mục tiêu nằm trong top 10 của cả nước về cải cách hành chính: Quảng Nam chuẩn bị nền tảng con người và công nghệ” đã phản ánh nỗ lực của tỉnh trong cải cách hành chính ở cách lĩnh vực, những tồn tại và đưa ra các ý kiến của lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành về giải pháp để đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính.

Phản ánh hoạt động doanh nghiệp, đáng chú ý có tác phẩm “Doanh nghiệp đầu tiên sản xuất tôm giống trên đất Quảng Nam”. Đây là tác phẩm đa phương tiện, mô tả về một doanh nghiệp ở lĩnh vực mới - áp dụng công nghệ sản xuất tôm giống, gợi mở cho con đường nuôi tôm bền vững của Quảng Nam. Khát vọng của doanh nghiệp đồng hướng với chủ trương tháo gỡ điểm nghẽn lâu nay trong nghề nuôi tôm, giúp nông hộ nuôi tôm vươn lên làm giàu.

Tác phẩm “Ô tô Trường Hải tại Chu Lai: Mối lương duyên đặc biệt” là khía cạnh khác về hoạt động của một doanh nghiệp tầm cỡ “sếu đầu đàn” ở Quảng Nam. Bài báo đã phác họa tương đối rõ những khát vọng của một tập đoàn sản xuất khi đặt chân vào Chu Lai, và thành công trong suốt hàng chục năm qua. Những kỳ vọng của Quảng Nam và Thaco để xây dựng trung tâm cơ khí ô tô, logistics… cũng đã được trình bày mạch lạc, ấn tượng.

Trên lĩnh vực văn hóa và du lịch, có tác phẩm “Tìm hướng đi cho hát bộ trong thị trường du lịch” đã khái quát những giá trị truyền thống của nghệ thuật hát bộ/hát bội, đề xuất các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật này trong đời sống văn hóa và kể cả du lịch.

Tiếp biến dòng chảy khát vọng

Trải qua hơn 6 tháng diễn ra Cuộc thi báo chí “Khát vọng Quảng Nam” đã có nhiều tác phẩm tham gia, trong đó đã biên tập, sơ khảo và đăng tải trên báo in và báo điện tử Quảng Nam 34 tác phẩm, với nhiều thể loại (bài phản ánh, chính luận, ký báo chí, báo chí đa phương tiện…).

Dù số lượng tác phẩm tham gia còn ít, tác giả chưa đông đảo, một số tác phẩm còn xử lý chưa sâu đề tài phản ánh hoặc có mặt đơn điệu trong hình thức, kết cấu, bố cục… Tuy vậy, cuộc thi cũng đã có những mặt thành công nhất định khi góp phần “đánh thức” những trăn trở, suy ngẫm để hiến kế các giải pháp thực hiện “khát vọng Quảng Nam” ở một số lĩnh vực quan trọng.

Có lẽ điều thú vị đem đến cho bạn đọc qua chuyên trang trên báo in và chuyên mục Cuộc thi báo chí “khát vọng Quảng Nam” trên báo Quảng Nam điện tử, ít nhiều đã cung cấp những cái nhìn đáng quan tâm về một số định hướng lớn của tỉnh, khơi dậy tiềm năng lợi thế của vùng đất con người, từ kinh tế đến văn hóa.

Ban Tổ chức cuộc thi nhìn nhận rằng, tổng thể tác phẩm dự thi dù đạt giải hay không cũng đã góp phần cho Báo Quảng Nam bước đầu triển khai tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII vào cuộc sống.

Đời sống kinh tế - xã hội sẽ luôn tiếp biến dòng chảy khát vọng.

Một cuộc thi đã khép lại nhưng trên báo Quảng Nam vẫn tiếp tục phản ánh, khơi lên ngọn lửa khát vọng và đề xuất nhiều giải pháp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Quảng Nam giàu mạnh, hạnh phúc.

Kết quả Cuộc thi báo chí “Khát vọng Quảng Nam”

- 1 Giải Nhất (10 triệu đồng) trao cho tác phẩm “Vun giấc mơ với vườn rừng” của nhóm tác giả Phạm Quốc Tuấn - Nguyễn Tấn Châu.

- 2 Giải Nhì (7 triệu đồng/giải), gồm các tác phẩm: “Quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050: Không là mảnh ghép của các lãnh thổ” của nhóm tác giả Hữu Phúc - Ngân Thành - Hà Nguyễn - Hòa Tiên; “Định danh thương hiệu sản phẩm bản địa” của tác giả Phạm Ngọc Sinh.

- 2 Giải Ba (5 triệu đồng/giải), gồm các tác phẩm “Doanh nghiệp đầu tiên sản xuất tôm giống trên đất Quảng Nam” của nhóm tác giả Mỹ Linh - Đoàn Đạo - Hồ Quân; chuyên đề “Mục tiêu nằm trong top 10 của cả nước về cải cách hành chính: Quảng Nam chuẩn bị nền tảng con người và công nghệ” của tác giả Nguyễn Đoan.

- 3 Giải Khuyến khích (3 triệu đồng/giải), gồm các tác phẩm: “Kỳ vọng nông nghiệp theo chuỗi giá trị” của tác giả Lê Muộn; “Ô tô Trường Hải tại Chu Lai: Mối lương duyên đặc biệt” của nhóm tác giả Trương Đức Tới - Phan Thị Lựu; “Tìm hướng đi cho hát bộ trong thị trường du lịch” của tác giả Trương Bách Tường.(BQN)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp nối “Khát vọng Quảng Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO