(QNO) - Chỉ đạo sớm và triển khai linh hoạt, kịp thời các giải pháp là cách mà ngành Bảo hiểm xã hội và các trường học giúp phụ huynh hiểu quyền lợi, tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình.
Vận động sớm
Chỉ còn khoảng một tuần nữa là vào năm học mới 2023 - 2024 nên Ban giám hiệu trường THCS Chu Văn An (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) đã triển khai ngay nhiệm vụ tuyên truyền BHYT học sinh - sinh viên (HSSV) đến các giáo viên bộ môn. Từ các nội dung tuyên truyền của ngành BHXH, giáo viên chủ nhiệm sẽ chuyển tải lên nhóm Zalo của lớp để phụ huynh nắm bắt thông tin.
“Việc tuyên truyền cũng sẽ đưa vào trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường cũng treo băng rôn tuyên truyền về tham gia BHYT ngay trước cổng trường để gây sự chú ý, nhắc nhở phụ huynh học sinh” - thầy giáo Trương Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết.
Do nhiều lý do mà mỗi năm, nhà tường có khoảng 15 học sinh không có kinh phí mua BHYT, vì vậy, đến khoảng tháng 10 hằng năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ lập danh sách các học sinh chưa tham gia, tìm hiểu nguyên nhân và vận động phụ huynh. Để đảm bảo 100% học sinh được bảo vệ sức khỏe, an tâm học tập nhà trường vận động các cựu học sinh, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… cùng đóng góp để hỗ trợ các trường hợp khó khăn.
“Năm học 2022 - 2023, qua kêu gọi xã hội hóa chúng tôi nhận được 15 triệu đồng để mua BHYT cho 12 học sinh. Nhờ đó nhiều năm liền nhà trường luôn duy trì tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT, góp phần giúp các em học tập tốt hơn” - thầy Trương Thanh Tuấn cho biết thêm.
Theo BHXH huyện Núi Thành, năm học mới này, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính là đề nghị UBND huyện, Phòng GD-ĐT căn cứ kết quả tham gia BHYT học sinh của năm học 2022 - 2023, chỉ đạo các trường có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT chưa đạt 100% xây dựng kế hoạch và giải pháp nhằm đảm bảo tất cả học sinh của trường đều phải tham gia BHYT.
Trong công tác tuyên truyền, vận động, sẽ nêu rõ thông tin thu phí, phát hành thẻ BHYT cho học sinh và mức phí bắt đầu từ ngày 1/7/2023 theo mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng để phụ huynh có thời gian chuẩn bị.
“Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị các trường học cung cấp thông tin mã số định danh cá nhân của học sinh để cập cập nhật, điều chỉnh. Hướng dẫn phụ huynh cài đặt VssID - Bảo hiểm xã hội số, thực hiện đăng ký giao dịch điện tử để thay thế thẻ BHYT giấy khi khám chữa bệnh BHYT” - ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Giám đốc BHXH huyện Núi Thành cho biết.
[VIDEO] - Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học:
Giải quyết các tồn tại của năm học cũ
Năm học 2022 - 2023, trên địa bàn toàn thị xã Điện Bàn có 63 trường tham gia BHYT HSSV. Trong đó, có 1.644 HSSV đã được ngân sách Nhà nước mua BHYT là đối tượng thân nhân người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, số HSSV tham gia BHYT tại trường là 39.923 em. Tổng số HSSV tham gia BHYT là 41.567 HSSV đạt 98,98%.
Nhiều trường tham gia BHYT học sinh đạt tỉ lệ 100% như Trường TH JunKo, Trường TH Phan Bội Châu, Trường THCS Ông ích Khiêm, Trường THCS Lê Văn Tám, Trường THCS Lê Trí Viễn, Trường THPT Nguyễn Khuyến, Trường THPT Lương Thế Vinh …
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường có tỷ lệ HSSV đạt thấp hơn mặt bằng chung toàn thị xã là Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam 95,38%, Trường THPT Hoàng Diệu 95,58%, Trường THCS Đinh Châu 96,09%…
Thông qua việc sử dụng nguồn kinh phí được trích lại từ quỹ BHYT, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được thực hiện tốt khi nhiều trường đã bố trí được phòng y tế tại trường.
“Tổng kinh phí được trích chi cho chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nhà trường là 1,79 tỷ đồng. Chi phí khám chữa bệnh cho HSSV tại các cơ sở y tế từ tháng 9/2022 đến 7/2023 là hơn 12,4 tỷ đồng với 32.134 lượt HSSV khám chữa bệnh” – Giám đốc BHXH TX.Điện Bàn Phạm Đình Tuấn Dũng cho biết.
Tuy nhiên, công tác BHYT HSSV vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại khi tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thấp. Ông Dũng lý giải, HSSV tham gia BHYT tại trường đã được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng và hỗ trợ tới 70% mức đóng đối với HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo. Nhưng trên địa bàn thị xã hiện còn 1,02% tổng số HSSV tương ứng 429 em HSSV chưa tham gia BHYT.
Để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH TX.Điện Bàn sẽ phối hợp với chính quyền, ngành giáo dục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHYT bằng các hình thức như tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo...
Huy động sự quan tâm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với những HSSV có hoàn cảnh khó khăn, có chính sách hỗ trợ phần kinh phí thuộc trách nhiệm đóng cho HSSV để không em nào bị bỏ lại phía sau, bình đẳng trong thụ hưởng chính sách BHYT.
“Trường hợp gia đình thực sự có khó khăn về tài chính, ngành giáo dục phối hợp với cơ quan BHXH lập danh sách, kiến nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ phần kinh phí thuộc trách nhiệm đóng của HSSV, tạo điều kiện để HSSV được tham gia BHYT. Đồng thời, phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho HSSV tại các nhà trường, cơ sở giáo dục và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích đúng quy định” - ông Phạm Đình Tuấn Dũng nói.
Năm học 2022 – 2023 toàn tỉnh có 277.741 HSSV tham gia BHYT đạt tỷ lệ 98,18%.
Còn tại huyện miền núi Nam Trà My, UBND huyện đã chỉ đạo ngành BHXH và GD - ĐT nhanh chóng tổ chức hướng dẫn thủ tục hồ sơ, mức đóng BHYT, thực hiện in và cấp thẻ BHYT học sinh đầy đủ, kịp thời. Trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường học theo đúng quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
“Điều quan tâm lớn ở huyện Nam Trà My là việc phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho học sinh khi khám, chữa bệnh. Đồng thời, chúng tôi cùng với Phòng GD-ĐT theo dõi, kiểm tra, giám sát các điều kiện về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục. Và báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc đến UBND huyện để học sinh được chăm sóc tốt nhất có thể” - ông Huỳnh Ngọc Thạo, Giám đốc BHXH huyện Nam Trà My nói.