Môi trường

Toan tính nào cho đập tạm sông Quảng Huế và Vĩnh Điện

QUỐC TUẤN 30/12/2024 07:45

Hằng năm, vài tỷ đồng lại trôi theo sông khi cơ quan chức năng phải thiết lập đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện và đập tạm điều tiết nước trên sông Quảng Huế.

Đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện được thiết lập hằng năm và bị phá dỡ mỗi khi mùa mưa lũ đến. Ảnh: Q.T
Đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện được thiết lập hằng năm và bị phá dỡ mỗi khi mùa mưa lũ đến. Ảnh: Q.T

Giải pháp tình thế

Đến hẹn lại lên, khi chuẩn bị bước vào mùa khô hằng năm, cơ quan chức năng thuộc hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng lại phải rục rịch tính phương án để thiết lập đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) và đập tạm điều tiết nước về hạ du sông Vu Gia tại ngã ba sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc) rồi lại tháo dỡ để đảm bảo dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Quá trình này đã duy trì trên dưới 10 năm và vẫn sẽ tiếp diễn định kỳ trong thời gian tới bởi tác động của việc chuyển dòng và biến đổi khí hậu.

Được biết, có một số năm dù mới vào đầu mùa khô nhưng gặp thời tiết mưa lớn bất thường, đập tạm trên sông Vĩnh Điện đã bị vỡ như các năm 2015, 2022 buộc chính quyền địa phương phải bỏ thêm kinh phí khắc phục, gia cố để ứng phó với cao điểm hạn, mặn.

Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam (Sở NN&PTNT Quảng Nam), hiện chính quyền thị xã Điện Bàn đã chủ động kế hoạch đắp đập Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện giúp đảm bảo nguồn nước ngọt cấp ổn định cho khoảng 2.197ha đất sản xuất nông nghiệp của thị xã Điện Bàn, TP.Hội An cũng như một phần quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ của TP.Đà Nẵng trong mùa khô 2025.

Còn với đập tạm trên sông Quảng Huế, khoảng 10 năm qua, hai địa phương Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã thống nhất thiết lập đập tạm này ở khu vực ngã ba sông Quảng Huế nhằm gia tăng tỷ lệ phân lưu nước về hạ du sông Vu Gia. Nếu không có đập tạm này, tình hình cấp nước vào mùa khô ở vùng hạ du sông Vu Gia, nhất là TP.Đà Nẵng sẽ rất căng thẳng.

Ông Trần Phước Thương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, những năm qua khoảng 10 tỷ đồng của đơn vị đã “trôi sông” để làm đập tạm này.

Việc bỏ kinh phí đầu tư đập cũng có những khó khăn do nằm ngoài phạm vi TP.Đà Nẵng, phải làm báo cáo, thủ tục rất rườm rà, thường mất vài tháng mới hoàn thành được đập tạm. Mùa khô vừa rồi, việc thi công đập còn vất vả hơn do sự phản đối của một số người dân địa phương vì lo ngại ảnh hưởng sạt lở đất canh tác nông nghiệp.

Toan tính nào cho tương lai?

Thực trạng dòng chảy phân chia nước bất hợp lý tại ngã ba sông Quảng Huế vào mùa kiệt chắc chắn vẫn sẽ tiếp diễn. Nhưng các bên liên quan đều chung nhận định phải có hướng xử lý căn cơ chứ không thể giải pháp tạm thời như nhiều năm qua.

Đập tạm tại ngã ba sông Quảng Huế giúp tăng tỷ lệ phân lưu nước về hạ du sông Vu Gia trong những năm gần đây nhưng cần có công trình căn cơ hơn trong tương lai. Ảnh: Q.T
Đập tạm tại ngã ba sông Quảng Huế giúp tăng tỷ lệ phân lưu nước về hạ du sông Vu Gia trong những năm gần đây, nhưng cần có công trình căn cơ hơn trong tương lai. Ảnh: Q.T

Theo chuyên gia Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, giai đoạn 2013 - 2019, lòng dẫn phía sau đập tạm điều tiết lưu lượng trên sông Quảng Huế liên tục bị xói sâu và mở rộng lòng dẫn, giải pháp tình thế và vị trí bố trí công trình tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định dòng chảy tại khu vực này.

Do đó, rất cần một giải pháp công trình và bố trí hợp lý nhằm chủ động kiểm soát, điều tiết được nguồn nước, dòng chảy trên lưu vực sông Quảng Huế ở cả mùa khô lẫn mùa lũ.

Hồi tháng 10/2024, Bộ NN&PTNT đã có quyết định giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư) dự án Công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế, tỉnh Quảng Nam cho Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ từ năm 2024 - 2026, với quy mô đầu tư là xây dựng mới công trình điều tiết, phân lưu trên sông Quảng Huế, các hạng mục phụ trợ và hệ thống công trình chỉnh trị, phòng chống sạt lở bờ bãi sông Quảng Huế. Như vậy, trong tương lai một công trình căn cơ hơn để chỉnh trị sông Quảng Huế sẽ hình thành để thay thế cho đập tạm hiện tại.

Với đập tạm trên sông Vĩnh Điện thì dùng dằng hơn, bởi vẫn có những góc nhìn khác nhau về tầm nhìn dài hạn cho công trình, là xây đập vĩnh cửu hay chỉ duy trì đập tạm.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, nếu xây đập ngăn mặn kiên cố trên sông Vĩnh Điện thì về lâu dài nhiều khả năng sẽ lãng phí, không có nhiều tác dụng.

“Trong tương lai, vùng sản xuất khoảng 2.000ha phụ thuộc vào nguồn nước ở khu vực này liệu có còn duy trì không hay sẽ dần đô thị hóa. Cho nên trước mắt mong Quảng Nam đừng nghĩ đến việc kiên cố hóa đập Vĩnh Điện, còn về lâu dài sẽ tính tiếp” - ông Thắng chia sẻ.

Về phía Quảng Nam, trong năm 2024 tỉnh đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, trong đó đáng chú ý có dự án Đập ngăn mặn trên sông Thu Bồn dự kiến gồm các hạng mục: Xây dựng mới đập ngăn mặn, giữ ngọt bằng bê tông cốt thép gồm các khoang có hệ thống cửa van đóng mở, âu thuyền đảm bảo giao thông thủy và cầu giao thông nối hai bờ sông Thu Bồn.

Về lâu dài đây có thể là giải pháp hài hòa đáp ứng đa mục tiêu vừa ngăn mặn, cấp nước cũng như cải tạo hệ sinh thái cho vùng đồng bằng sông Thu Bồn thay vì xây dựng đập ngăn mặn kiên cố trên sông Vĩnh Điện.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Toan tính nào cho đập tạm sông Quảng Huế và Vĩnh Điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO